"Lái súng" từ mạng ảo đến đời thực

07:05 | 17/01/2016

1,254 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 “Số má của các băng đảng giang hồ giờ đây không chỉ thể hiện bằng địa bàn, bằng dao kiếm mà nó còn thể hiện qua việc sở hữu các loại vũ khí nóng. Kho vũ khí càng lớn nghĩa là “số má” giang hồ cũng được khẳng định theo”, giang hồ tên là Nhật “sát thủ” nói với phóng viên.  

Đường đi của hàng cấm

Trong quá trình thâm nhập tìm hiểu tư liệu viết bài về tình trạng buôn bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trái phép, chúng tôi đã tiếp cận được người đàn ông tên Nhật, 48 tuổi, quê gốc ở Thủy Nguyên, Hải Phòng - từng được mệnh danh là “sát thủ” đất Cảng. 3 năm trước, sau lần bị tai nạn và gãy chân, gã rửa tay gác kiếm về quê ở ẩn.

lai sung tu mang ao den doi thuc
Tình trạng mua bán vũ khí diễn ra công khai trên các website, mạng xã hội

Nhật “sát thủ” chỉ nói riêng về súng ống. Bởi theo gã, vài năm trở lại đây, các loại súng tự chế, súng “hạng nặng” đang được giới giang hồ săn đón, trở thành mối hiểm họa đe dọa tính mạng con người. Sự phổ biến của các loại vũ khí này đang như một dòng chảy ngầm đe dọa trực tiếp đến cuộc sống bình yên của người dân.

Nhắc về súng, Nhật “sát thủ” kể, từ trước năm 90 của thế kỷ trước, các vụ vượt biên sang Hongkong tại Hải Phòng nở rộ. Người dân Hải Phòng có mặt tại Hongkong có đến hàng ngàn người với đủ các thành phần. Từ đó, súng, đặc biệt là súng hoa cải tràn về Hải Phòng theo nhiều đường khác nhau. Sau đó lan sang các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình…

“Tuy nhiên, giới giang hồ đều nhận thấy những loại súng này còn nhiều hạn chế như: chỉ bắn được một viên, uy lực sát thương không đáng kể khi bắn ở tầm xa. Nếu rút súng hoa cải ra thanh toán không chính xác đồng nghĩa với việc lãnh hậu quả tàn khốc. Vì thế, càng về sau này, các loại súng tự chế tân tiến với tính sát thương cao lần lượt được ra đời”, gã nói.

Điển hình nhất được Nhật “sát thủ” nhắc đến đó là súng 2 nòng, nạp một lúc được 2 viên, bán kính sát thương trong khoảng 30cm. Đây là loại súng thế hệ mới nguy hiểm và có sức sát thương tàn khốc hơn nhiều so với hoa cải. Loại này có nguồn gốc từ bên Tàu, tuồn về Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau nhưng vẫn chủ yếu qua con đường… quen biết.

Theo giới thiệu, giá loại này gần 10 triệu đồng, còn đạn 80.000 đồng/viên, số lượng thì tùy yêu cầu. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn thâm nhập việc mua bán súng thì nhận được cái lắc đầu từ gã. “Nếu vài năm trước thì tôi giúp được, mấy năm nay “quy ẩn” nên chẳng quan tâm đến thế sự”, Nhật “sát thủ” kết thúc câu chuyện và tiễn khách.

lai sung tu mang ao den doi thuc
Loại súng tự chế hai nòng này được “tay buôn” rao bán cho phóng viên với giá 8 triệu đồng

“Nhà cung cấp” giấu mặt

Không nhận được sự giúp đỡ của Nhật “sát thủ”, chúng tôi đành vào Internet tìm kiếm thông tin. “Lang thang” trên mạng tôi bắt chuyện được một người tên Gia mới mua được một loại súng hơi bắn bi sắt. Gia cho biết, khẩu súng này không khác gì so với khẩu súng thật vì nó cũng được làm bằng ánh thép sắc lạnh, nặng và… đằm tay. Gia khoe, hắn mua được trên mạng, qua một trang web chứ không biết tên tuổi, mặt mũi người bán. Khi chúng tôi tò mò về tác dụng của loại súng này thì Gia nói, vừa để săn bắn, vừa để để “phòng thân”.

Mặc dù Gia biết các loại súng ống dạng này đều thuộc hàng cấm nhưng các hoạt động ngầm vẫn diễn ra một cách mạnh mẽ. Đúng như lời gã quảng cáo, chỉ cần lên mạng search qua công cụ tìm kiếm Google với từ khóa “mua súng”, ngay lập tức chúng tôi nhận được 775.000 kết quả chỉ trong 0,35 giây. Các loại súng hoa cải, súng bắn bi sắt, K54, K59, dụng cụ hỗ trợ… đều có mặt và được rao bán rầm rộ.

Chúng tôi ghé thăm một trang web mua bán gắn mác 18+, chuyên buôn bán các loại súng ống. Qua kiểm tra thì được biết, toàn bộ tên miền, máy chủ của trang web này không đặt ở Việt Nam mà đặt tại Mỹ. Trên trang web này, địa chỉ giao dịch hoàn toàn không có mà chỉ có số điện thoại di động của Việt Nam.

Sau khi nhắn tin ngỏ ý hỏi mua “hàng” thì số điện thoại nói trên giới thiệu các loại mặt hàng vũ khí từ roi điện đến súng bắn điện… Nấm chích điện có loại chỉ dài 5cm, nhưng có thể bắn điện ở khoảng cách 8m với điện áp 1.300kV. Bút bi có khả năng bắn điện xa 6m, gây choáng khi bị bắn trúng.

Còn súng thì có đủ loại từ “hạng nhẹ” đến “hạng nặng”. Chúng tôi ngỏ ý muốn mua 2 khẩu súng hơi loại 9kg và 12kg để bắn chim và 1 khẩu K54 để “phòng thân”. Đầu giây bên kia lập tức giới thiệu các loại mặt hàng như hàng Tiệp Khắc, Đài Loan và Trung Quốc. Giá loại 9kg, 6-7 triệu một cây, loại 12kg 9-10 triệu, còn K54 khó tìm nên hơi đắt, khoảng 16 triệu một khẩu.

Để tìm hiểu rõ về “nhà cung cấp” giấu mặt, chúng tôi muốn thanh toán theo hình thức chuyển khoản nhưng chủ nhân của số điện thoại giao dịch cho biết họ chỉ cần biết địa chỉ, bất kỳ ở đâu họ cũng giao được, miễn là thanh toán đầy đủ cả cước cho người giao hàng.

Tận mục sở thị

Tìm trên một trang mạng khác rao bán về vũ khí, chúng tôi tìm được số điện thoại của một “tay buôn” mang biệt danh Minh “K54”. Qua điện thoại, chúng tôi giới thiệu là doanh nghiệp cần mua một số công cụ hỗ trợ cho bảo vệ, Minh “K54” đồng ý gặp ở trung tâm thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Sau khi đến địa chỉ như đã hẹn, bốc máy gọi điện thì người đàn ông này tiếp tục chỉ đường đến một địa chỉ khác. Tiếp tục như vậy, chúng tôi phải đi vòng vèo qua nhiều con hẻm nhỏ mới đến một quán cà phê vắng khách. Gã đàn ông xuất hiện, chạc 40 tuổi, tự giới thiệu là Minh “K54”.

Minh “K54” quảng cáo về súng tự chế và công cụ hỗ trợ mà gã có. Nổi bật nhất trong số đó là khẩu súng 2 nòng, dài 60cm. “Loại này tính sát thương thì khỏi phải nói, “ăn” phát đạn là đi luôn. Vì súng đã cũ được chế lại nên giá 8 triệu”, gã nói.

Khi chúng tôi hỏi có nhận tiền qua chuyển khoản không thì gã trả lời: “Trước kia việc giao hàng thường chuyển tiền qua tài khoản nhưng như thế dễ bị lộ. Bây giờ tiện nhất là thông qua “người vận chuyển”. Việc này an toàn hơn nhiều, bởi nếu có bị cơ quan công an “sờ gáy” thì người vận chuyển không hề biết mặt hàng mình vừa chuyển là gì và tất nhiên, bên cung cấp thấy “động” là biến mất luôn”.

Khi chúng tôi bảo không mang đủ tiền mặt nên sẽ liên lạc sau thì Minh “K54” khó chịu và vội vàng cất toàn bộ “hàng” vào một chiếc túi vải lớn, sau đó nhanh chóng ra chiếc xe Win có người đã nổ máy sẵn ở cổng và phóng đi. Khoảng 1 tiếng sau khi chúng tôi gọi vào số điện thoại của gã thì thấy không liên lạc được nữa. Đúng như trước đó Minh “K54” nói: “Vì đây là mặt hàng cấm nên mọi giao dịch phải diễn ra chớp nhoáng. Cả người bán và mua để phải dùng sim “rác”, hễ có “động” là bỏ số luôn”.

Xử lý hình sự người mua

Bất chấp những quy định cấm, từ các địa chỉ số trên Internet, lan sang các tài khoản facebook khiến sự dễ dàng trong việc mua bán, trao đổi các loại công cụ hỗ trợ, vũ khí nguy hiểm ít nhiều tạo điều kiện cho tội phạm gia tăng. Trực tiếp tìm hiểu những “địa chỉ” cấm này mới thấy rõ sự công khai, thách thức cơ quan chức năng.

Trước những diễn biến về việc mua bán công cụ hỗ trợ, vũ khí nguy hiểm tràn ngập trên mạng, theo tổng kết của lực lượng cảnh sát, trong năm 2014 cả nước phát hiện bắt giữ 952 vụ, 1.301 đối tượng sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; xảy ra 467 vụ, 560 đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ làm chết 56 người, bị thương 294 người.

Trao đổi với PV về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Việc mua bán các mặt hàng nói trên có thể bị khởi tố theo quy định tại Điều 233, Bộ luật Hình sự về tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ. Như vậy không chỉ người bán mà cả người mua đều có thể xử lý hình sự”.

“Việc các đối tượng tàng trữ, mua bán và sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trái phép rất nguy hiểm, tiềm ẩn tội phạm xã hội gia tăng. Do vậy, để kiểm soát việc này, cơ quan chức năng cần phát hiện, chặn đứng “nguồn cung”. Trước tiên phải kiểm soát kỹ ở các cửa khẩu, sau đến “thị trường... mạng” đang diễn ra tràn lan như hiện nay”, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến nói.

Thảo Phượng

Năng lượng Mới 491

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc