Kinh tế vĩ mô tồn tại nhiều bất ổn

16:00 | 23/09/2011

412 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Dù nền kinh tế nước ta có mức tăng trưởng 56%, giá trị xuất khấu có tăng và giữ mức ổn định nhưng lạm phát quá cao (hơn 18%), sản xuất khó khăn, đầu tư kém hiệu quả…

Lạm phát kéo dài làm doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.

Ngày 23/9, tại TP HCM, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã tổ chức buổi hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2011, triển vọng năm 2012 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2011-2015)”.

Tại buổi hội thảo các chuyên gia cho rằng: Mặc dù nền kinh tế nước ta có mức tăng trưởng 5-6%, giá trị xuất khấu có tăng và giữ mức ổn định nhưng lạm phát quá cao (hơn 18%), sản xuất khó khăn, đầu tư kém hiệu quả…

Nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn trên một phần do tác động chung từ nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng là kinh tế vĩ mô có nhiều bất ổn, nợ công tăng, cơ cấu kinh tế yếu kém và mất cấn đôi nghiêm trọng, lạm phát kéo dài làm doanh nghiệp suy yếu, trong đó khuyết điểm không nhỏ là từ cơ chế quản lý và điều hành kinh tế của nhà nước.

Nhiều chuyên gia lo ngại về hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khối nhà nước.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Năm nay dự kiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể lỗ 11.669 tỉ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) lỗ hơn 3.000 tỉ đồng, Tổng công ty Xăng Dầu Petrolimex lỗ khoảng 1.200 tỉ đồng…

Trước những khó khăn về kinh tế, một số ý kiến tham dự hội thảo cho rằng, trong thời gian tới, nhà nước nên có những kế hoạch để ổn định nền kinh tế và khôi phục lòng tin của người dân và các nhà đầu tư, xác lập mô hình tăng trưởng mới bằng giải pháp ngắn hạn là kéo giảm lạm phát, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, về trung hạn thì phải tái cấu trúc nền kinh tế; thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp trong đó ưu tiên tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

Phát biểu tại hội thảo, Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cho rằng: Trong 2 năm tới (2012-2013) phải thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay thì không thể giữ mục tiêu mức tăng trưởng bình quân 7- 8%/năm vì rất khó đạt được chỉ tiêu này. Riêng về giải pháp thực hiện phát triển kinh tế 5 năm (2011-2015) nên bổ sung và mở rộng Nghị quyết 11 thành Chương trình đổi mới đợt 2 với mục tiêu: ổn định kinh tế vĩ mô, giảm rủi ro nền kinh tế, tăng niềm tin cho các nhà đầu tư.

Mai Phương