Làm báo Dầu khí khó hay dễ?

Kỳ 1: Cầm tay chỉ việc

16:02 | 13/03/2021

10,027 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ít người biết rằng có một số nhà báo tên tuổi nhưng “ăn lương dầu khí” mà không viết nổi một chữ về ngành hay phóng viên chuyên trách dầu khí cả chục năm nhưng vẫn tự thấy rằng chỉ thuộc loại “cưỡi ngựa xem hoa”…

Năm 2011, báo Năng lượng Mới ra đời - đây là tờ báo đầu tiên thuộc Hội Dầu khí Việt Nam, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tờ báo được giao “trọng trách” là “làm thế nào thì làm, phải nói lên, viết ra được những điều đã, đang và sẽ cống hiến cho đất nước của ngành Dầu khí, của người dầu khí”.

Chính vì vậy mà ngay từ những ngày đầu hoạt động, chúng tôi những người làm báo dầu khí đã không ít lần xảy ra tranh luận cả công khai trước các cuộc họp toàn tòa soạn lẫn ngấm ngầm bên bàn trà vào mỗi buổi sáng về vấn đề “làm báo dầu khí như thế nào?”.

Kỳ 1: Cầm tay chỉ việc
Cán bộ phóng viên Năng lượng Mới từ 22 tuổi đến 72 tuổi đều phải học Dầu khí đại cương.

Một số phóng viên kỳ cựu trong tòa soạn cho rằng, làm báo dầu khí cực kỳ khó khăn. Cụ thể như để tìm thông tin phục vụ cho bài viết, phóng viên phải tiếp cận một đơn vị, một con người dầu khí cụ thể. Nhưng để có thể tiếp cận, lấy thông tin là cả một vấn đề.

Ai cũng bảo đọc tin bài dầu khí “khô không khốc”. Quả đáng tội, đã theo nghề báo, chẳng ai muốn bị biên tập chê, bỉ bôi đứa con tinh thần của mình. Nhưng biết làm sao được khi các đơn vị dầu khí quản lý rất chặt về thông tin, hằng tháng, hằng quý đều có báo cáo lên Tập đoàn nhưng rất ngắn gọn và cực nhiều số liệu. Đó là chưa kể để “đọc hiểu” được báo cáo của các đơn vị chuyên ngành là cả một vấn đề về trình độ chuyên ngành dầu khí. Hơn nữa các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong và ngoài ngành cũng rất đa dạng, từ thăm dò khai thác, dịch vụ dầu khí đến lọc dầu, hóa dầu… đều sử dụng rất nhiều từ ngữ chuyên môn, tiếng Anh chuyên ngành… Bởi vậy, “bắt” phóng viên vốn theo mảng xã hội nhiều năm ngồi đọc báo cáo thì đúng là cả một sự tra tấn, để rồi viết ra được một cái tin, bài cho tử tế thì ai nấy đều "toát mồ hôi mẹ mồ hôi con”.

Còn về cái sự tiếp cận người dầu khí cũng là cả một câu chuyện. Ngành Dầu khí Việt Nam vốn có bề dày lịch sử xây dựng và trưởng thành với các thế hệ người dầu khí cống hiến hơn 50 năm không ngừng nghỉ. Với đặc thù của một ngành kinh tế - kỹ thuật, hầu hết người trong ngành xuất thân từ dân kỹ thuật. Để giao tiếp với các anh, chị vốn dĩ quen nói ngắn, gọn… thật không dễ gì. Nhà báo vốn dĩ lại là những người nhạy cảm, dễ tự ái nên không ít người đã bị “tổn thương” khi liên tục gặp phải cách đối xử "rất đỗi bình thường" của người dầu khí.

