Điều kiện kinh doanh:

“Lạc vào ma trận”

23:05 | 14/06/2015

568 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
5.585 là số quy định về điều kiện kinh doanh do các cấp chính quyền ban hành trái pháp luật - theo thống kê của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương. “Khủng khiếp”, “ …như một đống dây điện không hiểu phải gỡ như thế nào, chắc phải đập bỏ hết”, “…môi trường kinh doanh bị… ma trận hóa” và rất nhiều ý kiến khác đã được các đại biểu đưa ra trong một buổi hội thảo được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp tổ chức.

Lạc lối trong ma trận điều kiện!

Bấy lâu nay doanh nghiệp bị gò bó bởi những văn bản dưới luật nhưng vô cùng khó chịu. Xin được kể ra đây một vài ví dụ cụ thể:

Luật Quảng cáo có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 nghe thì tưởng rằng thế là sẽ “đường thông hè thoáng”, hóa ra luật còn làm cho hoạt động quảng cáo vướng ngang vướng dọc đủ mọi bề. Ví dụ khoản 2, điều 19: “Chính phủ quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt” - chỉ nói có thế và không quy định doanh nghiệp phải lấy bất kỳ xác nhận nội dung nào trước khi quảng cáo. Nhưng cũng ngay trong năm 2013, tại Nghị định 181, Chính phủ lại quy định: Việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ đặc biệt quy định từ điều 3 đến điều 11 của Nghị định 181 chỉ được thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung, đồng thời giao cho 3 bộ là: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có trách nhiệm xác nhận nội dung quảng cáo với các sản phẩm đặc biệt, trong lĩnh vực thuộc 3 bộ này quản lý. Thế là lại “tòi” ra một loạt giấy phép con khiến cho các doanh nghiệp tha hồ “chạy”. Ông Trần Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam than thở: Cái giấy phép này trước đây bỏ rồi, đến thông tư hướng dẫn lại “lù lù” xuất hiện, mà những điều kiện này là trái với luật. “Chúng tôi tìm hiểu thì biết là Bộ Y tế kiên quyết giữ, bảo là vì lợi ích sức khỏe toàn dân (nên phải kiểm tra nội dung quảng cáo)”.

“Lạc vào ma trận”

Thủ tục xin giấy phép đầu tư tại Đà Nẵng

Ngành vận tải cũng đang phải chịu nhiều điều kiện khá vô lý. Đó là điều khoản quy định về số lượng phương tiện tối thiểu của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến, được quy định trong Nghị định 86/2014/NĐ - CP. Theo đó, các đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương phải có tối thiểu 20 xe, các địa phương là 10 xe, nơi nào là huyện nghèo theo quy định của Chính phủ thì là 5 xe… Nghị định này còn quy định số lượng xe tối thiểu của các loại hình kinh doanh vận tải xe buýt, xe taxi và vận tải hàng hóa sử dụng xe đầu kéo… Quy định này vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ các doanh nghiệp nhỏ, đồng thời cả những chuyên gia kinh tế, luật sư… Đây là một sự cản trở đối với những nhà đầu tư quy mô nhỏ và có chăng là được các… “ông lớn” trong ngành vận tải đón nhận. Hiệp hội, doanh nghiệp cũng nhiều lần đề nghị có sự thay đổi nhưng không được phản hồi và truy ngược lại cả Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam có tư cách gì để góp ý với luật. 

Ở một góc nhìn khác, TS Đặng Văn Thanh - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội lại cho rằng: Việc các bộ, ngành, kể cả địa phương ban hành những quy định về điều kiện kinh doanh là có thể chấp nhận được. Theo ông Thanh, nền kinh tế có những biến chuyển không ngừng, bản thân luật không thể bao quát hết được mọi vấn đề mới phát sinh. Nếu trông chờ vào Chính phủ, Quốc hội để ban hành các văn bản luật theo đúng trình tự, thủ tục thì thời gian chờ đợi rất lâu. Vì thế việc các bộ, ngành, địa phương có đủ chuyên ngành, thẩm quyền cũng như… thời gian nhằm điều chỉnh và quy định các vấn đề mới là cần thiết.

Cách nào cứu doanh nghiệp?

Vậy doanh nghiệp phải làm gì để đảm bảo quyền lợi cho mình?

Theo TS Trần Đình Cung, Viện trưởng CIEM thì doanh nghiệp và người dân trước hết phải chủ động: chủ động tìm hiểu, chủ động khiến nại và cả kiện lên tòa án. Theo ông Cung, có lẽ các cơ quan quản lý Nhà nước không quen với việc, luật không quy định thì người dân được làm, luật không cấm thì không ai được cấm. Nhưng “nhiều thứ cơ quan Nhà nước không cần can thiệp mà họ vẫn thích can thiệp, rồi thì đẩy khó cho doanh nghiệp và người dân” - ông Cung đặt vấn đề. Tư tưởng “điên rồ”, “vơ quyền vào người” của một số cơ quan là không thể kiểm soát được nên khó hy vọng gì về việc 1.600 điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ sau 1-7-2015 sẽ không xuất hiện vào một ngày nào đó.

Các chuyên gia cũng nhận định, việc khởi kiện cơ quan quản lý Nhà nước là một việc quá khó. Thứ nhất, tòa án có quyền từ chối nhận đơn kiện cáo trong trường hợp pháp luật chưa quy định (đây là việc còn đang tranh cãi tại kỳ họp Quốc hội lần này). Thứ hai, các ngành nghề kinh doanh chịu sự điều chỉnh của văn bản do mấy bộ, ngành ban ra, doanh nghiệp không tuân thủ là rành rành phạm luật rồi, có khi “chờ được vạ thì má đã sưng”… Vậy nên việc doanh nghiệp chọn cách im lặng, cam chịu để được yên thân là… có thể hiểu được. Muốn khiếu nại, chỉ còn cách thành lập đường dây nóng và gửi đơn… nặc danh, kết hợp truyền thông nhằm phản ứng lại những quy định không hợp lý. Đây là bước lùi nhưng là an toàn cho các doanh nghiệp.

Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ làm luật, ông Ngô Việt Hòa, đại diện cho Công ty luật Russin Vecchi cho hay, gốc rễ vấn đề hiện nay chính là từ các bộ, ngành. Họ có chức năng đề xuất, dự thảo luật và trình lên Quốc hội, Chính phủ phê duyệt. Tư duy của những cơ quan này không thay đổi thì không thể có chuyện “tự do kinh doanh”. Không được ban hành quyết định, nghị định, thông tư thì họ sẽ đề xuất để “nâng cấp” thành luật. Lúc đó thì không thể cứu vãn được nữa. Cũng theo Luật sư Ngô Việt Hòa, cần phải có chế tài thực tế đủ mạnh để kiểm soát việc các bộ, ngành, địa phương ban hành quy định trái pháp luật. Trước nay có Bộ Tư pháp làm việc đó, nhưng thực tế là không hiệu quả.

Xét cho cùng, những nguyên nhân sâu xa trong mớ “mạng nhện” điều kiện kinh doanh có thể chỉ ra như sau: Thứ nhất, đó là việc chồng chéo trong công tác tham mưu, đề xuất và ban hành văn bản pháp luật. Sự chồng chéo này dẫn đến là, có những lĩnh vực thì quá nhiều văn bản điều chỉnh, nhưng có những lĩnh vực thì không thấy quy định gì của pháp luật, dù rất cần thiết và phức tạp. Thứ hai, đó là thiếu cơ chế kiểm tra, kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, địa phương ban hành. Bộ Tư pháp có thẩm quyền nhưng thiếu sự độc lập với các bộ, ngành, địa phương để có thể “thẳng tay” dẹp bỏ những văn bản trái pháp luật và thiếu hợp lý. Một cơ chế trọng tài độc lập, có sự tham gia của nhiều phía như Hiệp hội Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp… sẽ là cần thiết và đảm bảo tính khách quan trong các kiến nghị, đề xuất.

Và cuối cùng, như theo TS Nguyễn Đình Cung đó là tâm lý thích “vơ quyền vào người”, “thích doanh nghiệp phải đến… gặp mình” của chính các bộ, ngành. Các vị này đặt câu hỏi: Có sự liên quan nào giữa 1.600 điều kiện kinh doanh vô lý kia và hàng nghìn người đang xếp hàng chờ vào các cơ quan Nhà nước?

Bộ Tư pháp sau quá trình phân loại vào kiểm tra đã phát hiện 6 văn bản của 5 tỉnh tự đặt ra điều kiện kinh doanh đối với một số ngành, nghề như biểu diễn ca Huế, sửa chữa ôtô, môtô, xe đạp; kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe điện, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe thô sơ…

Nhóm công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liệt kê được hơn 4.000 loại giấy phép, trong đó 110 ngành nghề với 171 loại giấy phép kinh doanh; 83 ngành nghề yêu cầu chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; 44 ngành nghề yêu cầu chứng chỉ hành nghề; 345 ngành nghề yêu cầu phải có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Bảo Sơn