KTS Đào Ngọc Nghiêm:

Không đăng cai ASIAD 18: Những bài học từ SEA Games 22

06:55 | 19/04/2014

2,784 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quyết định không đăng cai tổ chức ASIAD 18 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Đây được xem là một quyết định dũng cảm nhằm tiết kiệm cho túi tiền của Nhà nước, tập trung ngân sách cho những vấn đề cần kíp hơn của quốc gia.

Quyết định này cũng nhận được sự ủng hộ của giới chuyên môn, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội) cho rằng: Việc sử dụng lãng phí các công trình từ SEA Games đã là một bài học lớn và chúng ta phải nhìn vào đó để không mắc lại sai lầm.

 

Toàn cảnh khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình với diện tích 247 ha được xây dựng dành cho SEA Games 22.

KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: Nhiều hạng mục đề ra trong đề án quy hoạch khu liên hiệp thể thao quốc gia (KLHTTQG) Mỹ Đình từ năm 2001 đến nay vẫn chưa hoàn tất như khu thể thao dưới nước chưa xây xong, sân Tennis dở dang, hoang vắng... Chính vì vậy, việc bây giờ nhà nước phải bỏ ngân sách để sửa chữa những công trình “dùng một lần rồi thôi” của KLHTTQG Mỹ Đình hoặc đầu tư thêm để dự kiến dùng cho ASIAD 18 thì cần tính toán.

Tại buổi làm việc với PV, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cẩn thận xem lại bản sơ đồ quy hoạch và xây dựng KLHTTQG Mỹ Đình của 13 năm trước.

“Trong các quy hoạch quốc gia bao gồm nhiều yếu tố, trong đó thể thao được xem xét như một quy hoạch có chiến lược phát triển. Bản thân tôi cũng bất ngờ trước việc SVĐ Mỹ Đình có dấu hiệu nứt toác, nhiều hạng mục xuống cấp. Trong khi đó, theo bản thiết kế quy hoạch KLHTTQG Mỹ Đình thì còn rất nhiều hạng mục chưa được triển khai. Rõ ràng vấn đề tổ chức ASIAD sẽ còn rất nhiều bài toán kinh tế đặt ra, nhưng chắc chắn việc nâng cấp, sửa chữa các hạng mục đã bị hư hỏng sau SEA Games thì phải dùng nguồn kinh phí khác chứ không thể “giật gấu vá vai” được”, TS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm.

Bàn về việc nhiều công trình, hạng mục ở SVĐ Mỹ Đình bị “biến dạng”, chuyển đổi mục đích kinh doanh, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm bức xúc: “Quản lý công trình không phải thích làm gì thì làm. Mọi cái đều phải hướng về tinh thần thể thao như ban đầu xây dựng. Thực tế, không phải người dân và người yêu thể thao không muốn tiếp cận các hoạt động ở đây bởi ban quản lý nâng giá cao ngất ngưởng nên chẳng ai dám vào. Để rồi sau một thời gian để không nên ban quản lý tận thu bằng cách khai thác kinh doanh”.

“Bài học ở đây là vấn đề cơ chế chính sách và quản lý. Chúng ta xây dựng xong những công trình nghìn tỉ mang tầm cỡ khu vực như vậy nhưng lại không dành kinh phí để bảo tu hàng năm khiến nhiều công trình, hạng mục rơi vào cảnh hư hỏng, bỏ hoang. Còn về mặt quản lý nếu như có cơ chế cho người dân tham gia các hạng mục thể thao không thu phí hoặc thu phí nhẹ thì giá trị của nó sẽ khác”, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm.

Lối vào khán đài SVĐ Mỹ Đình đã bắt đầu lộ ra nhiều vết nứt toác kéo dài.

 

Cũng theo lời Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, mặc dù KLHTTQG Mỹ Đình xin tự chủ về thu - chi nhưng không thể khai thác kinh doanh bừa bãi. Như việc cho thuê cơ sở làm rạp chiếu phim, massage là không phù hợp chút nào. Chính vì vậy cơ quan chủ quản là Bộ VH-TT&DL cần phải lắng nghe ý kiến của người dân. Sau đó phải thanh tra, giám sát xem các công trình ở KLHTTQG Mỹ Đình có bị ảnh hưởng xấu về chất lượng công trình và mỹ quan chung không.

Còn nhớ, năm 2012, Bộ VH-TT&DL đã rót 3 tỉ đồng, cộng với 2 tỉ đồng của KLHTTQG Mỹ Đình để thay mặt cỏ sân vận động. Ngoài ra, đường chạy tại đây bị nghiêng, lún đến hàng chục centimet. Theo lãnh đạo khu liên hợp, nếu chuẩn bị ASIAD 2019 sẽ phải tiêu tốn khoảng 7 triệu USD để nâng cấp Khu liên hợp Mỹ Đình.

Ngoài Khu liên hợp Mỹ Đình, các nhà thi đấu như Quần Ngựa, Gia Lâm, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, Sóc Sơn, Hai Bà Trưng, Từ Liêm... ở Hà Nội cũng phải được nâng cấp với chi phí dự kiến khoảng 568 tỉ đồng. Còn việc nâng cấp hệ thống nhà thi đấu phục vụ ASIAD 2019 tại các tỉnh thành Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, TP HCM... sẽ do địa phương tự lo là chính.

Bài học từ SEA Games 22 vẫn còn hiện hữu - đó cũng là lý do vì sao người dân cảm thấy vui mừng với quyết định dũng cảm mới đây của người đứng đầu Chính phủ.

Thảo Phượng