Để có thể khai thác thông tin từ chiếc “thùng kín” của ngành Dầu khí, nhà báo Nguyễn Như Phong - Nguyên Tổng biên tập báo Năng lượng Mới đã phải nặn óc nghĩ “đủ mưu, đủ kế”. Đơn cử như tổ chức cho phóng viên, biên tập viên học Dầu khí đại cương. Rồi xếp hàng lần lượt cho phóng viên theo các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tập đoàn ra giàn khoan để được mục sở thị xem “giọt dầu tròn méo như thế nào”… Đặc biệt là ông chọn ra một nhóm phóng viên gồm 3-4 người đưa vào đặc huấn kiểu “cầm tay - chỉ việc”. Xin nói trước là nhóm phóng viên này đều có kinh nghiệm làm báo nhiều năm chứ không phải những sinh viên mới ra trường. Tất cả các tin bài của phóng viên đều được Tổng biên tập trực tiếp ra đề bài, nộp trực tiếp để Tổng biên tập sửa chữa và xếp đăng. Thế là cứ dăm bữa nửa buổi là cả tòa soạn lại nghe tiếng lãnh đạo quát ầm ầm với hàng trăm câu khó tìm ra trong từ điển, làm phong phú tiếng Việt gấp vạn lần. Đại loại như “Thằng X kia, mày viết như… thế này à? Có khác gì ném cát vào mắt người ta không?”.

Kỳ 1: Cầm tay chỉ việc
Đã có thời điểm báo chí đồng loạt đăng bài cho rằng cần phải bán gấp NMXS Đình Vũ theo giá sắt vụn.

Chưa hết, có lần phóng viên đi làm bài xong xuôi, chỉn chu nhưng vẫn nhận cái kết "đắng". Đó là lần chính tôi được giao nhiệm vụ viết về việc triển khai bán xăng sinh học (xăng E5) tại Hải Phòng và các tỉnh lân cận vào năm 2013. Địa bàn thì rộng, đi tìm hiểu thực tế mất nhiều thời gian dù có sự giúp đỡ rất nhiều của anh em tại các chi nhánh của Tổng công ty Dầu Việt Nam. Đề tài hay, có tính thực dụng nên phóng viên hào hứng lắm. Mất 3-4 ngày tìm hiểu, trong đó có đêm còn mật phục cùng anh em để tận mắt nhìn cảnh xăng lậu chảy vào cây xăng. Rồi ngay khi về nhà tôi lại cày cục cả đêm viết được hơn 5 ngàn chữ. Sáng sớm lên tòa soạn nộp bài cho Tổng biên tập. Ông chỉ “lườm một cái” rồi bảo: “Để đấy!”.

Thấp thỏm về chỗ ngồi, chắc có lẽ chỉ được vài phút thì bỗng nghe Tổng biên tập “phóng loa”: “Thằng C đâu? Mày muốn đóng cửa cái báo này à? Bài này mà đăng thì đi ăn mày hết cả lũ…”. Rồi ông “hùng hổ” cầm bản thảo chạy tới trước mặt tôi vung tay như muốn ném cả tập bản thảo thẳng vào mặt cái đứa phóng viên “ngu ngốc” đang tái mặt và run lên vì giận. Rồi như chợt nhận ra điều gì đó, ông liền dịu giọng: “Bài thì tốt đấy nhưng “thật thà” quá. Người đọc sẽ hiểu ngay là đang “chửi” sự điều hành của… Cháu nên nhớ là “chửi” ai cũng được nhưng kiềng chỗ ấy ra. Giống như cha mẹ mình ấy, nhà có nhiều con nên cũng có lúc cha mẹ chưa thể lo hết cho từng đứa. Chả nhẽ cứ bức xúc là làm ầm lên. Mà dù có sai thật đi nữa thì… cũng cố mà nhịn, để rồi từ từ sửa chữa. Thôi, để bài này lại khi nào “êm xuôi” thì đăng vậy!”.

Thành Công

Năng lượng Mới & PetroTimes - Hành trình 10 năm kết nối thông tin Dầu khí Năng lượng Mới & PetroTimes - Hành trình 10 năm kết nối thông tin Dầu khí
Đảng ủy Cơ quan Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chúc mừng Tạp chí Năng lượng Mới - PetroTimes Đảng ủy Cơ quan Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chúc mừng Tạp chí Năng lượng Mới - PetroTimes
Truyền thông Dầu khí - Đồng bộ và hiệu quả Truyền thông Dầu khí - Đồng bộ và hiệu quả

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps