Khánh Hòa: Tăng tốc để cất cánh

03:10 | 15/05/2022

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Ngay trong những ngày đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã có chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Khánh Hoà, trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc tại những dự án trọng điểm. Đó là nỗ lực đáng kể từ người đứng đầu Chính phủ để hiện thực hoá tầm nhìn phát triển Khánh Hoà được đề cập trong Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, ban hành ngày 28/01/2022.
Du lịch Khánh Hòa gặp gỡ du lịch ba miềnDu lịch Khánh Hòa gặp gỡ du lịch ba miền
Khánh Hòa: Trắng đêm ở Hòn MunKhánh Hòa: Trắng đêm ở Hòn Mun
Khánh Hòa: Tăng tốc để cất cánh
Nha Trang văn minh - hiện đại. Ảnh: Hà Bình.

Chủ trương của Đảng đã rõ ràng, sự quan tâm vào cuộc của Chính phủ cũng rất thiết thực, sâu sát - thể hiện sự quan tâm cũng như kỳ vọng rất lớn dành cho Khánh Hoà. Đây là lúc bản thân Khánh Hoà cần có những nỗ lực mạnh mẽ, táo bạo hơn để thực sự cất cánh. Những nỗ lực đó cần phải đảm bảo ba tiêu chí: đồng bộ, hài hoà và có bản sắc.

Đồng bộ trong quy hoạch phát triển các vùng kinh tế

Khánh Hoà sở hữu tới ba vùng động lực kinh tế quốc gia: vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang và vịnh Cam Ranh với nhiều triển vọng vẫn đang bị bỏ ngỏ. Nếu như Nha Trang nổi tiếng với ưu thế về du lịch, văn hoá, hạ tầng thì vịnh Cam Ranh được biết đến là trung tâm kinh tế, dịch vụ cảng biển sôi động, đồng thời giữ vị thế quan trọng trong chiến lược quốc gia về an ninh, quốc phòng trên biển.

Khánh Hòa: Tăng tốc để cất cánh
Một góc Vịnh Vân Phong - Khánh Hòa.

Vịnh Vân Phong tuy là vùng kinh tế trẻ nhất nhưng sở hữu sức bật lớn hơn cả về khả năng phát triển dịch vụ cảng biển, logistics, thương mại và công nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, sự phát triển của ba vùng kinh tế này vẫn chưa xứng đáng với tiềm năng, đòi hỏi một chiến lược phát triển vừa khai thác được thế mạnh của từng vùng vừa có sự phối hợp, liên kết với nhau tạo thành chuỗi giá trị tổng hợp. Ngay trong Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, việc phát triển đồng bộ các vùng kinh tế cũng được nhấn mạnh theo hướng: (1) Phát triển đột phá 3 vùng trọng điểm là Khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh. (2) Phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng, có vai trò hỗ trợ các vùng trọng điểm.

Khánh Hòa: Tăng tốc để cất cánh
Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh.

Nhìn trên bản đồ các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, Khánh Hoà là điểm tiếp nối giữa Bình Định, Phú Yên với Ninh Thuận, Bình Thuận cũng là cửa ngõ hướng ra biển, là đầu cầu phía Đông trong hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền hai khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Việc quy hoạch phát triển Khánh Hoà cũng không thể tách rời vai trò đầu mối liên kết kinh tế vùng, đầu mối lưu thông hàng hoá nội địa cũng như quốc tế. Muốn như vậy, quy hoạch cần đảm bảo ba tiêu chí:

Thứ nhất, đảm bảo tính toàn vẹn của không gian biển và ven biển, có tính đến tổng thể quy hoạch không gian biển quốc gia và khu vực Nam Trung Bộ

Thứ hai, nhất quán trong các quy hoạch vùng, thành phố trực thuộc tỉnh, tránh sự xung đột, chồng chéo giữa các quy hoạch

Thứ ba, phải có tầm nhìn dài hạn, có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn bản sắc của Khánh Hoà trong quá tình liên kết quốc tế.

Ngay trong những chỉ đạo gần đây, Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới vấn đề quy hoạch. Ngay trong những ngày cuối năm 2021, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 2146/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP.Nha Trang (Khánh Hòa) đến năm 2025. Theo đó, có 3 khu vực của TP.Nha Trang được điều chỉnh cục bộ, gồm: cảng Nha Trang và vùng phụ cận (tại P.Vĩnh Nguyên và P.Vĩnh Trường); đảo Hòn Tre - Hòn Một (P.Vĩnh Nguyên); khu vực Hòn Thị (xã Phước Đồng). Trong dịp năm mới 2022, Thủ tướng cũng đã có chuyến thăm, cập nhật tiến độ các công trình giao thông đường bộ của tỉnh Khánh Hoà, tập trung “gỡ khó” cho các nhà đầu tư, các chủ thầu xây dựng để hoàn thành kịp, vượt tiến độ.

