“Kỷ nguyên vàng của khí đốt” và sự bùng nổ của Australia

07:54 | 20/08/2012

1,573 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chúng ta đang bước vào “kỷ nguyên vàng của khí đốt” và Australia sẽ đóng vai trò chủ chốt trong kỷ nguyên đó. Đó là dự đoán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây.

“Kỷ nguyên vàng của khí đốt”

Giá rẻ hơn, ít thải khí gây hiệu ứng nhà kính hơn và có trữ lượng phân tán rộng rãi trên khắp thế giới, từ Mỹ, Canada tới châu Á, Trung Quốc, Australia, Nga, Trung Đông và châu Phi - khí đốt tự nhiên quả là có những ưu thế vượt trội so với dầu lửa - vốn chỉ tập trung ở một vài khu vực dễ bị tổn thương chính trị trên thế giới và giá cả lại không ổn định. Và khí đốt tự nhiên bắt đầu làm thay đổi trật tự năng lượng thế giới khi sản xuất điện chuyển từ việc sử dụng các dạng năng lượng truyền thống như than đá và dầu mỏ sang khí đốt, trong khi thế giới vẫn không chắc chắn về năng lượng hạt nhân, đặc biệt sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 và lo ngại trước các vấn đề biến đổi khí hậu.

“Thị trường khí đốt đã phát triển đáng kể trong những tháng gần đây. Phải chăng chúng ta đang bước vào kỷ nguyên vàng của khí đốt?”, Giám đốc điều hành IEA Nobuo Tanaka nhận xét. Cũng theo dự báo của cơ quan tư vấn năng lượng cho Mỹ và 27 quốc gia châu Âu này, nhu cầu tiêu thụ khí đốt trên thế giới khả năng sẽ tăng hơn 50% vào năm 2035 so với năm 2011, vượt cả mức tiêu thụ than đá với vị trí là nhiên liệu được sử dụng nhiều xếp thứ hai.

Trong “kỷ nguyên vàng” đó, lợi thế rõ ràng đang thuộc về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Bởi lẽ, theo phương thức truyền thống, khí được vận chuyển cả bằng đường ống hoặc được hóa lỏng và vận chuyển bằng tàu nhưng các mỏ khí thường ở quá xa so với các thị trường lớn nên không có nhiều khí để vận chuyển bằng đường ống do chi phí xây dựng đường ống rất tốn kém. Điều này có nghĩa là vận chuyển LNG bằng tàu hiện nay được ưa chuộng hơn. Mặt khác, nhờ có quy mô lớn và công nghệ mới, chi phí vốn sản xuất LNG đã giảm hơn 1/4 trong thập niên qua nên trong những năm gần đây, số lượng các dự án sản xuất LNG và các trạm tiếp nhận LNG trên thế giới đang ngày càng tăng. Thương mại LNG toàn cầu đã tăng từ 3 tỉ m3 của năm 1970 lên 331 tỉ m3 vào năm 2011. Hiện tại, Mỹ là nước có nhiều trạm tiếp nhận LNG cũng như tiêu thụ LNG nhiều nhất thế giới nhưng châu Á sẽ là khu vực dẫn đầu về tiêu thụ LNG, với 3.940 tỉ m3 khí trong 5 năm tới, trong đó Trung Quốc sẽ trở thành nước tiêu thụ khí đốt lớn thứ 3 thế giới vào năm 2013.

Nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng ở Australia.

Điểm sáng từ Nam bán cầu

Trong khi người ta vẫn đang nói nhiều về sự bùng nổ khí đá phiến ở Bắc Mỹ và triển vọng lây lan của một “cuộc cách mạng khí đá phiến” trên toàn thế giới thì ở Nam bán cầu, Australia đã được định vị để thế chỗ Qatar và trở thành nước sản xuất và xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới vào cuối thập niên này. Ít ra thì Australia cũng sẽ nhanh chóng “qua mặt” 2 nước xuất khẩu LNG lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới là Indonesia và Malaysia về tổng công suất hóa lỏng, đồng thời vượt qua khỏi tầm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để đảm nhận một vai trò lớn hơn trong thương mại LNG toàn cầu.

Khai thác và sản xuất LNG không mới với Australia. Tuy nhiên, xuất khẩu LNG ở quốc gia này những năm gần đây mới thực sự tạo được những bước tăng trưởng ngoạn mục nhờ sự phát triển các nguồn tài nguyên khí đốt độc đáo ngoài khơi và khí đốt vỉa than (CSG).

