Lại bàn chuyện giá dầu thế giới và Việt Nam

07:00 | 25/08/2015

|
(PetroTimes) - Giá thành dầu, khí và sản phẩm lọc hóa dầu về cơ bản phụ thuộc vào các yếu tố cấu thành trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, các chi phí thẩm định, tiếp thị, tồn trữ, vận chuyển, chế biến dầu khí.

TS Nguyễn Xuân Thắng

Phó chủ tịch thường trực Hội Dầu khí Việt Nam

Dầu khí đến thời điểm hiện nay vẫn được xác định là một loại hàng hóa đặc biệt.

Đặc biệt ở chỗ là: Đối với hàng hóa thông thường thì vẫn luôn được sản xuất, trao đổi và tiêu dùng và có 2 thuộc tính là: Thuộc tính Giá trị và thuộc tính Giá trị sử dụng. Hàng hóa đặc biệt ở đây được hiểu rằng nó được trao đổi ngoài mục đích kinh tế còn có thêm mục đích chính trị của các nước và khu vực có nguồn dầu khí lớn và các nước lớn có tiềm lực kinh tế, chính trị và quân sự trên thế giới.

lai ban chuyen gia dau the gioi va viet nam

Đối với các quốc gia trên thế giới có dầu khí thì nguồn thu từ dầu khí có vai trò quan trọng của các quốc gia đó. Mỗi khu vực, mỗi vùng, và từng châu lục có mức giá thành và chi phí khai thác khác nhau, và giá bán dầu khí phụ thuộc cơ bản vào giá thành cũng như chất lượng dầu thô, khí cũng như mùa sử dụng. Giá các sản phẩm lọc hóa dầu, khí, phụ thuộc vào quan hệ cung cầu...

Dầu khí là nguyên liệu đầu vào của hầu hết các ngành công nghiệp cũng như các ngành sản xuất và tiêu dùng khác, nên giá dầu khí còn bị ảnh hưởng của sự tăng, giảm từng thời kỳ của các nền kinh tế thế giới, của từng nền kinh tế riêng biệt như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Nga, Ấn Độ... Các yếu tố địa chính trị, chiến tranh, thiên tai như bão tố, sóng thần... cũng đã ảnh hưởng đến sự biến động của giá dầu.

Trong những năm giữa thế kỷ XX, việc tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí trên thế giới chủ yếu do những tập đoàn, công ty lớn trên thế giới thực hiện. Sản lượng cũng như giá dầu khai thác chủ yếu do từng công ty đó kiểm soát và đã xảy ra tình trạng không thống nhất về giá, có trường hợp bán phá giá do những nguyên nhân khác nhau (cạnh tranh, giữ thị phần, các nhân tố khác...). Một số khu vực đã hình thành tổ chức chung để điều hành và thống nhất giá bán, cũng như điều chỉnh sản lượng khai thác dầu nhằm bảo vệ lợi ích cho từng nước và khu vực. Khi đó chưa có những yếu tố “bá quyền” như đã từng xảy ra ở những thập niên cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI vừa qua về việc tác động lên xuống của giá dầu.

Điển hình của mô hình này là năm 1960 tại Bagdad - Iraq, tổ chức OPEC đã ra đời, với việc định kỳ hoặc đột xuất tổ chức các kỳ họp cấp Bộ trưởng dầu mỏ các nước thành viên.

Chúng ta nhớ lại là khối OPEC bắt đầu được ghi nhận tầm quan trọng của mình tại kỳ họp lần thứ 35 tại Viên (Cộng hòa Áo) vào mùa thu năm 1973 bằng việc quyết định tăng giá dầu vượt 70%. Các nước Trung Đông lúc đó dùng giá dầu như một vũ khí chống lại việc các nước phương Tây ủng hộ Israel có cuộc chiến tranh chống lại các nước Arab láng giềng. Tiếp theo vào cuối năm đó giá dầu tiếp tục tăng vọt lên 130%. Khối OPEC cũng đã ban hành lệnh cấm vận đối với các tàu chở dầu đến Mỹ, Hà Lan và một số nước... Những năm tiếp theo được ghi nhận vào các năm 1975-1980 đột biến với giá dầu chỉ từ vài USD/thùng tăng lên trên 30 USD/thùng.

Để đối phó với việc tăng giá dầu giai đoạn này thì các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ đã áp dụng các biện pháp để tiết kiệm năng lượng, tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ và chủ yếu là than đá. Các nước khác ngoài OPEC được triển khai tìm kiếm, thăm dò nhiều hơn chủ yếu tại Nga, biển Bắc, Mexico... Với động thái này, các nước OPEC đã buộc phải hạ giá dầu vào năm 1982. Mỗi nước trong khối OPEC cũng đã có những quan điểm và ứng xử khác nhau trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq và vì vậy cũng làm cho giá dầu suy giảm.

Đến một giai đoạn vì những lợi ích quốc gia khác nhau, nội khối OPEC cũng phân hóa và không phải lúc nào các nghị quyết cũng được tuân thủ nghiêm ngặt. Nhiều nước cũng đã bỏ qua các quy định về mức hạn ngạch khai thác dầu được phân bổ để đảm bảo cung cầu và giữ giá theo mức đã được quy định, khi giá dầu nhích lên, vì phụ thuộc hầu hết vào nguồn thu dầu khí nên một số nước có xu hướng khai thác nhiều hơn. Hiện nay, vì các lý do khác nhau, việc các nước trong khối OPEC vẫn thường không thống nhất hoàn toàn để có nghị quyết chung về mức sản lượng khai thác hằng ngày đã báo động cho sự rạn nứt của khối.

Giá dầu thô biến động bất thường và cao kỷ lục vào thời điểm 1979, khi diễn ra cuộc Cách mạng Hồi giáo tại Iran, đến cuộc khủng hoảng Kinh tế Tài chính từ năm 1997 đến 1998 ở châu Á, sau đó lan sang các quốc gia Brazil, Argentina, Nga... làm cho nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm mạnh, thậm chí còn khoảng 11 USD/thùng.

Trên thế giới có các loại giá dầu thô (đối với khối OPEC thì thường gọi là giỏ giá) như: Giá dầu Brent, giá dầu Oman, giá dầu WTI, giỏ giá dầu thô OPEC, giá dầu Minas và giá dầu Tapis.

Dầu Minas là loại dầu thô ngọt, nhẹ trung bình là loại dầu chính được sản xuất tại Indonesia. Có công thức lấy giá trung bình tháng của loại dầu thô được công bố trên Platts. Công thức giá dầu này được Việt Nam chúng ta áp dụng từ khi Việt Nam khai thác dầu thô 1986 đến khoảng năm 2014, do loại dầu này có đặc tính tương đương dầu thô ngọt mỏ Bạch Hổ. Đến nay mỏ này sản lượng sụt giảm nên ta không lấy làm chuẩn nữa. Với việc thay đổi ngôi thứ về khai thác và sử dụng dầu khí trên thế giới hiện nay và trong tương lai thì giá dầu chuẩn sẽ có những thay đổi nhất định.

lai ban chuyen gia dau the gioi va viet nam

Với các nhân tố kinh tế, chính trị trên thế giới từ quý II-2014 đến nay, cùng với việc khai thác dầu đá phiến và các dạng dầu khí khác, do yếu tố giữ thị phần cung cấp dầu khí trên thế giới, cùng với việc thay đổi quan hệ cung cầu, gần một năm qua, giá dầu thế giới đã sụt giá không phanh từ trên 120 USD/thùng xuống đến mức 40-50 USD/thùng. Trong những ngày đầu tháng 8-2015 này giá dầu Brent giao tháng 9 tại London xuống ở mức 48,49 USD/thùng, giá dầu ngọt nhẹ WTI tại New York xuống còn 43,76 USD/thùng, thậm chí những ngày qua còn rơi xuống quanh ngưỡng 40 USD/thùng.

Theo các nguồn tin quốc tế và các giới phân tích tài chính thế giới thì những tín hiệu kém lạc quan của nền kinh tế Trung Quốc, việc chứng khoán Trung Quốc lao dốc, việc phá giá đồng nhân dân tệ là nhân tố mạnh nhất khiến giá dầu giảm sâu. Với việc Iran được dỡ bỏ cấm vận và chuẩn bị đưa các giếng dầu lâu nay ngừng hoạt động đi vào khai thác; cùng lúc các nền kinh tế mạnh trên thế giới đang bị suy thoái và khủng hoảng thì giá dầu thô có thể còn xuống thêm nữa.

Ở Việt Nam ta, giá dầu thô bình quân 6 tháng đầu năm 2015 là 60 USD/thùng, những ngày vừa qua giá dầu giao cho tháng 9 và các tháng tiếp theo của năm 2015 khoảng trên 50 USD/thùng đã ảnh hưởng đến thu ngân sách quốc gia, trong khi Quốc hội đã phê duyệt thu ngân sách năm bình quân 100 USD/thùng mà đến nay chưa được điều chỉnh.

Do giá dầu thô thế giới và Việt Nam tiếp tục sụt giảm, những nước sản xuất và xuất khẩu dầu khí, và đặc biệt là những nước chủ yếu dựa vào nguồn thu xuất khẩu dầu thô thì bị chịu ảnh hưởng nguồn thu, tuy vậy kích thích sản xuất phát triển do giá nguyên, nhiên liệu đầu vào thấp.

Các yếu tố kinh tế tài chính, địa chính trị trên thế giới và trong nước thời gian tới đòi hỏi các doanh nghiệp, bộ, ngành và Chính phủ cần triển khai đồng bộ các giải pháp quan trọng nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo sản xuất ổn định, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

Năng lượng Mới 450