Khánh Hòa: Tăng tốc để cất cánh
Nha Trang bên bờ biển xanh biếc.

Trong thời gian tới, việc quy hoạch tuyến đường sắt đô thị chắc chắn cũng sẽ trở thành chủ đề được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sâu sát bởi đây là dự án có tầm ảnh hưởng lớn tới bộ mặt đô thị và liên kết kinh tế vùng. Trong đó, định hướng quy hoạch sẽ cần đảm bảo 3 yếu tố toàn vẹn, nhất quán và có tầm nhìn dài hạn. Phương án quy hoạch cần tập trung phát triển là phương án thiết kế tuyến đường sắt từ sân bay Cam Ranh kết nối vào đường Võ Nguyên Giáp theo đường tỉnh lộ 3, từ đó hướng về nội đô thành phố Nha Trang. Tuyến đường này đi qua Cầu Long Hồ, chân núi Chín Khúc sẽ tạo nên một trục giao thông xuyên suốt giữa hai vùng kinh tế Cam Ranh và Nha Trang. Khi đó, tuyến đường sắt đô thị của Khánh Hoà có năng lực kết nối, tạo điều kiện di chuyển thuận lợi cho người và hàng hoá nhưng không làm phá vỡ tính toàn vẹn của đường biển, của cảnh quan và tổng thể quy hoạch chung của Khánh Hoà.

Hài hoà trong hội nhập với thế giới

Thời gian vừa qua, Khánh Hoà đã có những chủ trương, chỉ đạo quyết liệt trong nỗ lực hội nhập với thế giới với tư thế chủ động, dám dẫn đầu. Khánh Hoà đã tổ chức thành công Phiên thảo luận trực tuyến “Xây dựng Nha Trang - Khánh Hòa trở thành Trung tâm Sáng tạo trong Kỷ nguyên Khai sáng Toàn cầu” phối hợp cùng Diễn đàn toàn cầu Boston cùng Liên minh Lãnh đạo Thế giới vào ngày 9/12/2021. Đây là điểm khởi đầu của chiến lược dài dạn, đưa Nha Trang (Khánh Hoà) trở thành một trung tâm mới trong mạng lưới thành phố Xã hội Trí tuệ Nhân tạo (AIWS City), kết nối gắn bó với Boston (Mỹ) - trung tâm trí tuệ, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục và sáng tạo của thế giới.

Khánh Hòa: Tăng tốc để cất cánh
Khánh Hòa được mệnh danh là mảnh đất mà Người và Thần cùng hòa hợp, nơi giao hòa của núi non và biển cả.

Các thành phố lớn khác cũng nằm trong chuỗi liên kết này gồm có: Tokyo (Nhật Bản), Dubrovnik (Croatia), Stockholms (Thụy Điển), v.v… Tất cả sẽ trở thành những trung tâm mới trong xã hội tương lai được định hình với tên gọi Xã hội trí tuệ nhân tạo (AIWS). Đây là sáng kiến được đánh giá là mang tính chiến lược ở tầm thế kỷ, quy tụ các nghiên cứu của những nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng, nhà khoa học lớn cho Sáng kiến Liên hợp quốc 100 năm, nhận được sự ủng hộ của chính phủ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Khi được triển khai tại Việt Nam, sáng kiến này sẽ mở ra những điều kiện thuận lợi nhất để người dân Việt Nam được tiếp thu tinh hoa thế giới, được khuyến khích sáng tạo và tạo ra những giá trị mới phù hợp với đòi hỏi của đất nước.

Trong quá trình hội nhập với thế giới, Khánh Hòa cũng cần chú trọng khai thác, mở ra các cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư tiềm năng trên thế giới, nhằm thu hút chất xám, tài chính, nhân lực cho mục tiêu phát triển của mình. Mục tiêu này không chỉ mang tính kinh tế mà còn kết hợp cả mục tiêu bảo tồn tài nguyên biển và đảm bảo an ninh quốc gia trên biển.

Muốn như vậy, tầm nhìn, chiến lược biển của Khánh Hoà cần chú trọng việc mở rộng quy hoạch không gian kinh tế biển ra xa bờ. Cụ thể, cần tính đến khả năng quy hoạch, tạo nên những thành phố trên biển, những du thuyền hạng sang xứng tầm với không gian biển kỳ vĩ của Khánh Hoà. Ở đó, phương án quản lý và vận hành nghiêm ngặt sẽ đảm bảo sinh hoạt của con người không gây tác động tiêu cực đến môi trường biển. Để được quyền sống và hưởng thụ dịch vụ thượng hạng tại các thành phố và du thuyền này, công dân và du khách không chỉ phải trả một khoản phí xứng đáng mà còn phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về nhận thức, cách ứng xử với môi trường tự nhiên. Hướng đi này không chỉ đem lại giá trị lớn trên thực tế mà còn dễ quản lý hơn nhiều so với phát triển du lịch nhỏ lẻ, tràn lan, tự phát ở gần bờ.

Trong thời gian tới, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là của khu vực kinh tế tư nhân.

Khẳng định bản sắc khi bước ra với thế giới

Bản sắc của Khánh Hoà chứa những giá trị nội tại đã được khẳng định qua chiều dài của lịch sử, sẽ tạo thành sự khác biệt và động lực đáng kể cho phát triển khi hội nhập với thế giới. Người Pháp đã nhận ra điều này ngay từ khi đặt chân tới Khánh Hoà và quyết định xây dựng Viện Hải Dương học tại thành phố Nha Trang từ năm 1922. Cho đến nay, nơi đây vẫn sở hữu cơ sở lưu trữ hiện vật và nghiên cứu về biển lớn nhất Đông Nam Á. Trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển - đã trở thành địa chỉ uy tín cho các hoạt động nghiên cứu có tầm cỡ về môi trường biển và sinh vật biển của quốc gia cũng như khu vực. Ngoài ra, Viện Pasteur – cơ sở nghiên cứu và thí nghiệm các căn bệnh nhiệt đới cùng các dược phẩm – cũng được đặt tại thành phố Nha Trang từ năm 1895. Cho đến nay, Viện Pasteur Nha Trang giữ vai trò tổ chức triển khai các hoạt động và chương trình, dự án thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Đó là những minh chứng lịch sử, thực tiễn đầy thuyết phục về nhưng lợi thế mà chỉ riêng Khánh Hoà mới có, rất phù hợp để phát triển trở thành thành phố trung tâm kết nối các khu vực trọng điểm của Việt Nam, cũng như kết nối Việt Nam với thế giới.

Về sản vật, Khánh Hoà tự hào là quê hương của hai sản vật quý – đó là loại Trầm Hương tốt nhất thế giới và yến sào. Trầm Hương và yến sào có ở nhiều nơi nhưng chỉ có ở Khánh Hoà – nơi hội tụ những tinh hoa về khí hậu, thổ nhưỡng, chất lượng môi trường – mới có thể cho ra đời loại Trầm Hương và yến sào có chất lượng tốt nhất. Thiên nhiên hun đúc vào những sản vật này rất nhiều chất vi lượng đặc biệt, có tác dụng cung cấp các chất hữu cơ có lợi cho cơ thể, làm cho cơ thể cảm thấy minh mẫn hơn, khỏe mạnh hơn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh tật, hưởng thụ cuộc sống. Đó là những giá trị vô cùng lớn, mang bản sắc của Khánh Hoà, của Việt Nam cần được lan toả ra thế giới.

Khánh Hòa: Tăng tốc để cất cánh
Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, trong quốc phục Việt Nam, thực hiện nghi thức dâng Trầm.

Trầm Hương khi đốt sẽ sinh ra dinh dưỡng ở dạng khí, cũng có thể được tách chiết để tạo thành rượu Trầm Hương, nước hoa Trầm Hương, thuốc từ Trầm Hương. Bên cạnh đó, Yến sào - có hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ hấp thụ, lành tính - đặc biệt có lợi thế khi phát triển các dòng dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng. Cách làm thương hiệu, gắn liền yếu tố địa phương với sản phẩm chất lượng cao sẽ tạo được bản sắc đặc thù của Việt Nam, giúp chúng ta chiếm lĩnh những thị trường lớn.

Khánh Hòa: Tăng tốc để cất cánh
Tinh dầu trầm, một sản phẩm cao cấp của Công ty Trầm hương Khánh Hòa (ATC)

Những tiềm năng và thế mạnh đã rõ ràng. Những định hướng và điều kiện thuận lợi nhất cũng đã được kiến tạo. Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về phát triển Khánh Hoà đã nêu rõ tầm nhìn đến năm 2045: đưa Khánh Hoà trở thành “đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; là thành phố đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc”. Điều cần nhất lúc này là một nội lực đủ lớn để Khánh Hoà có được những bước đi táo bạo hơn, những quyết sách phù hợp với tiềm năng và triển vọng của mình để thực sự tăng tốc và cất cánh.

https://dulich.petrotimes.vn

Vân Anh

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]