Lại chữ "cách"! - Pho hay kho?

07:00 | 16/03/2013

|
(Petrotimes) - Trong Hán Việt từ điển giản yếu của Đào Duy Anh (Nxb Văn Hóa - Thông Tin, 2009, tr.56) thấy ghi “cách” trong “cải cách” là [格] chứ không phải là [革]? Phải chăng chữ “cách” trong “cải cách” ở bên Tàu khi vào Hán Việt của tiếng Việt có thay đổi, hay cụ Đào Duy Anh bị nhầm?

Bạn đọc: 1. - Tôi rất vui mừng khi đọc được lời giảng của ông về mục từ “Cải cách”. Phần giảng nghĩa tôi đã rõ, nhưng phần Hán tự tôi vẫn còn một thắc mắc nhỏ là sao trong Hán Việt từ điển giản yếu của Đào Duy Anh (Nxb Văn Hóa - Thông Tin, 2009, tr.56) thấy ghi “cách” trong “cải cách” là [格] chứ không phải là [革]? Phải chăng chữ “cách” trong “cải cách” ở bên Tàu khi vào Hán Việt của tiếng Việt có thay đổi, hay cụ Đào Duy Anh bị nhầm?

2. - Tôi đọc thấy trên Google:

- Trang web của Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái:

“Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng.
Chẳng bằng kinh sử một vài kho”

                               Lê Quý Đôn

- Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam:

 “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng
Chẳng bằng kinh sử một vài pho”.

- Khoa Tâm Lý - Giáo dục Trường ĐHSP - ĐH Đà Nẵng:

“Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng
Không bằng kinh sử một vài pho”

                               Cao Bá Quát

Xin ông giúp tìm nguyên tác câu thơ trên, có trong sách nào, tác giả là ai và chữ cuối câu sau là “pho” hay “kho”.

Quang Hải Trần [email protected]

Học giả An Chi: 1. - Trước nhất, xin kể một chuyện vui vui xảy ra ở bên Trung Hoa đại lục gần đây. Một blogger ký tên là Lão Thuỵ [老瑞] xài hai chữ “cải cách”[改格]. Bị người khác chê là xài chữ trật, anh ta trả lời:

[并非老瑞没文化,“改革”写成“改格”,因为我这个并非新闻常说的“改革”,而是我把格局改动了,故称“改格”,嘻嘻.]

Đại ý: Hoàn toàn không phải Lão Thuỵ thiếu văn hóa (nên mới) viết [改革] thành [改格]. Đây không phải hai chữ [改革] thường nói đến trên báo chí; chẳng qua tôi đã thay đổi “cách cục” [格局], tức “kết cấu” (của nội thất) nên mới viết thành [改格]. Hi hi!

Nghĩa là ở đây, Lão Thụy chỉ chơi chữ chứ không phải anh ta không biết rằng hai chữ “cải cách” phải viết thành [改革].

Trở lại với câu hỏi của bạn, xin khẳng định rằng, dù đã sang đến bên ta, hai chữ “cải cách” vẫn y chang như hồi nó còn ở bên Tàu. Đó là [改革]. Bạn có thể kiểm chứng ở Từ điển Hán Việt - Hán ngữ Cổ đại và Hiện đại do Trần Văn Chánh biên soạn (Nxb Trẻ, TP HCM, 1999, tr.931), Từ điển Hán - Việt của Viện Ngôn ngữ học do Phan Văn Các chủ biên (Nxb Tổng hợp TP HCM, 2008, tr.478), hoặc sớm hơn nữa là Việt Hán từ điển tối tân của Nhà sách Chin Hoa (Chợ Lớn, 1973, tr.87),v.v..

 2. - Xin thú thật với bạn rằng chúng tôi chưa có điều kiện để tìm hiểu cho thật cặn kẽ về xuất xứ của hai câu này. Nhưng nhân việc trả lời bạn về chữ “cách”, chúng tôi cũng muốn nói đôi điều về chữ nghĩa trong hai câu này: “pho” hay là “kho”?

Như bạn có thể đã thấy trên mạng, phần lớn các nguồn đều chép “pho”. Căn cứ của cách xử lý này không có gì khó hiểu. “Pho” là một danh từ đơn vị “dành” cho những danh từ khối như “sách” và “tượng”. Vì vậy cho nên giữa hai dị bản (“pho” và “kho”), người ta dễ có xu hướng chọn “pho”. Nhưng nếu muốn khách quan cho đúng mức thì ta phải xét xem có lý do nào về mặt ngôn ngữ để tác giả của hai câu trên hoặc những người chép lại nó về sau đã dùng “kho” hoặc chép “pho” thành “kho” hay không.

Nếu chỉ nhìn một cách phiến diện - hời hợt - thì ta có thể chỉ chấp nhận chữ “pho”. Nhưng vấn đề không hoàn toàn đơn giản như vậy vì Tàu vẫn thường kết hợp “khố” [庫] với “thư” [書] thành “thư khố” [書庫], dịch theo từng từ là “kho sách”. Trong tiếng Hán thì cái nghĩa quen thuộc nhất của “thư khố” [書庫] là “thư viện”, “tủ sách”. Cho nên đem vài “kho sách” mà đối với “bạc vàng trăm vạn lạng” cũng không phải là chuyện không thể chấp nhận được, ít nhất cũng là về mặt ngôn ngữ! Dĩ nhiên cũng có thể sẽ có người nói “kho” thì vẫn còn nhiều chứ “pho” thì mới ít. Đem cái cực ít (vài pho sách) mà đối với “bạc vàng trăm vạn lạng” thì giá trị của đối tượng nói đến ở câu sau mới “ngon lành” hơn. Vậy xin chờ văn bản học tìm ra nguyên văn đích thực của hai câu đang xét.

A.C