Làm gì để thu hút nhân tài về phục vụ đất nước?

Kỳ 7: Trọng dụng nhân tài Việt: Khát vọng trở về từ người trong cuộc

19:22 | 09/04/2021

176 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đất nước đang chứng kiến xu thế tri thức kiều bào, nhân tài đất Việt quay trở về Tổ quốc với khát vọng cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng, quê hương. Mỗi người mang theo mình câu chuyện thành công riêng, nhưng cùng chung một ước mơ cháy bỏng trở về “nhà” phát triển sự nghiệp, góp phần đóng góp trí lực cho sự phát triển của đất nước.
Kỳ 7: Trọng dụng nhân tài Việt: Khát vọng trở về từ người trong cuộc
Chị Lê Diệp Kiều Trang và chồng, anh Vũ Xuân Sơn (bên trái) nhận quà tặng từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dịp năm mới Tân Sửu vì những đóng góp có ý nghĩa của anh chị cho cộng đồng và phát triển phong trào khởi nghiệp. Ảnh do nhân vật cung cấp

'Nhà’ là nơi thăng hoa trong công việc và phát triển sự nghiệp

Trong làng startup và giới kinh doanh, hầu như ai cũng “kiêng nể” Lê Diệp Kiều Trang (Christy Le), một trong những đại diện nổi tiếng của thế hệ doanh nhân mới với thành tích học tập đáng nể và một hồ sơ lý lịch “khủng”.

Được biết đến là nhà đồng sáng lập Quỹ đầu tư Alabaster, Kiều Trang đã nắm giữ các chức danh vô cùng quan trọng tại các công ty đa quốc gia, như Giám đốc Điều hành Fossil Việt Nam, Tổng Giám đốc Go-Viet, Tổng Giám đốc Facebook Việt Nam… sau khi trở thành thủ khoa MBA của Học viện Công nghệ Massachusetts - cái nôi của các tài năng trên toàn thế giới.

Kiều Trang chia sẻ, thời điểm đi du học, Việt Nam vẫn là “nhà”. Ba mẹ, gia đình, người thân của chị đều ở Việt Nam. Việt Nam là nơi chị dành nhiều tình cảm nhất với rất nhiều cơ hội để phát triển. Do đó, đi một vòng rồi chị vẫn về Việt Nam startup. Chị tin tưởng, nếu cố gắng, nhất định sẽ có cơ hội phát triển cá nhân và đóng góp cho cộng đồng.

Kiều Trang quan niệm, cơ hội làm việc để phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội, cho đất nước, cho dù làm chủ hay làm thuê, đều là những cơ hội rất đáng theo đuổi.

Thu nhập cao, ổn định… không nhất thiết là yếu tố thu hút nhân tài trở về. Kiều Trang coi “cơ hội tiếp tục học tập và làm việc, tạo ra giá trị trong công việc của mình” mới là yếu tố tiên quyết.

Nhìn lại những chặng đường đã đi qua, Kiều Trang nhận thấy mình có “duyên” với các cơ hội tự đầu tư, tự kinh doanh hơn, bởi khi tham gia vào những công việc này, chị đã góp phần tạo ra nhiều giá trị hơn, đặc biệt góp phần phát triển nguồn nhân tài đất Việt.

Các công ty khởi nghiệp do Kiều Trang tham gia phát triển (như Misfit, Harrison AI và Arevo) đã tạo ra sân chơi, kết nối các nguồn lực trí thức trẻ Việt Nam với thị trường công nghệ thế giới, giúp các kĩ sư người Việt có cơ hội học hỏi, phát triển chuyên môn, đồng thời có nguồn thu nhập rất xứng đáng. Theo Kiều Trang, nguồn lực kĩ sư công nghệ Việt Nam là có thực và có thể phát triển lên tầm quốc tế.

Hiện tại, Kiều Trang đang tiếp tục phát triển 2 công ty công nghệ (Harrison AI và Arevo), mở ra những cơ hội phát triển nguồn lực con người trong lĩnh vực y khoa và sản xuất.

Kiều Trang cho biết, trong vòng một năm qua, Harrison AI đã thu hút và phát triển 150 bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại TPHCM tham gia phát triển sản phẩm chẩn đoán hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong khi đó, Arevo, công ty đầu tiên và duy nhất trên thế giới sở hữu phát minh sản xuất sản phẩm sợi carbon bằng phương pháp in 3D công suất lớn, đang xây dựng nhà máy đầu tiên sản xuất sản phẩm bằng công nghệ in 3D tại Việt Nam. Arevo đang mở ra cơ hội cho các trí thức trẻ trong lĩnh vực tự động hoá và công nghệ vật liệu, tham gia hiện thực hoá công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành sản xuất.

Theo Kiều Trang, Chính phủ Việt Nam đã có những chương trình khuyến khích, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ để thu hút nhân tài quay trở về. Trên thực tế, ngay cả khi không có những chương trình này, trí thức Việt cũng vẫn tin vào sản phẩm và thành quả nghiên cứu của mình có thể “sống được”, mà không trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, điều mà nhóm trí thức cần nhất là môi trường làm việc kinh doanh minh bạch, rõ ràng và công bằng.

Nếu được tạo điều kiện tốt, du học sinh, nhân tài đều muốn quay về

Kỳ 7: Trọng dụng nhân tài Việt: Khát vọng trở về từ người trong cuộc
TS. Nguyễn Thúy Anh

TS. Nguyễn Thúy Anh, giảng viên Đại học California-Davis Hoa Kỳ, là đại diện Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ khẳng định, nếu được tạo điều kiện tốt, môi trường tốt, hầu hết du học sinh, nhân tài đều muốn quay về. Vì suy cho cùng, nước ngoài dù tốt đến mấy vẫn là đất khách. Việt kiều cũng phải trải qua nhiều thử thách mới khẳng định được bản thân và có được vị trí tốt.

Nữ tiến sĩ cũng chia sẻ, không ít du học sinh Việt Nam muốn ở xứ sở cờ hoa làm việc để thử sức mình. Những người du học từ cấp ba, hay sớm hơn, thì khả năng quay trở về càng ít, vì họ hấp thụ nền văn hoá, cách sống, môi trường sống ở nước sở tại, nên cảm thấy khó thích nghi khi trở về. Du học sinh ngắn hạn, hoặc thạc sĩ là đối tượng có khả năng trở về đất nước nhiều nhất. Tuy nhiên, “ở hay về?” là câu hỏi thường trực của tất cả du học sinh Việt Nam, kể cả những người muốn ở lại, xác định ở lại.

Theo nữ giảng viên Đại học California-Davis, để thu hút người tài, Việt Nam nên tạo cơ hội giúp nhân tài đất Việt nói lên ý kiến và phát triển khả năng, tổ chức diễn đàn kết nối nhân tài với nhau. Khi được tôn trọng, họ sẽ trở về, vì mong muốn đóng góp cho quê hương đất nước luôn sẵn trong tim mỗi người, chỉ cần khơi dậy là được. Ngược lại, đặt ở vị trí người làm chính sách, không thể chiều theo tất cả những yêu cầu đòi hỏi. Vì vậy, cần phải có sự thích nghi, phải xuất phát từ hai phía, nếu họ sẵn sàng thay đổi bản thân về Việt Nam thì mới thành công được.

TS. Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ tạo cơ hội để Việt kiều đóng góp cho quê hương. Ví dụ như tiếp tục phát triển mạng lưới tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu, kết nối các bạn trẻ, các nhà khoa học trẻ, tri thức trẻ trên toàn thế giới cùng tham gia, mỗi năm tổ chức diễn đàn một lần, mời các chuyên gia, xét hồ sơ, tạo cơ hội để trình bày nghiên cứu của mình, tạo sự gắn kết, gắn bó với quê hương, truyền tải cơ hội của mình.

Là tiến sĩ ngành tài nguyên nước, môi trường và biến đổi khí hậu, Thuý Anh nhận thấy, đây là ngành rất cần cho Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nếu học hỏi được những kinh nghiệm của các nước tiên tiến về dự báo bão lũ, quản lý tổng hợp về nguồn nước, công nghệ hiện đại, vệ tinh viễn thám, công nghệ dự báo thời gian thực, quy trình vận hành liên hồ chứa và áp dụng được cho Việt Nam thì vô cùng tốt. Với hoài bão và ước mơ được cống hiến cho quê nhà, chị đã hợp tác nhiều dự án với Việt Nam và hiện đang tham gia dự án quy hoạch quốc gia về tài nguyên nước tầm nhìn 2030-2050, tham gia đề án xây dựng an ninh nguồn nước với một số bộ.

Luôn mong muốn có cơ hội cống hiến nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn cho đất nước, Thúy Anh bày tỏ, nếu có cơ hội được làm việc trong cơ quan Nhà nước, chị mong muốn được phát huy hết khả năng của mình, mong lãnh đạo đặt niềm tin, chuộng cái mới, sáng tạo và trao cho cơ hội thực hiện được những ý tưởng và phát triển được bản thân.

Kỳ 7: Trọng dụng nhân tài Việt: Khát vọng trở về từ người trong cuộc
Giám đốc Chiến lược Công ty An ninh mạng Viettel Nguyễn Xuân Nam

Môi trường làm việc là yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân nhân tài

Đề cập đến chủ trương trọng dụng và thu hút nhân tài, ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc Chiến lược Công ty An ninh mạng Viettel nhấn mạnh, trong 2-3 năm gần đây Chính phủ đang đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số quốc gia, do đó, việc thu hút nhân sự trong thị trường công nghệ thông tin nói chung và thị trường an toàn thông tin nói riêng thật sự đang rất “nóng”.

