Kiểm soát chi phí để nâng cao hiệu quả kinh doanh

07:00 | 08/03/2013

1,831 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kinh tế trong nước chưa hồi phục rõ nét khiến hàng loạt khó khăn đang đè nặng lên các doanh nghiệp như lãi suất tín dụng ở mức cao, sản xuất tăng trưởng chậm, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp phá sản gia tăng nhanh hơn số doanh nghiệp mới được thành lập… Trước tình hình đó, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, các doanh nghiệp cần năng động tìm kiếm các giải pháp kiểm soát chi phí để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Nợ và các chi phí đang đè nặng doanh nghiệp

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam thường sử dụng tỷ lệ vốn tài trợ từ bên ngoài nguồn vốn tự có (như huy động từ khách hàng, chiếm dụng vốn, vay ngân hàng) khá lớn. Theo thống kê vào năm 2012, tỷ lệ này của các doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên sàn chứng khoán cao hàng đầu thế giới với tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu bình quân trên 1,5 lần (trong khi các công ty niêm yết tại Mỹ năm 2011 duy trì tỷ lệ 1,2 lần, Trung Quốc là tỷ lệ 1,06 lần).

Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng đòn bẩy tài chính từ năm 2007 trở lại đây, đặc biệt ngành ngành xây dựng và bất động sản là cao nhất với tổng nợ phải trả gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu, khoảng 207%, cá biệt Tổng Công ty Sông Đà tỷ lệ này lên tới 8,85, Petrolimex 6,29... Thống kê trên cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nước ta phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vay tín dụng ngân hàng.

Với tình trạng nợ cao như vậy rõ ràng lãi vay đã nhanh chóng chiếm hết lợi nhuận của doanh nghiệp, càng đẩy họ vào mức khó khăn hơn. Mặc dù vừa qua Chính phủ đã có Nghị quyết số 02/NQ-CP hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp và Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư số 14/2012/TT-NHNN ngày 4/5/2012 quy định trần lãi suất cho vay ở mức 15%/năm với 4 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên mức hỗ trợ này chưa thật ưu đãi và dễ dàng tiếp cận.

Sản xuất công nghiệp (ảnh Mạnh Thắng)

Điều đáng lo ngại là tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay vẫn đang ở trạng thái âm (-) 0,16%, vì vậy, với mức tăng trưởng tín dụng thấp và mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại ở mức cao như hiện nay cho thấy khả năng tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng đối với nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn. Hiện nhiều ngân hàng đánh đồng và hạn chế cấp tín dụng cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn tạm thời do thị trường và doanh nghiệp thua lỗ nhiều năm khiến cho vòng luẩn quẩn càng thêm rối rắm: doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ để phục hồi sản xuất và không có nguồn trả nợ và vì thế càng khó để tiếp cận vốn ngân hàng.

Bên cạnh gánh nặng nợ nần, các doanh nghiệp còn chịu áp lực từ chi phí giá thành, chi phí hoạt động như lương nhân viên, chi phí điện nước, chi phí hội họp, giấy tờ… Để đối phó với tình trạng khó khăn này, các doanh nghiệp không còn cách nào khác là điều chỉnh các khoản chi phí không hợp lý.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, hiện áp lực gia tăng chi phí giá thành sản phẩm làm sản phẩm xuất khẩu kém cạnh tranh trên thị trường thế giới chính là áp lực lớn nhất mà không ít doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang phải đối mặt. Với những sản phẩm ngày càng kém sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt so với các sản phẩm trong khu vực, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị mất đơn hàng, thu hẹp thị trường và sản xuất suy giảm trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng càng tạo thêm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Tính toán lại bài toán lợi nhuận dựa trên định mức thực tế

Khi đối mặt với một nền kinh tế đang biến động, tình hình sản xuất gặp khó khăn, đầu ra sản phẩm bế tắc trong lúc gánh nặng chi phí vẫn gây áp lực hằng ngày lên doanh nghiệp, hơn lúc nào hết, đây là cơ hội để các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp kiểm soát chi phí thích hợp, tìm cách chi tiêu hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, kiểm soát chi phí thích hợp không hoàn toàn đồng nghĩa với việc cắt giảm chi phí. Bởi cắt giảm chi phí thường được coi là biện pháp loại bỏ chi phí một cách đồng loạt, máy móc. Khi cắt giảm chi phí không thích hợp sẽ có tác động xấu đến hiệu quả công việc, đặc biệt các chi phí liên quan đến tiền lương của người lao động. Điều đó hoàn toàn không thích hợp với những doanh nghiệp đang cần sự chung vai, sát cánh của đội ngũ nhân viên trong giai đoạn khó khăn nguy hiểm hơn sẽ làm tỷ lệ chảy máu chất xám gia tăng.

Do vậy, kiểm soát chi phí thích hợp là việc làm có tổ chức, linh hoạt và được điều chỉnh thường xuyên để chi phí hoạt động của doanh nghiệp được giảm bớt mà không ảnh hưởng quá nhiều đến hiệu quả và cơ hội kinh doanh.

Lợi nhuận luôn là mục tiêu cuối cùng để các doanh nghiệp hướng tới, vì vậy, doanh nghiệp cần tăng doanh thu và giảm chi phí trong mỗi đơn vị hàng hóa bán ra. Theo nguyên tắc, thay vì các doanh nghiệp tăng giá thành sản phẩm để khắc phục hoàn cảnh khó khăn hiện nay, cần phải đẩy mạnh tiết kiệm chi phí trong đó chú trọng cải tiến về công nghệ sản xuất, thay đổi cách thức quản lý điều hành hợp lý và hiệu quả, tạo ra thế cạnh tranh về giá để mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm ra những phân khúc thị trường phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp. Một trong những biện pháp tiết kiệm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện là chủ động tìm các nguồn nguyên vật liệu trong nước thay thế nhằm giảm giá thành, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới.

Mặt khác, các nhà quản lý cũng cần kiểm soát chi phí một cách hợp lý bằng các biện pháp lập kế hoạch chi phí và lượng hóa chi phí để thực hiện. Để thực hiện, nhà quản lý doanh nghiệp cần xác định các khoản chi cần thiết và xây dựng định mức chi phí cho các chi phí này. Việc xây dựng định mức chi phí sẽ là một cơ sở để đánh giá hiệu quả kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần xây dựng ý thức tiết kiệm chi phí cho toàn thể đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Để việc tiết kiệm chi phí được thực hiện thành công, cần khuyến khích sự tham gia của toàn thể đội ngũ lãnh đạo và nhân viên, đồng thời có chế độ động viên hợp lý để mỗi thành viên hiểu và trân trọng phần đóng góp của cá nhân mình trong doanh nghiệp.

Việc kiểm soát chi phí là công việc không chỉ của người đứng đầu doanh nghiệp hoặc một bộ phận cụ thể nào mà là của tất cả các thành viên trong doanh nghiệp. Trong khi tăng trưởng doanh thu không mấy khả quan thì đẩy mạnh kiểm soát chi phí được coi là liệu pháp hiệu quả góp phần gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp. Trong điều kiện bức tranh kinh tế còn chưa sáng sủa, đây sẽ không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là giải pháp lâu dài cho mỗi doanh nghiệp.

Thành Trung