Khi ngân hàng làm từ thiện

10:58 | 17/08/2011

1,851 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều năm trở lại đây việc các ngân hàng tham gia hoạt động cộng đồng thông qua các chương trình từ thiện đã trở nên khá phổ biến. Không riêng gì các ngân hàng lớn sẵn sàng chi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm cho hoạt động cộng đồng, các ngân hàng trong nhóm thương mại cổ phần (TMCP) cũng vào cuộc một cách tự nguyện.

Ông Nguyễn Xuân Sơn – PTGĐ PetroVietnam, nguyên TGĐ OceanBank trao tặng quà cho đồng bào vùng lũ Hà Tĩnh tháng 10/2010.

Chung tay cùng với cộng đồng

Cận kề Ngày Thương binh – Liệt sĩ năm nay, chương trình truyền hình trực tiếp “Màu hoa đỏ” do Báo Điện tử Đảng Cộng sản phối hợp và Đài Truyền hình Việt Nam cùng nhiều đơn vị khác tổ chức đã thu hút được khá nhiều các ca sĩ tên tuổi và cả những doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng tham gia. Hàng trăm sổ tiết kiệm từ phía các ngân hàng: VPBank, AgriBank, EximBank, OceanBank, LienVietPostBank đã trao tặng cho các thân nhân gia đình liệt sĩ, thương – bệnh binh, mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng… Đây là năm thứ 4 “Màu hoa đỏ” được tổ chức và đồng hành với chương trình “Uống nước nhớ nguồn” này không thể không nhắc tới các ngân hàng.

Có thể nói, trong rất nhiều các sự kiện được tổ chức để gây quỹ từ thiện đều có sự góp mặt của ngân hàng. Không chỉ tham gia các chương trình từ thiện do Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, các báo đài tổ chức… hầu hết các ngân hàng còn chủ động triển khai xây dựng các chương trình từ thiện như tài trợ xây trường học, trạm y tế, cầu đường, hệ thống nước sinh hoạt… cho các xã nghèo, trao quà cho học sinh nghèo, nạn nhân chất độc da cam, đồng bào lũ lụt; trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó… Chỉ riêng VietinBank năm 2010 chi cho công tác từ thiện xã hội gần 325 tỉ đồng, năm 2011 đã và đang triển khai thực hiện công tác an sinh xã hội và đền ơn đáp nghĩa với tổng số tiền dự tính trên 700 tỉ đồng. Còn BIDV trong 5 năm từ năm 2006 đến 2010 đã thực hiện các chương trình An sinh xã hội với tổng giá trị thực hiện lên đến 544 tỉ đồng… Các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn như OceanBank từ năm 2010 đến nay đã dành tới gần 15 tỉ đồng cho hoạt động từ thiện, VPBank từ đầu năm đến nay cũng đã dành gần 3 tỉ đồng để tặng quà cho các trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi, các gia đình thương binh, liệt sĩ…

Trao đổi về vấn đề này Bà Nguyễn Minh Thu – Tổng giám đốc OceanBank chia sẻ: “Hoạt động từ thiện rất cần sự chung tay của cộng đồng trong đó doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Với OceanBank, chúng tôi luôn gắn sự phát triển của ngân hàng với lợi ích chung của toàn xã hội. Thông qua hoạt động từ thiện OceanBank thể hiện trách nhiệm với cộng đồng cũng như thể hiện bản sắc văn hóa của mình”.

Mỗi ngân hàng một cách làm

Nếu nhìn lại các chương trình từ thiện mà các ngân hàng đã và đang triển khai có thể thấy rõ sự phong phú, đa dạng trong hoạt động này. Chỉ tính riêng thời gian từ đầu năm đến nay cũng đã rõ những sắc thái ấy. Không chỉ các “đại gia” VietinBank, AgriBank, BIDV, VietcomBank sẵn sàng chi nhiều tỉ đồng cho những công trình mang tính chất an sinh xã hội, các hoạt động cộng đồng như xây nhà tình nghĩa, trường học ở khắp cả nước, các ngân hàng “trẻ” hơn cũng đã rất tích cực trong các hoạt động từ thiện. Năm 2010-2011, Western Bank tài trợ cùng chương trình “Vượt lên chính mình” của kỳ phát sóng năm thứ 5. Đầu tháng 6/2011, EximBank đã ủng hộ 1 tỉ đồng cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do Báo Tuổi Trẻ phát động. Tận mắt chứng kiến những mảnh đời kém may mắn, NamABank khởi động chương trình vì cộng đồng “Nhớ cội nguồn – Hướng tương lai” xuyên suốt trong năm 2011 để cùng cảm thông, quan tâm và chia sẻ. Những đợt khám chữa bệnh miễn phí (mổ đục thủy tinh thể, mổ hở hàm ếch, mổ tim bẩm sinh…), tặng quà cho các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các cụ già neo đơn và trẻ em nghèo, hiếu học trên toàn quốc được NamABank phát động và thực hiện.

Với nhiều hình thức: Trích quỹ phúc lợi của ngân hàng, vận động cán bộ nhân viên trong ngân hàng đóng góp vào quỹ từ thiện bằng cách ủng hộ ngày lương, đặt thùng quyên góp từ thiện tại các phòng giao dịch… các ngân hàng đã trở thành những “địa chỉ đỏ” trong các hoạt động từ thiện. Gần đây nhất (từ ngày 5/8/2011), Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam bắt đầu thực hiện chương trình “Cam kết dịch vụ 8 phút” trong đó áp dụng cơ chế mới “Nếu để khách hàng chờ giao dịch quá 8 phút, ngân hàng sẽ tự trích 20.000 đồng theo mỗi trường hợp để nộp vào quỹ từ thiện”. Quỹ từ thiện này dành cho chương trình “Sống chung với HIV/AIDS” và “Ánh sáng là niềm tin” – chương trình toàn cầu của Standard Chartered nhằm xóa bỏ bệnh mù lòa có thể phòng tránh được cho trẻ em.

Cũng từ đầu tháng 8, OceanBank khởi động chương trình từ thiện “Nguồn sáng”. Đây là một chương trình phẫu thuật nhân đạo dự kiến thực hiện trong vòng 2 năm nhằm hỗ trợ người nghèo có cơ hội được điều trị và phẫu thuật miễn phí các bệnh về mắt có khả năng gây mù, góp phần giảm bớt tỉ lệ mù lòa, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Lý giải về việc thực hiện chương trình này, bà Nguyễn Minh Thu, Tổng giám đốc OceanBank chia sẻ: “Chúng tôi làm việc thiện đồng thời tạo điều kiện để những người khác cùng chung tay làm việc thiện. Khách hàng của chúng tôi – một cộng đồng rất lớn trong xã hội sẽ đồng hành cùng chương trình và là người tham gia trực tiếp vào chương trình. Như vậy, tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa sẽ lớn hơn”.

Một người dân ở phường Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đang tích lũy một khoản tiền cho con bằng cách gửi tiết kiệm. Không chỉ đơn giản gửi tiết kiệm để gia tăng giá trị tiền gửi cho con, mình còn góp phần giúp đỡ người khiếm thị có cơ hội sáng mắt trở lại… Như triết lý nhân quả trong Phật giáo, điều Phúc ấy sẽ nối dài từ mình sang con, lan tỏa tới những người xung quanh và điều ấy tạo nên cộng đồng nhân văn”.

OceanBank cũng khuyến khích người dân nghèo bị mắc các bệnh về mắt chủ động tìm kiếm cơ hội chữa trị miễn phí trong khuôn khổ của chương trình bằng cách đăng ký tại các chi nhánh, phòng giao dịch của OceanBank trên toàn quốc.

Lời kết

Có người cho rằng, những chiến dịch PR, trong đó có từ thiện, hoạt động xã hội… là “nước sơn” đánh bóng cái vỏ thương hiệu, chứ nó không làm doanh nghiệp trưởng thành. Điều đó quả thật không sai bởi xây dựng thương hiệu bằng chính chất lượng sản phẩm mới là yếu tố “cần” đối với mỗi ngân hàng. Tuy nhiên, những hoạt động cộng đồng, từ thiện lại là yếu tố “đủ” để mỗi ngân hàng khẳng định thương hiệu. Kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp, đó là phương châm mà nhiều ngân hàng đã đưa vào chương trình hành động của mình. Thực tế cho thấy những chương trình từ thiện do các ngân hàng thực hiện có ý nghĩa thiết thực trong cộng đồng nhằm xoa dịu những nỗi đau, sự mất mát và cả những khó khăn đang trĩu nặng trong mỗi cảnh đời mỗi vùng quê gian khó…

Đặng Thủy