Khi quan chức đi tàu bay giá rẻ?

06:50 | 05/01/2014

2,791 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc một Bộ trưởng lần đầu tiên kêu gọi công chức thuộc quyền đi vé máy bay giá rẻ khiến dư luận rất quan tâm. Người ta coi như một thông tin gây sốc vì từ trước đến nay các quan chức, lãnh đạo đi công cán đã có văn phòng lo và ngân sách chịu.

Năng lượng Mới số 288

Nghe nói ở nước ngoài các chính khách, quan chức chính phủ đi công cán bằng hạng ghế thường là phổ biến. Người ta chỉ ngồi hạng thương gia khi bay bằng tiền túi. Được biết, chuyến đi của Thủ tướng Singapore cùng 11 quan chức sang Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh APEC chỉ tốn hơn 1.000USD (chưa tới 110USD mỗi người) tiền vé máy bay nhờ “săn” vé giá rẻ trước đó vài tháng.

Nhiều nhà lãnh đạo EU như Tổng thống Pháp Franois Hollande đi xe lửa dự Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ mà không dùng chuyên cơ. Ngay từ khi nhậm chức, ông đã yêu cầu các bộ trưởng đi công tác bằng xe lửa, đi vé máy bay hạng thường.

Thế nhưng ở ta thì khác. Nếu đi ôtô, tất theo nguyên tắc “cán bộ nhỏ đi xe to - cán bộ to đi xe nhỏ”. Còn nếu đi tàu bay, đã có quy định hạng ghế thương gia (Business class hoặc C class) chỉ dành cho Bộ trưởng và các chức danh tương đương trở lên; Thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 trở lên; Phó trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương; Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên. Hạng ghế thường dành cho các chức danh cán bộ, công chức còn lại.

Tuy nhiên, không ít trường hợp được “vận dụng linh hoạt”, chẳng hạn như công tác khẩn, hết vé loại thường… nên cán bộ thiếu “chuẩn” cũng ngồi ghế hạng Business oai như Bộ trưởng. Tất nhiên, họ thường nói không với máy bay giá rẻ. Hẳn vì vậy, việc một Bộ trưởng lần đầu tiên kêu gọi công chức thuộc quyền đi vé máy bay giá rẻ khiến dư luận rất quan tâm. Người ta coi như một thông tin gây sốc vì từ trước đến nay các quan chức, lãnh đạo đi công cán đã có văn phòng lo và ngân sách chịu. Nhất nhất chế độ đã được Bộ Tài chính quy định chi tiết, muốn tăng không dễ và tội gì mà giảm. Lại có người ngờ rằng, ông này “chém gió”, “phát” mà không “động”…

Tuy nhiên, trong chuyện tàu bay giá rẻ, ông nói được và làm được. Chánh văn phòng Bộ này thông báo, sau hơn hai tháng, nhờ lời gương mẫu đi tàu bay giá rẻ của Bộ trưởng mà văn phòng đã tiết kiệm được hơn 500 triệu đồng. Người ta còn công bố cụ thể như sau:           

Đầu tiên là chuyến công cán của Bộ trưởng vào Đà Nẵng hồi cuối tháng 10/2013, ông bay giá rẻ với VietjetAir. Sang trung tuần tháng 11, một lần nữa ông đi tàu bay Jetstar Pacific từ Hà Nội vào Đà Nẵng.

Cả hai lần ông đều ra sân bay trước, tự mình làm thủ tục và chờ đến giờ bay như bao hành khách thông thường.

Sau đợt ấy, từ tháng 10/2013 tới nay, không có lãnh đạo nào ở Bộ này đi công tác bằng vé máy bay hạng thương gia theo tiêu chuẩn. Các cán bộ cấp thấp hơn cũng tận dụng tối đa tàu bay giá rẻ.

Bỗng dưng có khách “VIP”, các hãng tàu bay giá rẻ đã tạo điều kiện tối đa để chiều khách và nâng hình ảnh của mình. Họ làm hợp đồng để văn phòng Bộ trực tiếp đăng nhập, đặt chỗ, xuất vé khi có nhu cầu. Ngoài ra, các hãng bay còn chấp nhận tín chấp thanh toán sau; miễn phí thay đổi tên người đi, ngày bay, chặng bay; miễn phí dịch vụ xuất vé; ưu tiên làm thủ tục trước... Với chính sách trên, số tiền tiết kiệm được là rất rõ ràng.

Nửa tỉ đồng chỉ là số tiền nhỏ đối với văn phòng một Bộ. Làm phép tính lớp 4 thì số tiền tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm - cũng là tiền đóng thuế của dân có thể lên tới 2 tỉ đồng. Như vậy, với con số mấy chục Bộ và cơ quan ngang Bộ, nếu trung bình mỗi đơn vị tiết kiệm được 2 tỉ đồng/năm thì mỗi năm, ngân sách để dành ra được hơn 50 tỉ đồng. Đấy là còn chưa kể đến các tổ chức khác như: tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương, các tỉnh thành... không chỉ đi trong nước mà còn đi nước ngoài thì thì ngân sách còn tiết kiệm tới cả trăm tỉ đồng - số tiền không hề nhỏ trong thời buổi khó khăn.

Theo một chuyên gia hàng không, chi phí 1 ghế/km hạng phổ thông dịch vụ hàng không giá rẻ thấp hơn hạng phổ thông hàng không truyền thống trên dưới 30%, thấp hơn hạng thương gia hàng không truyền thống trên dưới 70%. Quy ra thóc, số tiền không hề nhỏ nếu các quan chức đồng lòng dùng máy bay giá rẻ.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay, năm nay vẫn có hơn 3.200 đoàn xuất ngoại. Tính ra mỗi ngày có trên 8 đoàn đi công tác nước ngoài. Tiền vé máy bay, nếu là hạng thương gia thì sẽ ngốn của ngân sách bao nhiêu nữa?

Như vậy, nếu thêm các quan chức, lãnh đạo khác cùng chịu khó ngồi ghế hạng thường, đi máy bay giá rẻ trong khi công việc vẫn đảm bảo - như vị Bộ trưởng nói là làm này thì mỗi năm, chúng ta sẽ có thêm hàng trăm tỉ. Có người còn tính toán rằng, nếu cả một Bộ bay giá rẻ sẽ có tiền làm cầu qua sông, qua suối, cho người nghèo có cái tết no lòng. Cả nước bay giá rẻ sẽ có thêm nhiều trường mầm non, nhà trẻ cho các cháu dưới 30 tháng tuổi.

Giá rẻ có lợi ích tiết kiệm rõ ràng. Tuy nhiên, 3 tháng rồi vẫn chưa có Bộ, ngành nào hưởng ứng thì nghèo mà xài sang, lãng phí vẫn y nguyên. Mong sao có thêm Bộ, ngành khác đồng lòng đồng thuận.

Bảo Dân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc