Những kỷ niệm khó quên

Kỳ II: Ra biển và... mất tích

14:00 | 22/01/2019

2,873 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Với kết quả nghiên cứu dầu khí ở Đồng bằng sông Hồng, các nhà địa chất - địa vật lý nhận định rằng, theo hướng ra biển thì triển vọng dầu khí tốt hơn trong đất liền. 
Kỳ I: Khởi đầu gian nan

Ra biển…

Theo lệnh của Tổng cục Địa chất, mùa hè năm 1968, Đoàn 36 cử đoàn khảo sát vùng ven biển Vịnh Bắc Bộ dọc theo các tỉnh Nam Định, Thái Bình. Đoàn gồm các kỹ sư, kỹ thuật viên địa vật lý và trắc địa. Nhiệm vụ của đoàn chúng tôi là khảo sát các điều kiện địa dư, vật lý biển, địa chất khu vực các đảo Cồn Đen, Cồn Lu, Cồn Thông, Cồn Thủ để lập phương án thăm dò địa vật lý. Do thiếu thốn về kinh phí và phương tiện tàu thuyền, đoàn phải đi theo các thuyền đánh cá, làm việc, sinh hoạt “ba cùng” với ngư dân. Hằng ngày chúng tôi tham gia kéo lưới bắt cá kết hợp khảo sát đo đạc chiều sâu biển, theo dõi quy luật và cường độ sóng gió và thủy triều, vẽ bản đồ các đảo…

ky ii ra bien va mat tich
Tác giả (ngoài cùng bên phải) trên tàu địa chấn Bình Minh - tại Vật Cách Hải Phòng - 1983 (ảnh Đỗ Chí Hiếu)

Biết được mục đích công việc của chúng tôi là khảo sát thăm dò dầu khí, người dân ở vùng biển Thái Thụy (Thái Bình) rất phấn khởi và nhiệt tình giúp đỡ. Khi chuẩn bị chuyến đi biển, bà con khuyên chúng tôi không nên đem theo nhiều thứ, chỉ cần gạo, muối, một số gia vị, rau thơm, bếp dầu, vài bộ áo quần cộc và... rượu cuốc lủi. Quả thực, với những thứ đó, làm việc trên biển hằng tuần mà chúng tôi không cần gì thêm. Bù lại những ngày nắng gắt và nước biển mặn chát làm cho ai nấy đều đen xạm, thì các bữa ăn trên thuyền thật xôm, chúng tôi được ăn những con cá ngon tươi nhất vừa mới bắt được, thôi thì đủ các món cá, đặc biệt là món gỏi cá. Thật thú vị, buổi tối nghỉ lại trên thuyền hoặc ghé vào bờ đảo gần đó để nhâm nhi chén rượu với cá nướng, rồi ngủ lại trên bãi cát với trăng sao, gió mát rượi và tiếng sóng rì rầm. Những câu chuyện kể của bà con đi biển thật hấp dẫn, nhất là phong tục tập quán và cách làm ăn sinh sống của ngư dân vùng biển. Qua đó chúng tôi thu thập được nhiều tư liệu cần thiết về biển như thời tiết, sóng gió, thủy triều... mà không tìm thấy được trong sách vở.

Chuyện kể rằng có tên Cồn Đen vì những người đánh cá cởi trần suốt ngày nắng gió làm da đen sạm; có Cồn Lu vì vùng này có nhiều tôm cua, nhiều trai gái lặn lội bắt cua cáy mà không mặc quần (quần quấn trên đầu để đỡ ướt và cũng vì chẳng có ai nhòm ngó). Còn Cồn Thủ, Cồn Thông là các đảo hình thành trên địa đầu cửa Ba Lạt của sông Hồng, trước đây có các cây thông và phi lao mọc. Cũng có câu chuyện buồn, như cách đó hơn 50 năm, trong một đêm sóng thần cao hơn mười mét đã nhấn chìm mấy xã ven biển huyện Thái Thụy, nhà cửa trôi dạt tan nát, nhiều người chết và mất tích, ngày nay cả khu vực này có một ngày để tang chung…

Đợt khảo sát này đã cho chúng tôi rất nhiều tư liệu quý giá để vạch ra được phương án đầu tiên đưa địa vật lý tiến ra biển, khởi đầu cho việc thăm dò dầu khí ở vùng biển phía Bắc nước ta. Nhìn các tư liệu thu thập được, ông già ngư dân khen ngợi: “Các anh trên thông thiên văn dưới tường địa lý”. Chúng tôi chỉ dám trả lời đó là nhờ các bác chỉ dẫn cho mới được như vậy. Cho đến nay, kỷ niệm này vẫn còn in đậm trong tâm trí chúng tôi.