Thêm vào đó, trong số 10 dự án LNG lớn nhất thế giới đang được xây dựng thì có tới 7 dự án thực hiện ở Australia, thu hút hơn 175 tỉ USD đầu tư từ năm 2007, chưa kể các dự án đang ở trong giai đoạn nghiên cứu tính khả thi. Còn hiện tại, 2 cơ sở sản xuất LNG chính của Australia ở Darwin và North West Shelf vẫn đang sản xuất ổn định 20 triệu tấn LNG/năm. Dựa vào các dự án mới, với dự trữ 135 nghìn tỉ feet khối khí đã được chứng minh, Australia kỳ vọng từ nay đến năm 2017 sẽ tăng sản lượng LNG lên gấp 4 lần, có nghĩa là sẽ vượt qua mức sản lượng 77 triệu tấn LNG/năm mà Qatar - nước đang xếp số 1 thế giới về sản xuất LNG.

Những thách thức

Tuy nhiên, trước khi “soán” được “ngôi vương” của Qatar, Australia phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Thứ nhất là thị trường xuất khẩu. Thị trường LNG toàn cầu có thể chia làm 2 phần: thị trường Đại Tây Dương (châu Mỹ, châu Âu, châu Phi) và thị trường Châu Á - Thái Bình Dương (Thái Bình Dương và Nga, châu Á và châu Úc). Các nước xuất khẩu LNG ở Trung Đông, đặc biệt là Qatar, nằm trên trục chiến lược cho phép họ thâm nhập vào cả 2 thị trường nói trên và thách thức cạnh tranh với các nước xuất khẩu LNG khác.

Hiện tại, xuất khẩu của Qatar tập trung vào thị trường Đại Tây Dương và chỉ riêng thị trường Anh đã chiếm 18% lượng LNG xuất khẩu của quốc gia này. Trong khi đó, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản - những thị trường chính nhập LNG của Australia cũng nhập khẩu đáng kể LNG của Qatar. Một khi, Qatar chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, đây sẽ là một thách thức không nhỏ với Australia. Hơn nữa, nhu cầu thế giới với LNG của Qatar cũng được dự đoán sẽ tăng nhẹ cho đến năm 2030.

Bên cạnh đó, cũng không phải chỉ riêng Australia đang “tích cực” khai thác một nguồn tài nguyên độc đáo của mình là khí đốt vỉa than mà cả toàn cầu cũng  đang lao vào cuộc đua khai thác các nguồn khí đốt phi truyền thống (khí đá phiến…), trong đó có cả Trung Quốc, Canada, Mỹ, Ấn Độ, châu Âu… Ít nhiều, điều đó cũng ảnh hưởng đến thị trường LNG thế giới. Ví dụ như Mỹ, một nước nhập khẩu LNG lớn, có thể sẽ tự đảm bảo được nhu cầu khí đốt của mình nhờ khai thác khí đá phiến trong nước. Theo đó, Mỹ sẽ giảm được sự phụ thuộc vào LNG nhập khẩu, thậm chí, đến năm 2030, có thể trở thành nước xuất khẩu LNG.

Hay như Trung Quốc, nước được dự đoán sẽ nhập 1/3 tổng lượng cung cấp LNG toàn cầu và là nước tiêu thụ LNG lớn nhất thế giới vào năm 2035, đã và đang thúc đẩy các dự án khai thác khí đá phiến ở Tứ Xuyên, Trùng Khánh… cũng như xây dựng các đường ống dẫn khí để tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga, Turkmenistan. Những bước phát triển của các dự án này sẽ tác động đến nhu cầu LNG của Trung Quốc đối với Australia. Và ngoài ra, Australia cũng cần phải “cư xử khéo” trong mối quan hệ song phương với Mỹ - đối tác chiến lược và Trung Quốc - khách hàng chủ chốt, đang nhập 19% LNG xuất khẩu và đóng vai trò quan trọng trong triển vọng cung cấp LNG của Australia.

Tuy nhiên, ngoài sự cạnh tranh của Qatar, sự gia tăng khai thác các nguồn tài nguyên độc đáo trên thế giới hay tính bền vững trong mối quan hệ với Trung Quốc, các dự án khai thác khí đốt ở Australia còn đang gặp những thách thức như rủi ro trong việc trì hoãn xây dựng và chi phí leo thang do thiếu hụt nhân công, giá thành nguyên vật liệu tăng, đồng thời phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về môi trường. Thực tế, theo một báo cáo của Phòng Tài nguyên năng lượng Australia, vốn đầu tư khai thác được đánh giá ở mức từ 3-4 tỉ đôla Australia/1 triệu tấn công suất, được xếp ở mức đắt nhất thế giới. Đổi lại, với hệ thống chính phủ ổn định, an ninh bảo đảm, quyền sở hữu tài sản được quy định rõ ràng… Australia vẫn là “địa chỉ vàng” thu hút các nhà đầu tư năng lượng nước ngoài.

Linh Phương (tổng hợp)

(Báo Năng lượng Mới số 147, ra ngày 17/8/2012)