Kỷ niệm Viêng Chăn

10:27 | 03/08/2017

1,501 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Kỷ niệm Viêng Chăn, đó là kỷ niệm của tôi với nước Lào tươi đẹp. Đó là tình hữu nghị Việt - Lào qua mối quan hệ giữa các nhà văn Việt Nam - Lào.  

Nhớ về đêm Lăm Vông náo nức

Ước mơ của tôi đã thành hiện thực. Tôi được đoàn doanh nghiệp Việt Nam mời đi thăm Lào nhân dịp tìm cơ hội đầu tư tại Lào.

ky niem vieng chan
Tháp That Luang - một cảnh đẹp nổi tiếng của thủ đô nước Lào.

Bolikhamxay, điểm dừng chân đầu tiên tại Lào, đầy ấn tượng. Những cánh rừng xăng lẻ, những nhà sàn mái lá nép mình trong rừng già. Chúng tôi đi xe riêng từ biên giới Việt Lào qua Bolikhamxay. Cuối đông, nắng vẫn vàng tươi. Những người bạn Lào, những doanh nhân, tiếp chúng tôi bằng rượu nút lá chuối như Việt Nam và lại nhảy Lăm Vông như 25 năm về trước.

Ngày xưa, nghĩ về đất nước Lào, tôi luôn nghĩ đến câu hát: “Hoa Chăm Pa ơi, dân Lào yêu hoa đã bao năm rồi...”, có một cái gì đó rất thân thiện nhưng xa xôi. Và tôi tự hỏi: Hoa Chăm Pa là hoa gì nhỉ? Mãi sau này tôi mới biết, hoa Chăm Pa là hoa Đại, trắng tinh khiết như tâm hồn trinh bạch của cô gái Lào xinh đẹp.

Những năm tôi còn học ở Học viện Nguyễn Ái Quốc Hà Nội (bây giờ là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), đêm Lăm Vông như một đêm thiên thần với những người bạn Lào đang học ở đây. Những học viên thuở ấy, bây giờ họ đã là những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Lào rồi.

Nhanh quá! Mới đó mà đã một phần tư thế kỷ trôi qua từ cái đêm Lăm Vông nhịp đi nao lòng trong ánh lửa bập bùng, trong bóng đêm lung linh. Những người lãnh đạo cao nhất của Lào năm ấy, họ nhớ đến Việt Nam là nhớ đến đêm múa Lăm Vông náo nức và đậm chất văn hóa Lào tại Hà Nội...

Ấn tượng về nhà thơ Chanthy đáng mến

Đây là lần đầu tiên tôi đến đến Viêng Chăn. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, đã có thư giới thiệu tôi với nhà thơ Chanthy - Chủ tịch Hội Nhà văn Lào. Tôi đã chuẩn bị các tập thơ viết về Lào để tặng các bạn thơ Lào nhưng tôi đọc thơ bằng tiếng Việt, nhiều nhà văn Lào vừa vỗ tay vừa cười. Họ nói những câu: “Hay lắm, hay lắm”. Chả biết có thật hay hay không nhưng rõ ràng họ quý mến và trân trọng các nhà văn, nhà thơ Việt Nam.

ky niem vieng chan
Một góc Viêng Chăn

Chanthy hẹn tôi qua điện thoại, ngày hôm sau đến nhà riêng của ông. Chanthy rất vui, ông kể lại những kỷ niệm được chụp ảnh với Bác Hồ ở Việt Bắc và Thái Nguyên. Những năm cuối cùng Bác Hồ còn sống, Chanthy được đến thăm Bác. Chanthy kể lại những những lần ông đến thăm Hội Nhà văn Việt Nam mà ông gọi là “đến nhà mình”...

Hôm ấy, rượu bia đầy mâm, vui quá. Cùng tiếp tôi còn có Phó chủ tịch đối ngoại Hội Nhà văn Lào và Chánh văn phòng Hội Nhà văn Lào. Bạn Lào khi có hơi men thật vui. Tôi nhận ra Chanthy với Việt Nam như là “người nhà” rồi. Nói địa phương nào ông cũng biết, nói nhà văn nào ông cũng có kỷ niệm.

Tôi nhờ anh Lâm, Giám đốc Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Lào, dịch tập thơ của tôi “Người núi - Người phố” ra tiếng Lào. Chanthy bảo tôi: “Không cần dịch ra tiếng Lào đâu, các nhà văn Lào biết tiếng Việt mà” khiến tôi rất cảm động. Ông còn bảo: “Sang thăm Việt Nam, đáng lẽ tôi phải nói tiếng Lào và có phiên dịch ra tiếng Việt. Thân thiện như người nhà nên tôi quên mất thủ tục ngoại giao và nói tiếng Việt như người Việt Nam. Phiên dịch nhắc tôi, tôi cười bảo, với Việt Nam, tôi không cần thủ tục ngoại giao đâu”. Câu nói thật thân tình. Tôi đọc những bài thơ tôi mới sáng tác cho các bạn Lào nghe. Họ vỗ tay nhiệt thành...

Bao giờ cũng thế thôi, quan hệ hữu nghị Việt - Lào bắt đầu từ mối thân thiện của những người đứng đầu quốc gia. Bác Hồ tạo mối thân thiện, tình đồng chí đặc biệt với Hoàng thân Xupha Nuvông, Cayxỏn Phomvihản. Và từ đó, các mối quan hệ khác mở ra. Giải thưởng sông Mekong thực chất là để tăng cường mối quan hệ Việt Nam Lào và Campuchia.

Đến Viêng Chăn, tôi nghĩ đến lá thư của nhà thơ Hữu Thỉnh gửi cho nhà thơ Chanthy mà tôi cầm tay sang Viêng Chăn. Quan hệ giữa hai dân tộc bắt đầu từ quan hệ thân thiện của hai người đứng đầu hai nhà nước. Quan hệ thân thiện giữa hai nhà thơ Việt Nam và Lào cũng thế thôi.

Khi tôi tặng sách cho Thư viện Quốc gia Lào, Giám đốc thư viện, bà Kongdeuance Nettavong, đã đưa tôi đi xem những tác phẩm của các nhà văn Lào viết về Việt Nam và các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam viết về Lào đã được giải thưởng sông Mekong. Bà nói đã gặp Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Phạm Thế Khang, được ông mời cơm thân mật ở một nhà hàng sang trọng ở Hà Nội. Đấy cũng là mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

Còn nhớ, ngày tôi được đi cùng nhà văn Đào Thắng và đoàn nhà văn Việt Nam qua thăm Lào theo cửa khẩu Tây Trang của tỉnh Điện Biên, các chiến sĩ đồn biên phòng Tây Trang và bên kia là các chiến sĩ biên phòng tỉnh bạn Lào, đã tiếp chúng tôi thân tình và vồn vã. Chuyến đi ấy chuẩn bị cho Đào Thắng đi Luông Pha Băng để viết bài ký “Dấu thiêng Luông Pha Băng”, có hình ảnh nhà văn Nguyễn Đình Thi những năm đầu đời đã sống ở cố đô Luông Pha Băng, rồi bây giờ, các bạn nhà văn Lào vẫn nhớ nhà văn Nguyễn Đình Thi của Việt Nam đã sống những năm đầu đời ở cố đô Lào...

Kỷ niệm Viêng Chăn, đó là kỷ niệm của tôi với nước Lào tươi đẹp. Đó là tình hữu nghị Việt - Lào qua mối quan hệ giữa các nhà văn Việt Nam - Lào. Mãi mãi tôi không quên Viêng Chăn!

Hồ Linh Đàm, mùa hè 2017

Lê Tuấn Lộc

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc