Khát vọng Biển Đông

10:00 | 07/06/2014

2,388 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ trong 7 ngày, từ khi trao đổi ý tưởng thực hiện đến khi hoàn thành ghi hình các buổi nhảy flashmob bài hát “Khát vọng Biển Đông”, ê-kíp thực hiện đã có được những kết quả bất ngờ. Hoạt động này xuất phát từ một nhóm nhỏ, đã được hưởng ứng sôi nổi, bằng tình yêu biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Năng lượng Mới số 328

Sôi động lan tỏa

Những ngày qua, đông đảo công chúng trên mạng hào hứng truy cập những clip “Khát vọng Biển Đông” được ghi hình tại nhiều địa điểm khác nhau ở Hà Nội: Sân tượng đài Lý Thái Tổ, Hồ Gươm, Nhà hát Lớn Hà Nội, sân bóng, sân Trường cao đẳng THPT Thường Tín… Qua các clip, cư dân mạng được thấy đông đảo các bạn trẻ là sinh viên, học sinh, không ít các cô chú trung niên và các bác cao niên nét mặt rạng rỡ, tươi cười, thể hiện các động tác khỏe khoắn trên nền bài hát đang vang lên cuồng nhiệt, trong màu áo phông đỏ rực với ngôi sao vàng.

Chương trình được một nhóm các nhà báo, đạo diễn truyền hình, nhạc sĩ, giảng viên, huấn luyện viên thể dục… tất cả đều trẻ, triển khai từ điểm khởi đầu là bài hát “Khát vọng Biển Đông” của nhạc sĩ trẻ Dương Trọng Nghĩa với bút danh Nhị Độ. Nghĩa từng tốt nghiệp ngành báo chí, tự học nhạc và những năm qua hầu như chỉ tập trung cho say mê sáng tác với nhiều ca khúc được bạn bè yêu thích. Hưởng ứng phong trào sáng tác về biển đảo Việt Nam, anh viết bài “Khát vọng Biển Đông” với giai điệu mạnh mẽ, lời ca thôi thúc, tự hào: “Nghe âm vang từ trong lòng biển sâu, những khát vọng ngàn đời. Bao anh linh hùng anh đang thức dậy tay trong tay… Ta đi trên biển vàng ầm vang con sóng lớn. Nối hơi ấm từ đất liền ra đảo xa… Cùng nhau ra khơi đi về phía mặt trời, Biển Đông đang vẫy gọi từ ngàn năm…”. Tác giả chia sẻ về bài hát: Khi hình dung ra ý tứ của bài hát này, tôi muốn tạo nên giai điệu sôi nổi và cách thể hiện, trình diễn cũng phải rất trẻ trung, có thể đơn ca theo phong cách rock, cuồng nhiệt, cũng có thể tổ chức thành những tốp ca, hợp ca đông người, càng tạo độ dày, bề thế và vang xa của lời hát.

Tối ngày 9-5, bản thu âm của bài hát được đưa ra trong nhóm bạn bè, ngay lập tức ý tưởng mới được nhen nhóm. Phó giám đốc Trung tâm Nghiệp vụ báo chí truyền thông - Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội Nguyễn Cao Cường nói: “Tôi nghe và thấy giai điệu, ca từ cực kỳ ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang đồng lòng vì Biển Đông như hiện nay. Tôi nghĩ tại sao không dùng bài hát này để tổ chức một điệu nhảy tập thể”... Vậy là sau khi bàn bạc, ngay sáng hôm sau, nhóm bạn có mặt lúc 6 giờ ở sân Tượng đài Lý Thái Tổ và một số địa điểm khác, bản nhạc được bật lên trong buổi đầu ngày, mọi người đang tập thể dục, đã gây chú ý với một số bạn trẻ. “Chúng tôi tạo được nhóm nhảy nòng cốt và bắt đầu ghi hình” - anh Cường nói: “Hiệu ứng từ sự xuất hiện ở nơi công cộng, sau đó clip được đưa lên mạng, đã tạo được sự thu hút cộng đồng và ngày càng đông người tham gia”.

Mỗi sáng và chiều trong liền một tuần, nhóm thực hiện lại quay thêm được những clip mới với các thành phần đa dạng về lứa tuổi, công việc. Có nhóm là sinh viên, có nhóm là công nhân, hay những người hưu trí… Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan, người đẹp Hà Giang Lưu Thị Hòa và Á hậu các dân tộc Việt Nam Lò Thị Minh cũng hăng hái tham gia cùng các nhóm nhảy múa. Điểm chung rất ấn tượng với những người thực hiện chương trình là sự hào hứng của cả một cộng đồng tham gia. Tất cả nhanh chóng hòa mình vào bài hát, vào điệu nhảy chung. Một số đoạn nhảy mẫu cũng được đưa lên mạng để nhiều bạn trẻ có thể tập trước khi đến ghi hình.

Bài hát “Khát vọng Biển Đông” được nhiều người hưởng ứng và thể hiện

Tiếp nối dòng máu nóng

“Tôi tập bài này được 3 ngày rồi!” - cô Trần Thị Bích Ngà, 31 ngõ 2 phố Cầu Đất cho biết trong buổi ghi hình vào sáng 17-5 trước Tượng đài Lý Thái Tổ: “Hôm nay nhiều người cùng tập, đông người như thế rất là đẹp! Mình là người Việt Nam, cái gì cũng cần đồng lòng. Phải yêu nước và chung lòng giữ chủ quyền!”. Cô Cao Ánh Tuyết ở số 510, B3 Trung Tự, được người em là Cao Thị Thu Mai rủ đến tập và ghi hình. Hai chị em đều chìm đắm trong không khí sôi nổi, tự hào khi cùng nhảy với mọi người. Khi “nhập” vào bài hát, trong người thấy rạng rỡ hẳn lên, thấy càng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, muốn tất cả cùng hòa mình làm điều gì đó cho Biển Đông. Cô Mai kể: “Chúng tôi thường xuyên tập yoga cười, rồi các bạn trẻ mời chúng tôi và lớp múa dân gian tham gia, tập được những tám buổi rồi nhưng khi hết giờ thể dục buổi sáng có khi vẫn ở lại tập tiếp vì nghe bài hát thì chỉ muốn… nhún nhảy”.

Nhiều người vốn không quen biết, nhưng khi đứng vào một đội hình lớn đều cảm thấy gần gũi, quý mến nhau và hy vọng bài hát, bài nhảy này sẽ được phổ biến rộng hơn, duy trì lâu dài để mọi người được tập hợp, được nhảy, vừa vui, vừa thể hiện tình yêu với Tổ quốc. Tham gia được 4 ngày, anh Nguyễn Ngọc Thọ ở 24 Nguyễn Quang Bích, Hoàn Kiếm nói: “Bọn anh hay đánh cầu lông và khiêu vũ, nhảy bài “Khát vọng Biển Đông” cùng các nhóm khác, mọi người rất ăn ý, với những động tác giàu cảm xúc, thể hiện tình yêu và mang ý chí bảo vệ Tổ quốc. Rất nên tiếp tục chương trình để khơi dậy niềm tự hào dân tộc”.

Tìm hiểu qua mạng và cùng các bạn đăng ký tham gia chương trình, bạn Tô Thị Hà Lin, sinh viên Khoa Đào tạo liên kết - Trường ĐH Xây dựng chỉ kịp đến được buổi tập và ghi hình cuối nhưng đã nhanh chóng thuộc bài hát. Lin nói: “Tập ở đây rất vui nhộn, sôi động, hợp với tinh thần mọi người. Hoạt động này nên diễn ra nhiều hơn nữa chứ không chỉ một vài hôm”. Còn bạn Vũ Đức Linh thì đã cùng nhóm của mình tự tập theo clip hướng dẫn trên mạng. Linh cho rằng, tập bài này khá đơn giản, có một số bác lớn tuổi nên ban đầu hơi lúng túng, nhưng vào nhạc thì nhảy dễ dàng hơn. “Bài hát dễ hiểu, dễ đi sâu vào lòng người, khí thế hừng hực, rất hứng khởi! Em nghĩ các hoạt động xã hội này nên tiếp tục và phổ biến ở các tỉnh thành khác”, Linh nói.

Những nguyện vọng chân thành ấy cũng phù hợp với mong muốn của nhóm thực hiện chương trình “Khát vọng Biển Đông”. Tổng hợp các đoạn đã ghi hình để dựng một clip bao quát được tất cả các thành phần tham gia với nhiều địa điểm, vị trí, nhiều góc quay đẹp, các tác giả đưa lên mạng chào mừng ngày sinh nhật Bác Hồ 19-5, để khắp nơi đều được thưởng thức và suy ngẫm nhiều hơn. Tiếp đó, anh Cường cho biết: Chúng tôi sẽ kêu gọi mọi người cùng tham gia cuộc thi nhảy với chủ đề hướng về Biển Đông. Chúng tôi mong sẽ đẩy mạnh hơn nữa chương trình này ở các trường học, cho đến các doanh nghiệp, tổ dân phố… Đã có các bài mẫu trên mạng rồi, các nơi đều có thể tự mình tập luyện. Còn nhà báo Trần Nhật Minh, một thành viên trong nhóm thực hiện, liên tục hướng dẫn, điều phối các đội trong những buổi tập và ghi hình thì đặt ra kỳ vọng, sắp tới, nhóm sẽ đề nghị gặp và làm việc với Thành Đoàn Hà Nội, nếu có thể đưa được bài hát và nhảy “Khát vọng Biển Đông” vào chương trình sinh hoạt hè của thanh thiếu niên như một tiết mục văn nghệ tập thể thì ý nghĩa, hiệu quả của nó sẽ càng lan tỏa.

Tích cực thực hiện để nhiều người cùng có cơ hội nhảy múa, cùng hòa mình trên nền một bài hát đầy khí thế, nhóm thực hiện chương trình mong góp phần khơi dậy cảm giác tự hào, sức mạnh đoàn kết trong lòng công chúng. Quan trọng nữa, nhóm kỳ vọng, khi tập bài hát như vậy, mỗi người sẽ thực sự ý thức về hành vi yêu nước và cách thể hiện trách nhiệm của mình một cách hăng hái và đúng đắn.

Xuyên Sơn