Và mất tích

Năm 1968, sau khi có các số liệu địa vật lý ở vùng nước nông Đồng bằng sông Hồng, Liên đoàn Địa chất 36 xác định vị trí giếng khoan sâu tìm kiếm số 110 ở vùng Cồn Đen. Anh Phan Minh Bích lúc bấy giờ là Liên đoàn phó phụ trách đoàn khảo sát của chúng tôi. Trong đoàn có 5 chuyên gia Liên Xô do đồng chí trưởng đoàn Scorduli phụ trách.

ky ii ra bien va mat tich
Giàn MSP1 khai thác tấn dầu đầu tiên trên mỏ Bạch Hổ năm 1986

Đoàn khảo sát xuất phát từ căn cứ Xuân Thủy (Nam Định), đi trên chiếc canô lớn. Sau một vòng khảo sát quanh đảo Cồn Đen với chiều dài khoảng 10km, chiều ngang 500-700m, chúng tôi phải đi bộ trên đảo để khảo sát. Do canô không cập bờ được nên chúng tôi cùng đoàn chuyên gia đi bằng xuồng máy, còn canô chờ ở đầu đảo. Đi được một lúc thì xuồng bị hỏng máy, sửa mãi không được, đồng chí Scorduli nhảy xuống biển để kéo xuồng, chúng tôi cũng làm theo. Ì ạch mãi chúng tôi mới vào được bờ đảo, đành kéo xuồng lên bãi cát.

Chúng tôi đi bộ gần hai giờ đồng hồ từ vị trí đặt giếng khoan ở giữa đảo đến đầu đảo ở cửa Ba Lạt. Đến nơi đã chiều gần tối, không thấy canô đâu, chờ đến tối hẳn cũng chẳng thấy tăm hơi. Không có bộ đàm liên lạc, bằng mọi cách hô hoán, bật máy lửa cũng không có ai đón chúng tôi. Đoàn đành quay trở lại vị trí giếng khoan nghỉ tạm tại chiếc lán của mấy người công nhân bảo vệ.

Cả ngày lăn lội thấm mệt và đói, tôi hỏi anh em công nhân xem có gì ăn không thì được trả lời là chỉ có ít gạo và muối thôi. Khó nghĩ quá, không biết các chuyên gia Liên Xô có ăn được không, song những năm sống và học tập ở Liên Xô, tôi hiểu người Nga giản dị và chịu gian khổ được. Tôi mượn nồi nấu cháo trắng và mời các đồng chí bạn dùng bữa tối để chờ đến sáng mai. Thật không ngờ các bạn Liên Xô ăn rất ngon lành và ngồi ngủ một giấc đến sáng hôm sau.

Khi trở lại điểm hẹn, chúng tôi mừng rỡ thấy chiếc canô đang chờ. Trên canô, anh Phan Minh Bích và đoàn tìm kiếm cũng hết đỗi vui mừng, hò reo đón chúng tôi. Anh Bích kể lại rằng, đêm qua là một đêm đầy lo lắng của những người túc trực trên canô, cả đêm cho tàu đi lùng sục nhiều lần quanh đảo mà không tìm thấy chúng tôi, đinh ninh là đã mất tích. Anh Bích cấp cáo về Liên đoàn, Liên đoàn báo cáo về Tổng cục Địa chất và Bộ Công an về sự kiện này. Bộ đội biên phòng được lệnh bằng mọi cách tìm kiếm đoàn chúng tôi, xác định có phải do “địch bắt cóc” hay không, hoặc nếu đã chết thì phải “tìm được xác”. Chúng tôi đâu có ngờ được sự việc nghiêm trọng đến thế. Qua đây mới thấy sự quan tâm lớn của lãnh đạo, của các cấp các ngành đến sự nghiệp dầu khí, bảo vệ con người, đặc biệt đối với chuyên gia Liên Xô đến giúp chúng ta khởi đầu công việc tìm kiếm dầu khí ở Việt Nam.

Những câu chuyện kể của bà con đi biển thật hấp dẫn, nhất là phong tục tập quán và cách làm ăn sinh sống của ngư dân vùng biển. Qua đó chúng tôi thu thập được nhiều tư liệu cần thiết về biển như thời tiết, sóng gió, thủy triều... mà không tìm thấy được trong sách vở.

(Xem tiếp kỳ sau)

Minh Trường

DMCA.com Protection Status