Kinh nghiệm phòng chống ma túy từ Bồ Đào Nha

11:00 | 05/01/2014

1,657 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2001, Bồ Đào Nha trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên chính thức bãi bỏ tất cả các hình phạt hình sự đối với người sử dụng ma túy, bao gồm cần sa, cocaine, heroine và methamphetamine. Kể từ đó, hình phạt với những người bị bắt với lượng nhỏ ma túy cũng ngang với hình phạt đỗ xe trái phép. Sau 12 năm thực hiện chính sách này, công tác phòng chống ma túy của Bồ Đào Nha đã thu được những kết quả tích cực.

Năng lượng Mới số 287

“Người nghiện ma túy không phải là tội phạm, Họ là người bệnh”

Kể từ khi Guinea Bissau giành độc lập từ Bồ Đào Nha năm 1974, quân đội và nhà nước của quốc gia với chỉ 1,6 triệu dân khi đó liên tục phải trải qua các cuộc xung đột. Sự bất ổn của nước này đã cho phép bọn buôn lậu ma túy hoạt động mạnh và biến nơi đây thành trung tâm trung chuyển ma túy giữa Nam Mỹ và châu Âu. Ở thời kỳ đỉnh điểm, vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, số người nghiện ma túy ở Bồ Đào Nha là 100.000 trên tổng số dân dưới 10 triệu người. Số lượng người nghiện ma túy bị nhiễm HIV cũng cao hơn đáng kể so với hầu hết các nước khác.

Tranh minh họa chính sách ma túy của Bồ Đào Nha: “Người nghiện không phải là tội phạm, họ là bệnh nhân”

Đây chính là bối cảnh đưa đến quyết định thành lập một Ủy ban Chống ma túy gồm 11 chuyên gia, trong đó có ông João Goulão, của Chính phủ Bồ Đào Nha. Hầu hết các thành viên của ủy ban này không phải là chính trị gia.

“Người sử dụng ma túy không phải là tội phạm, họ là người bệnh”, ông Goulão nói. Mặc dù không phải ai cũng đồng ý với điều đó nhưng sau đó, Ủy ban Chống ma túy đã nhanh chóng nhất trí với quan điểm này và từ đây hình thành cơ sở thử nghiệm biện pháp đối phó với người sử dụng ma túy mà không ngăn cấm. Những người tàng trữ một lượng nhỏ ma túy không bị coi là tội phạm và không bị đưa ra xét xử hay bị tống vào tù và thay vào đó, họ chỉ bị chuyển sang trường hợp phi tội phạm “cần được khuyên bảo”. Một nhà tâm lý học và một luật sư sẽ nói chuyện với người bị bắt để giúp anh ta nhận thức về sự nguy hiểm của cần sa.

“Miễn là anh ta (người sử dụng, tàng trữ một lượng nhỏ ma túy) không bị bắt một lần nữa trong 3 tháng tiếp theo, vụ việc sẽ được khép lại. Cảnh sát sẽ không thông báo cho bất cứ ai về việc anh ta đã bị bắt và cũng không lưu lại hồ sơ cá nhân sự việc này. Nhưng nếu tái phạm, sẽ có những hình phạt dành cho họ”, một luật sư giải thích về đạo luật 30/2000.

Cũng theo luật sư này, hình phạt tiếp theo cho những người tái phạm có thể là một vài ngày lao động công ích hoặc phạt hành chính nhưng quan trọng hơn là “mời” họ vào các trại cai nghiện để điều trị.

Xóa bỏ kết án nhưng không hợp pháp hóa

Cảnh báo, nhắc nhở và “mời” tham gia trại cai nghiện - có vẻ như cuộc chiến với ma túy của Bồ Đào Nha rất nhẹ nhàng. “Nhân văn và thực tế” là những từ mà ông João Goulão nói về chương trình phòng chống ma túy mới của Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, thành viên của Ủy ban Chống ma túy Bồ Đào Nha nhấn mạnh, “phi tội phạm hóa” ở với người sử dụng ma túy không nên bị nhầm lẫn với “hợp pháp hóa” hoạt động mua bán “nàng tiên nâu” bởi cảnh sát nước này vẫn truy tìm, bắt giữ những người cung cấp, buôn bán ma túy với số lượng vượt quá giới hạn cho phép.

Mặc dù thừa nhận rằng, chính sách mới để phòng chống cung cấp, buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy “không phải là phép mầu xóa sạch ma túy” ở Bồ Đào Nha, nhưng theo ông Goulão, vấn đề ma túy ở đất nước này đã không trở nên tệ hại hơn.

Các số liệu mà Ủy ban Chống ma túy của Bồ Đào Nha thu thập được trong những năm qua cho thấy, số lượng người trưởng thành sử dụng ma túy bất hợp pháp ở nước này đang tăng. Nhưng, trong cùng thời điểm, số lượng thanh thiếu niên sử dụng trái phép ma túy đang giảm. Bên cạnh đó, số lượng người trưởng thành nghiện ma túy, những người đã trải qua các trại cai nghiện cũng tăng lên đáng kể, trong khi số lượng người nghiện ma túy và bị nhiễm HIV do sử dụng ma túy lại giảm một cách ngoạn mục. Tuy nhiên, những con số này không có ý nghĩa gì nhiều nếu so với việc càng ngày càng có nhiều người nhận thức và muốn loại bỏ ma túy bất hợp pháp ra khỏi cuộc sống của họ.

Tại thời điểm này, mối quan tâm lớn nhất của Goulão là chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ Bồ Đào Nha trong bối cảnh khủng hoảng đồng euro. Theo ông, xóa bỏ kết án với người sử dụng ma túy là vô nghĩa nếu không đi kèm với các chương trình phòng ngừa, khám chữa bệnh liên quan đến ma túy và công tác xã hội được tiến hành trực tiếp ngay trên đường phố. Trước khủng hoảng, Bồ Đào Nha chi 75 triệu euro (98 triệu USD) mỗi năm cho chương trình chống ma túy. Cho đến nay, mặc dù mới chỉ cắt giảm vài triệu euro khỏi ngân sách cho chương trình này nhưng nếu tình hình kinh tế ở đất nước Nam Âu này tồi tệ hơn, một số công việc trong chương trình sẽ không đủ tiền để thực hiện được.

Linh Linh (theo SP)