Ký ức không quên của một thời làm điện

06:30 | 21/08/2020

305 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 18/11/1994, Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn phát điện hòa lưới 110kV, ngành điện tỉnh Bình Định chính thức chấm dứt vận hành Nhà máy Diesel Nhơn Thạnh (NMĐ Nhơn Thạnh), và cùng chính quyền địa phương tập trung cho công tác cải tạo, xây dựng lưới điện để đảm bảo nguồn điện Quốc gia được đưa về khắp vùng miền trong tỉnh, đáp ứng kịp thời cho phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, đời sống của người dân trên địa bàn. Ngành điện Bình Định đã bước qua thời kỳ khó khăn, gian khổ với biệt danh “vùng lõm về điện” của khu vực duyên hải miền Trung; nhưng cũng chính trong thời gian đó đã để lại cho những người làm điện những ký ức không bao giờ quên được.
Ký ức không quên của một thời làm điện

Sở Điện lực Bình Định năm 1989

Câu chuyện 1: Đến ngủ mơ cũng thấy máy phát sự cố, sa thải, cắt điện

Tính đến năm 1990 thì NMĐ Nhơn Thạnh có 4 cụm máy phát điện hoạt động với công suất lắp đặt: Tổ GM1 (5x2100kW), Tổ GM2 (5x2100kW), Tổ Γ72 (5x720kW), và Tổ Skoda (6x680kW).

Lúc đó nhu cầu phụ tải lớn hơn nhiều so với công suất khả dụng của nhà máy, do đó nhiều máy phải chạy liên tục; trong khi đó vật tư, thiết bị để thay thế, sửa chữa thì thiếu thốn, nên xử lý theo kiểu đối phó: “sáng lắp, chiều tháo”, nên máy thường xuyên bị hư hỏng, làm cho tình trạng thiếu nguồn điện càng tồi tệ hơn. Giai đoạn này lưới điện khu vực nông thôn phục vụ cho bơm nông nghiệp phát triển nhanh, càng gây sức ép lên tình trạng mất cân đối nguồn điện cung cấp. Thiết bị, phụ tùng không có nên nhiều khi sửa chữa Turbo phải làm khi mà máy còn nóng, không có thời gian chờ máy nguội được, vì yêu cầu nguồn quá căng thẳng. Anh em công nhân bảo dưỡng, sửa chữa làm việc rất nhiệt tình với suy nghĩ làm sao để có máy đưa vào vận hành, để có thêm vài trăm kW cho cao điểm tối là tốt lắm rồi. Còn Điều độ trực ca lúc đó làm việc cũng rất căng thẳng, ca ngày thì lo cấp điện cho bơm nông nghiệp, ca chiều thì chuẩn bị cho cao điểm tối; vào ca phải kiểm tra tình hình máy vận hành của các tổ: máy đang chạy, máy dự phòng, máy bảo dưỡng, máy sửa chữa, máy tiểu tu, trung tu, đại tu,…để cân đối công suất nguồn phát với phụ tải, dự kiến công suất, khu vực sa thải luân phiên phù hợp. Chuẩn bị là vậy nhưng khi vào thực tế thì phát sinh máy sự cố, nên các tình huống sa thải ngoài dự kiến là thường xuyên, có nhiều khi qua cao điểm tối mà vẫn không có nguồn để đóng điện lại cho các phụ tải đã sa thải; tình trạng lặp đi lặp lại đến nổi tối về ngủ nằm mơ vẫn thấy máy sự cố, sa thải, cắt điện… So với bây giờ, thời đó làm việc tùy tiện lắm, không theo một nguyên tắc nào, nhưng nếu không như vậy thì sẽ không có máy chạy; cần vật tư, cứ qua kho mà mượn tạm, ghi sổ, mấy ngày sau qua làm phiếu. Thời kỳ làm Diesel ngày ấy chủ yếu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị chứ không phải là làm kinh tế, nhưng lúc ấy tinh thần làm việc hăng say lắm, cống hiến chứ không ai nghĩ đến quyền lợi riêng tư, cá nhân.

Ký ức không quên của một thời làm điện
Cụm máy GM2 của NMĐ Nhơn Thạnh

Câu chuyện 2: Tần số vận hành hệ thống điện - chỉ là lý thuyết

Theo kiến thức được học trong nhà trường thì tần số của hệ thống điện là 50Hz, cho phép chệnh lệch ở mức 0,2%; và trong hệ thống điện chọn ra một số NMĐ lớn để điều tần, đồng thời xây dựng khung công suất phải sa thải (thủ công hay tự động) để đảm bảo giữ tần số hệ thống vận hành khi có sự cố các máy phát phải ngừng tách ra khỏi hệ thống, nếu làm không tốt thì sẽ dẫn đến tình trạng rã lưới, và điều này là không được xảy ra với hệ thống điện hiện nay. Thời điểm cuối năm 1989 thì tổ máy GM2100 cuối cùng của NMĐ Quy Nhơn (đặt tại Văn phòng Sở lúc đó) được chuyển về NMĐ Nhơn Thạnh, và NMĐ Nhơn Thạnh có 4 cụm máy phát điện hoạt động với công suất lắp đặt: Tổ GM1(5x2100kW), Tổ GM2(5x2100kW), Tổ Γ72(5x720kW), và Tổ Skoda(6x680kW), và đến 1992 được tăng cường thêm 9 máy Γ72, hòa lưới để cấp điện cho 3 XT 15kV và 1XT35kV. Và tổ GM1,2 được chọn là cụm điều tần cho cả nhà máy. Phân là vậy, nhưng thực tế thì phần lớn các máy đã cũ, thường xuyên hư hỏng, nhưng không có vật tư thiết bị mới thay thế nên vận hành không tin cậy; việc tần số vận hành khoảng 49Hz là thường xuyên, nhiều lúc chỉ 48Hz, 47,5Hz, rồi đến 47Hz vẫn phải vận hành vì không còn XT để sa thải, và nếu lúc đó máy phát nào bị giảm công suất, hay phụ tải tăng lên thì sẽ không “cầm cự” được: và rã lưới; sau đó phải khởi động máy khôi phục lại phụ tải từ đầu; điều này là bình thường trong giai đoạn đó.

Câu chuyện 3: Giá trị điện áp: không quan trọng - có điện là được

Hiện nay thì nguồn, lưới điện được thực hiện theo tiêu chuẩn quy định, khách hàng sử dụng luôn được đảm bảo chất lượng điện: tần số, điện áp tại công tơ mua bán điện; chỉ trừ một số khách hàng kéo điện bơm nước nội đồng, khách hàng tự phát về chỗ ở nên phải kéo dây về từ cách xa điểm cuối của lưới điện,…nhưng qua các kỳ họp HĐND gần đây, các cấp vẫn kiến nghị với ngành điện về điện áp yếu, không đảm bảo để sử dụng mà cử tri có ý kiến trên.

Ký ức không quên của một thời làm điện

Hệ thanh cái 35kV NMĐ Nhơn Thạnh

Nhưng nếu quay lại những năm của thập kỷ 80, 90 thì mới thấy những đòi hỏi như vậy là “bất khả thi”, vào thời điểm đó chỉ cần có điện là được, còn trị số điện áp bao nhiêu là không cần biết. Ở TP Quy Nhơn thì hầu như nhà nào cũng có Survolter, còn ở nông thôn còn hơn nữa: có nhà phải dùng 2 cái nối tiếp nhau để “kích điện”; và lúc đó ai có Survolter to, dung lượng lớn hơn, nhiều nất điều chỉnh hơn là “oách lắm”. Cũng từ câu chuyện điện áp mà cũng có nhiều sáng kiến độc đáo, nhưng cũng từ đây mà có nhiều chuyện cười ra nước mắt: anh bạn tôi hướng dẫn ông già ở quê vào cao điểm tối thì chuyển sang dùng hệ 110V cho đủ chiếu sáng, và qua 23 giờ thì chuyển về lại hệ 220V, nhưng tối đó ông già quên chuyển, và kết quả là sáng hôm sau các bóng đèn 110V cháy rụi, phải mua thay lại toàn bộ. Còn có nhà thì dùng 2 Survolter nối tiếp nhau để “kích điện” dùng ở cấp 220V, rồi qua cao điểm tối cũng lại quên chuyển về, và kết quả đến 2-3 giờ sáng điện mạnh lên, lại cháy hết thiết bị.

