Kinh tế có dấu hiệu rơi vào suy giảm sâu

15:13 | 18/05/2012

480 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Suy thoái kinh tế khó có thể diễn ra nhưng nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu rơi vào suy giảm sâu. Đó là nhận định của ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ngày 18/5, tại diễn đàn xuất khẩu năm 2012 do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra những đánh giá về tình hình kinh tế hiện nay và triển vọng xuất khẩu trong năm 2012.

Ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế nước ta tiếp tục đà suy giảm sâu trong thời gian tới. Nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì việc thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế 6 – 6,5% trong năm 2012 như đã đề ra là cực kỳ khó khăn nếu không muốn nói là không thể. Nếu tình hình tiếp diễn như những tháng qua thì trong năm 2012 có thể GDP chỉ tăng khoảng 4,5% so với năm 2011.

Ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại diễn đàn

Trong nhiều năm trước đây, tăng trưởng kinh tế quý I thường thấp hơn các quý sau đó, nhưng năm 2012 có những dấu hiệu khác biệt cho thấy tình trạng kinh tế đang trên đà suy giảm sâu, tăng trưởng kinh tế các quý sau chưa chắc đã tăng so với quý trước.

Đầu tư trong năm 2011 và quý 1/2012 có tăng nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì đầu tư của 5 quý liền đã giảm. Bên cạnh đó, tín dụng là kênh dẫn vốn chủ yếu vào nền kinh tế của nước ta hiện nay nhưng tính đến tháng 4/2012 thì hầu như không tăng thêm được gì so với cuối năm 2011. Đây là hiện tượng kinh tế gần như lần đầu tiên xảy ra ở nước ta. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bất thường này nhưng nguyên nhân bao trùm là nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sụt giảm mạnh do sản xuất khó khăn, khả năng hấp thu vốn kém đi.

Ngoài ra, nhập siêu giảm đột ngột, bất bình thường trong 4 tháng đầu năm nay là biểu hiện rõ nét tình trạng khó khăn trong đầu tư. Nhập siêu giảm do giảm nhập những tư liệu sản xuất trọng yếu cho nền kinh tế, phản ánh khó khăn của tình hình xuất khẩu không chỉ trong quý 1 mà sẽ kéo dài sang các quý tới. Mặc dù, xuất khẩu những tháng đầu năm nay tăng 22% nhưng xuất khẩu tăng chủ yếu ở các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu chỉ tăng 4,4%. Đó là con số thấp nhất trong hàng chục năm trở lại đây.

Trước tình hình trên, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo: Vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là phải có biện pháp nhanh chóng chặn đà suy giảm kinh tế. Nếu kinh tế tiếp tục “nguội lạnh” thì khó lòng kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và càng không thể đảm bảo được an sinh xã hội như mong muốn.

Tình hình xuất khẩu sẽ còn nhiều khó khăn trong thời gian tới

Theo các chuyên gia: Cứu doanh nghiệp là cứu nền kinh tế. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước là rất cần cho doanh nghiệp nhưng cần phải đồng bộ; giúp cho doanh nghiệp giảm các chi phí sản xuất và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Chính phủ cần “ra tay” cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Vì nếu doanh nghiệp đến ngân hàng để vay vốn mà vẫn còn nợ thì không có cách nào để vay được tiền.

Trước khi có được sự hỗ trợ của Nhà nước thì điều thiết thực nhất là doanh nghiệp phải tự cứu mình vì chỉ có doanh nghiệp mới hiểu được hiện nay mình yếu kém những gì, để cơ cấu lại việc quản trị, điều hành, cơ cấu lại sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động vượt qua khó khăn.

Mai Phương