Khổ vì “hỗ trợ” tiền tết!

07:10 | 26/01/2016

2,590 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm hết tết đến, từ các doanh nghiệp lớn đến những người buôn bán nhỏ đang tất bật với chuyện làm ăn. Trong bối cảnh chung của nền kinh tế đầy khó khăn, thách thức, có doanh nghiệp vẫn còn chưa lo được khoản tiền thưởng tết cho công nhân, viên chức của mình. Ấy vậy mà họ lại thêm một nỗi khổ nữa vì các loại quan sở tại đến thăm hoặc gọi điện xin tiền hỗ trợ ăn tết.

 

Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân có điểm kinh doanh hay sản xuất nằm trên địa bàn xã phường hay quận huyện nào thì phải có “trách nhiệm đóng góp xây dựng” và tạo mối “quan hệ” với các quan chức nơi đó. Chẳng có thứ văn bản nào quy định nhưng từ lâu, nó đã đương nhiên trở thành tiền lệ.

kho vi ho tro tien tet

Mặc dù không phải quy định bắt buộc nhưng các doanh nghiệp hoặc người kinh doanh buôn bán nào không “tự giác” chấp hành cái “luật xã hội” ấy thì biết ngay. Hậu quả nhỡn tiền là họ sẽ bị các lực lượng chức năng “hành” cho lên bờ xuống ruộng, hết cả đường làm ăn.

Giám đốc chi nhánh của một công ty có trụ sở đóng trên địa bàn một huyện ngoại thành Hà Nội rên rẩm suốt mấy ngày nay vì phải tiếp khách và trả lời những cuộc điện thoại xin hỗ trợ kinh phí. Vị này cho biết, tuần trước có ông nhân viên quản lý thị trường đến trình bày vòng vo hồi lâu, hỏi thăm tình hình kinh doanh của chi nhánh rồi quay ra xin tiền cho anh em ở đội quản lý thị trường liên hoan cuối năm. Khi thấy vị giám đốc nói về khó khăn bởi doanh số kinh doanh năm nay quá thấp, chưa đạt chỉ tiêu trên giao, còn đang lo bị lãnh đạo công ty phạt và giữ lương thì ông quản lý thị trường hạ giọng xin mấy trăm để anh em đi uống bia!

Hết ông quản lý thị trường thì đến bà cán bộ thuế. Tiếp xong ngành thuế thì lại có mấy anh giao thông với lý do quanh năm bảo đảm đường thông, hè thoáng trước cửa doanh nghiệp. Rồi đến các anh công an khu vực có công bảo vệ trật tự an ninh cho các doanh nhân yên tâm làm ăn. Và còn vài chú thợ điện kiểm tra xem mạng lưới cáp điện có an toàn hay không. Chưa kể cán bộ ngành văn hóa thông tin đến nhắc nhở về tấm biển hiệu và cái pano quảng cáo sản phẩm chưa đúng quy cách…

Cứ nghĩ như thế là đã tiếp đầy  mọi thành phần có “quan hệ” nhưng thật bất ngờ, lại còn những cú điện thoại của ông tổ trưởng dân phố. Ông thông báo ngày giờ họp tổng kết tất niên của tổ dân phố và gửi giấymời lãnh đạo chi nhánh đến dự. Đặc biệt, ông nói thẳng là khi đến họp phải có tiền hỗ trợ cho tổ. Ông còn chỉ rõ là các doanh nghiệp dù nhỏ nhưng đứng trên địa bàn thì ít nhất cũng phải hỗ trợ dăm ba triệu trở lên. Chưa yên tâm, ông còn nhấn mạnh rằng, đây là việc làm thể hiện sự gắn bó mật thiết của doanh nghiệp với địa phương.

Một hiện tượng thường thấy là người làm kinh doanh ở bất kỳ đâu cũng phải quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại. Việc đóng góp xây dựng địa phương là nghĩa vụ và trách nhiệm mà tự thân các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều ý thức được. Tùy vào khả năng và tiềm lực sản xuất kinh doanh mà họ đóng góp. Song không phải dựa vào nghĩa vụ đóng góp xây dựng địa phương mà cán bộ các ban ngành có quyền hạch sách, vòi vĩnh trắng trợn được. Xuân thu nhị kỳ, hết nhân ngày nọ lại đến phong trào kia, hễ triển khai sự kiện gì thì địa phương lại đến gõ cửa doanh nghiệp. Ngoài những ngày tết còn những ngày kỷ niệm 30-4 thống nhất đất nước, Quốc khánh 2-9 rồi ngày thành lập ngành nọ, ngành kia đều có người đến xin tiền. Có những khoản đóng góp thiết thực như quỹ ủng hộ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, gia đình thương binh liệt sĩ, ngày thiếu nhi quốc tế. Nhưng cũng có những khoản đóng góp bất đắc dĩ của hội làng, tu bổ đình chùa, hội thi văn nghệ, thể dục thể thao của địa phương cũng phải có phần đóng góp. Đó là chưa kể những khoản phải đóng góp cho những chuyện giời ơi đất hỡi, chẳng mang ý nghĩa chính trị xã hội gì. Thôi thì cứ cắn răng mà chịu trận, không lại mất lòng quan sở tại.

Quan chức các ban ngành sở tại nên nhớ rằng, những người kinh doanh sản xuất phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được đồng tiền lợi nhuận chân chính để nuôi công nhân viên chức. Nếu phải đóng góp quá nhiều để thể hiện sự gắn bó thân mật trong quan hệ với địa phương thì cũng có nghĩa rằng, họ đã phải cùng nhau “bóp mồm bóp miệng” để “hỗ trợ”.

Mỗi con người đều phải sống và làm việc trên cương vị chức trách của mình. Không thể có chuyện người làm ra được nhiều tiền thì phải có trách nhiệm gánh vác, san sẻ cho người kiếm được ít tiền. Đối với cán bộ, viên chức nhà nước, dù cấp chức to hay nhỏ đều đã có lương bổng hoặc phụ cấp từ ngân sách nhà nước. Hưởng nguồn lương bổng ấy, cán bộ, công chức phải có trách nhiệm làm việc và chăm lo đời sống nhân dân trên mỗi cương vị của mình. Các hoạt động về chuyên môn hoặc những phong trào của địa phương đều có khoản kinh phí theo quy định của nhà nước. Hà cớ gì mà các vị cứ lấy cái vị thế quan chức của mình ra để gây áp lực lên những doanh nghiệp và người dân làm kinh doanh. Mấy năm nay, đã có một số công an quận, phường, xã bị kỷ luật vì ký công văn vòi tiền doanh nghiệp.

Đã có lần tôi được nghe một anh cán bộ cấp ban ngành ở một quận nói với vẻ tự hào rằng: “Tết nhất tôi chẳng phải lo gì cả, cứ việc đi nhậu vì địa bàn tôi quản lý có 120 doanh nghiệp lớn nhỏ. Hơn bù kém, cứ bình quân mỗi doanh nghiệp biếu tôi 1 triệu thôi, tôi đã có 120 triệu rồi”.

Lần khác, tôi gặp một giám đốc đang xây dựng nhà máy lắp ráp xe máy ở ven quốc lộ 5. Ông nói rằng lúc xin thuê đất thì cán bộ tỉnh bảo “trải thảm đỏ” đón doanh nghiệp. Thế mà hết gần năm trời, vẫn phải chạy chọt, “bồi dưỡng” cho hết sở nọ, ngành kia. Trước tết phải đi thăm và quà cáp chúc mừng hết lượt mà ra giêng vẫn chưa giải quyết hết vướng mắc. Lại phải đi gặp các lãnh đạo lần nữa với quà bồi dưỡng nặng tay hơn mới xong…”.

Có gần gũi và tìm hiểu các doanh nhân và nghe họ trần tình thì mới biết họ có những nỗi khổ như thế nào. Đánh vật trong cơ chế thị trường với bao thách thức khốc liệt mới mong có chút lợi nhuận. Lo trang trải thuế má và lương cho công nhân viên đã vô cùng căng thẳng; vậy mà còn phải lo “đóng góp” với “hỗ trợ” như đã nói ở trên thì quả là gánh nặng và áp lực ghê gớm. Nhìn họ bạc mặt vì công việc và những nỗi lo “đối ngoại” mới thấy cảm thông cho doanh nghiệp thời nay.

Thế mà, trái lại, các vị công chức sở tại lại coi dịp tết nhất là cơ hội làm ăn nhắm vào doanh nghiệp. Gây sức ép và “hành” doanh nghiệp trở thành thói quen của các vị. Mà các doanh nghiệp làm ăn lớn bị “hành” đã đành; các hộ buôn bán nhỏ, thậm chí người buôn thúng bán mẹt, bán hàng rong cũng bị hành. Hình ảnh quen thuộc của mấy ông quản lý chợ, mấy bác dân phòng đi dẹp đường và quán cóc cũng gây phản cảm trong lòng người dân. Ai chịu “bồi dưỡng” hàng tháng cho các bác dăm ba chục, một trăm thì không bị phạt và cho tồn tại. Còn ngược lại, các bác sẵn sàng đá tung gánh hàng của họ hoặc tịch thu hết lều chõng, bàn ghế cùng hàng hóa đưa về phường.

Có ai ngăn chặn được những hành vi ăn chặn của các vị quan sở tại ấy không nhỉ? Rất khó, bởi “phép vua thua lệ làng”. Các vị là quan sở tại rồi, to nhất ở địa phương rồi, ai mà ngăn chặn được. Chỉ còn trông chờ vào cái tâm của các vị thôi!

Tết này các vị lại thỏa sức hoành hành.

 

Đức Toàn

Năng lượng Mới 494