Câu chuyện 4: Thao tác hẹn giờ - thuốc thử cho công tác an toàn

Ngày nay hầu như ai cũng có từ 1 đến 2 cái điện thoại với nhiều nhà mạng độc lập, có thể liên lạc được mọi lúc, mọi nơi; nhưng trong giai đoạn thập kỷ 80, 90 thì vấn đề liên lạc phải nói là rất khó khăn; muốn gọi đi đâu thì phải sử dụng loại từ thạch quay tay để đăng ký với tổng đài và chờ tổng đài nối mạng với số muốn liên lạc, nói chung là không chủ động được mà thời gian thì tùy thuộc vào tổng đài bưu điện. Ngoài ra, phương tiện đi lại thời đó phần lớn là xe đạp, còn xe máy hiếm lắm, chỉ có vài anh em có xe Honda loại đời 67, 68 còn lại. Do đó, khi có công tác trên lưới mà cần phải “nháy” máy cắt tại nhà máy để sa thải phân đoạn trên lưới ( lúc đó các phân đoạn hầu hết là FCO hoặc DCL nên không thao tác có điện được), để thực hiện thao tác thì trước đó trực ca điều độ, trưởng ca nhà máy, đội thao tác phải thống nhất cách thực hiện, hẹn giờ, so giờ đồng hồ của các bên để thống nhất khoảng thời gian nháy máy cắt, thao tác không điện, và đóng điện lại. Cách thao tác này đã mang lại hiệu quả trong giai đoạn đó, mặc dù trong quá trình thực hiện vẫn có những phát sinh ngoài mong muốn: đồng hồ hẹn giờ đứng, thiết bị thao tác không thực hiện được,… nhưng với ý thức trách nhiệm an toàn cao, anh em luôn đảm bảo không thao tác khi sai khoảng thời gian đã hẹn. Nhưng trường hợp thao tác hẹn giờ năm 1993, thì đến nay tôi còn nhớ mãi; lúc đó Phân xưởng Lưới điện có kế hoạch công tác sau PĐ Điện lực (nằm trên đường Trần Hưng Đạo, đối diện với Phòng Điều độ thời đó), cần phải cắt điện từ 17 giờ. Trước đó, Điều độ thống nhất với Trưởng ca nhà máy điện Nhơn Thạnh nếu không liên lạc lại được thì đúng 17 giờ nháy MC 571 (cấp điện về PĐ Điện lực) để cắt 3 FCO Phân đoạn, với thời gian thao tác 05 phút. Đến 16 giờ 55 phút, liên lạc lại với Trưởng ca nhà máy không được nên thực hiện theo thao tác hẹn giờ, công nhân thao tác đã sẵn sàng chuẩn bị thực hiện, 16 giờ 58 phút điện tại Phòng Điều độ, và cả khu vực quanh đó mất ( lúc này cũng đang được cấp từ TBA Đoàn Thị Điểm nhận XT 571), nên người giám sát cho rằng MC 571 đã cắt nên cho phép thao tác cắt Phân đoạn, nhưng khi thao tác FCO của pha thứ nhất thì bị phóng hồ quang, làm nhảy MC 571. Sau đó kiểm tra thì phát hiện ATM lộ TBA Đoàn Thị Điểm cấp cho khu vực khách hàng khu vực thao tác bị Trip ngẫu nhiên nhưng trùng hợp với thời gian hẹn thao tác, lúc đó thì Trưởng ca nhà máy mới đang chuẩn bị thao tác cắt MC. Qua câu chuyện trên, cho thấy công tác an toàn là rất quan trọng, lúc đó nếu đội thao tác chủ quan cho rằng thao tác không điện mà không sử dụng đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ lao động thì hậu quả không biết ra sao.

Câu chuyện 5: Máy chỉ chạy được khi quá cần - trong bối cảnh lúc nào cũng cần có điện

Khi đó ca chiều từ 15h đến 23h, thì phải đối mặt với cao điểm tối, thời điểm mà ai cũng cần điện trong bối cảnh: “Điện ăn thì tắt, điện ngủ thì sáng”, nên áp lực không hề nhỏ. Trước tiên là kiểm tra công suất huy động được, số máy chạy được trong gần 40 đầu máy theo các tình trạng treo biển báo của Phân xưởng Phát: máy đang chạy, máy dự phòng, máy đang kiểm tra, máy đang bảo dưỡng, máy tiểu tu, máy trung tu, máy đại tu; và còn có máy treo biển: chạy được khi quá cần, là máy có độ tin cậy vận hành rất thấp, máy chạy và ngừng là tùy hứng, nhưng có sự cố thì phải giải trình các lý do, nói chung là rắc rối nên các ca đều không muốn huy động máy dạng đó. Ca chiều hôm đó, sếp dưới Sở gọi lên kiểm tra công suất, máy huy động vì tối đó có ưu tiên điện cho sự kiện quan trọng của thành phố, khi nghe có 1 máy Γ72 đang treo biển “chạy được khi quá cần”, thì sếp chỉ đạo ngay: “Lúc này mà không quá cần thì còn lúc nào cần, lệnh cho Trưởng ca nhà máy đưa vào danh sách huy động cao điểm tối ngay, tôi chịu trách nhiệm”.

Như vậy đó, chỉ vài trăm kW, nhưng phải cân nhắc để quyết định chạy hay không, là điều không phải dễ dàng gì.

Ký ức không quên của một thời làm điện
Một kíp vận hành máy Diesel vào ca

Câu chuyện 6: Ghi chỉ số công tơ - không hề đơn giản

Hiện nay công tơ điện phần lớn là loại điện tử, hay công tơ cơ khí thì ít chủng loại, sử dụng đồng bộ các chương trình đo xa, nên ít xảy ra nhầm lẫn, sai sót. Vừa qua có một vài sai sót khi ghi chỉ số mà đa phần là do cập nhật sai chỉ số treo, tháo công tơ khi định kỳ; còn thời đó thì công tác ghi chỉ số cũng không đơn giản chút nào. Thời đó những người có tuổi, sức khỏe yếu không làm được các công việc nặng ở xây lắp, quản lý…sẽ được ưu tiên chuyển sang ghi chỉ số công tơ, hay thu ngân; tuy nhiên lúc ấy thì công tơ có rất nhiều loại, nhiều nước sản xuất, có cái trực tiếp, có cái gián tiếp qua biến dòng, có cái có một số thập phân, có cái có hai số thập phân, cũng có cái không có số thập phân nào. Do đó một số anh lớn tuổi, hay năng lực hạn chế thì việc thành thạo đọc chính xác tất cả các loại công tơ, cũng như phán đoán chính xác tình trạng vận hành của chúng để báo cho các bộ phận liên quan kiểm tra là điều không dễ dàng chút nào; hai ký ức trong ghi chỉ số được kể lại sau là một trong những “sự vụ” đã gặp trong thực tế lúc ấy.

Thông thường lúc đó công tơ đều có 1 số lẻ (số thập phân) và khi ghi chỉ số thì không tính số này; nhưng loại công tơ 3 pha có công suất lớn đo trực tiếp có dòng điện định mức từ 30(60)A, 50(100)A thì không có số lẻ; do không nắm vững cách ghi nên công nhân ghi chỉ số bỏ qua số lẻ, và ghi trong nhiều tháng liền (tính ra mất gần 90% điện năng); và tất nhiên tổn thất điện năng của trạm tăng cao đột biến; sau đó Chi nhánh điện kiểm tra, phát hiện, xử lý người vi phạm theo quy định. Sau khi họp rút kinh nghiệm thì có nhiều bài học đưa ra là ngoài việc tăng cường đào tạo để công nhân nắm để chắc thiết bị, thì người công nhân cần tự tìm hiểu, học hỏi những người đi trước, đồng thời đơn vị phải chuẩn hóa, đơn giản, ít chủng loại thiết bị để người sử dụng không bị nhầm lẫn.

Và ký ức nữa mà tôi nhớ mãi, thời điểm đó loại công tơ C1F do EMIC Việt Nam sản xuất, bộ số chỉ có 4 số ( đếm tới 9999 sẽ quay lại 0), khi thực hiện định kỳ cho một khách hàng bán tổng cho cụm dân cư, có sản lượng bình quân trên 3.000kWh/tháng, thì ngay tháng ghi chỉ số đầu tiên đã phát sinh chuyện. Tới ngày ghi điện khách hàng đóng cửa, ghi số điện bên ngoài chỉ hơn 300kWh, một điều mà trước đây không có với khách hàng này. Và tháng thứ 2 cũng lập lại vậy, và câu hỏi đặt ra tại sao khách hàng sử dụng cho ánh sáng sinh hoạt sao lại giảm lớn như vậy, và lại đóng cửa vào đúng ngày ghi điện. Nghi ngờ được giải quyết khi Chi nhánh điện tiến hành kiểm tra thực tế công tơ nhà khách hàng đột xuất, lúc đó chỉ số thực trên công tơ đã trên 6.000kWh điện. Như vậy đã rõ, nếu qua một tháng nữa mà không kịp phát hiện thì công tơ sẽ qua 1 chu kỳ của bộ số, và chỉ số trên công tơ sẽ trùng khớp với trên sổ ghi điện, và khách hàng sẽ được “hưởng không” lượng điện khoảng 10.000kWh. Bài học cho nhân viên ghi chữ là phải quan tâm, rà soát, kiểm tra khi lượng điện sử dụng của khách hàng có biến động lớn so với quy luật dùng điện trước giờ.

Và những ký ức của một thời làm điện cũng được tái hiện bằng những câu chuyện kể tại buổi gặp mặt cán bộ hưu trí nhân 65 ngày Truyền thống ngành Điện (21/12/1954-21/12/2019) của PC Bình Định. Ở đó các cô, chú, anh, chị mà đã từng công tác trong khoảng thời gian kinh doanh điện, sản xuất điện bằng chạy máy phát điện Diesel độc lập đã có dịp gặp nhau để kể về một thời khó khăn, gian khổ; họ đã sôi nổi ôn lại những kỷ niệm vui, buồn thời đó; nhìn họ kể chuyện cho nhau nghe một cách say sưa, hào hứng với cả sự chân tình, đã làm cho mọi người xúc động. Và những ký ức về một thời gian khổ để làm ra dòng điện ngày ấy của lớp người đi trước sẽ mãi là những kỷ niệm đẹp, ý nghĩa hơn bao giờ hết. Đó cũng chính là động lực để thôi thúc lớp lớp người làm điện vượt qua những khó khăn, gian khổ thiếu thốn để đưa thiết bị máy móc, công nghệ kỹ thuật hiện đại được áp dụng, làm nên vóc dáng đáng tự hào như hôm nay của ngành điện miền Trung. Và rồi, những câu chuyện làm điện như thế cũng sẽ tiếp tục được kể khi ngày hôm nay cũng sẽ trở thành ký ức của những ngày sau.

Hồ Quang Thịnh (EVNCPC)

  • el-2024