Ông Nguyễn Xuân Nam đưa ra những so sánh trong việc thu hút và giữ chân nhân tài của doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài trong lĩnh vực này.

Thứ nhất là thu nhập: Các công ty tư nhân, tập đoàn nước ngoài thường có mức chi trả thu nhập cao hơn so với các công ty Việt Nam.

Thứ hai là môi trường làm việc: Người Việt vẫn quan niệm môi trường làm việc ở các công ty nước ngoài chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, theo ông Nam, ở một góc độ nào đó, các công ty nước ngoài có quy trình chuẩn hóa hơn, nhưng các doanh nghiệp Việt vẫn đang ngày càng cải thiện yếu tố này.

Thứ ba là sự tương tác và khả năng học hỏi. Các công ty nước ngoài đặt chỉ tiêu kinh doanh lên hàng đầu. Đối với doanh nghiệp trong nước, bên cạnh việc đạt được chỉ tiêu này thì cũng rất quan tâm đến việc phát triển bền vững. Do đó, với yếu tố tạo điều kiện học hỏi, nghiên cứu cho nguồn nhân lực, các công ty trong nước hiện nay lại có lợi thế hơn. Đây là một trong những yếu tố để thu hút nhân tài.

Giữa khu vực tư và khu vực công, ông Nguyễn Xuân Nam đánh giá: “Hiện nay vẫn còn khoảng cách giữa doanh nghiệp và Nhà nước về văn hóa làm việc. Nhưng theo tôi, trong tương lai gần, giống như các nước phát triển khác, khi các điều kiện được bảo đảm tốt hơn thì khoảng cách này sẽ tiến gần nhau hơn, cộng thêm các chế độ đãi ngộ, sẽ không còn khái niệm thích làm Nhà nước hay làm tư nhân, ở đâu cũng sẽ có yếu tố tốt để mọi người cân nhắc”.

Nhấn mạnh đến việc xây dựng văn hóa kinh doanh rất cần thiết và quan trọng trong thu hút nhân tài, ông Nguyễn Xuân Nam cho rằng, trước đây các doanh nghiệp phải tự xây dựng một văn hóa riêng để phát triển, nhưng nếu có những hướng dẫn và định hướng từ Chính phủ và Nhà nước thì môi trường kinh doanh, sản xuất sẽ minh bạch, lành mạnh hơn. Đặc biệt các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp trẻ sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc phát triển, cạnh tranh sản phẩm với các tập đoàn lớn hoặc hợp tác trực tiếp để tạo ra các giá trị tốt hơn cho xã hội.

Môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh, tốt lên cũng là một trong những nhân tố để thu hút nhân tài, và nhìn xa hơn đó là nhân tài chất lượng cao từ nước ngoài về. Bởi, bên cạnh chế độ đãi ngộ, thì môi trường làm việc là yếu tố quan trọng không kém để thu hút và giữ chân nhân tài.

Cũng theo ông Nam, một trong những xu hướng hiện nay tác động đến việc thu hút nhân tài, đó là chủ trương làm chủ công nghệ, tạo ra các sản phẩm “make in Viet Nam” theo định hướng của Chính phủ.

Một quốc gia muốn phát triển thì phải tự chủ được công nghệ, đặc biệt là các hạ tầng trọng yếu quốc gia, như sắp tới chúng ta phổ cập 5G, hay trong lĩnh vực hành chính công và Chính phủ điện tử. Nếu chúng ta không tự chủ được sẽ phụ thuộc vào nước khác, sẽ mãi là nước đang phát triển. Muốn trở thành nước phát triển thì phải tự chủ về công nghệ, vì nó khẳng định vị thế của đất nước, cũng làm tăng giá trị kinh tế.

Khi không tự chủ công nghệ, chúng ta chỉ việc mua đi bán lại. Còn khi đã làm chủ được công nghệ thì chúng ta sẽ có nhiều bước tiếp theo, từ đó cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm, những mảng việc phủ rộng hơn. Đặc biệt đây đều là những công việc mới và khi làm những cái mới thì các bạn trẻ đều hào hứng hơn, đó cũng là lý do thu hút nguồn nhân lực cao.

Theo Báo điện tử Chính phủ

Kỳ 5: Luôn tin Nhà nước tạo mọi điều kiện để thu hút và trọng dụng nhân tàiKỳ 5: Luôn tin Nhà nước tạo mọi điều kiện để thu hút và trọng dụng nhân tài
Kỳ 4: Thu hút và trọng dụng nhân tài - Câu chuyện từ Đà NẵngKỳ 4: Thu hút và trọng dụng nhân tài - Câu chuyện từ Đà Nẵng
Kỳ 3: Thu hút người tài: Kinh nghiệm từ địa phương tiên phong mở đườngKỳ 3: Thu hút người tài: Kinh nghiệm từ địa phương tiên phong mở đường