Khán & Khám

07:50 | 21/05/2016

|
Bạn đọc: Một người bạn có cho tôi biết người Hoa không nói “khám bệnh” mà nói “khán bệnh”. Xin ông vui lòng cho biết hai cách nói này có liên quan với nhau không. Xin cám ơn ông. Nguyễn Thành Đạt (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Học giả An Chi : Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên - mà chúng tôi cho là thuộc loại có uy tín hiện nay - đã ghi cho động từ “khám” hai nghĩa: “1. lục soát, kiểm tra kỹ để tìm tang chứng của tội lỗi, của hành động phạm pháp; 2. xem xét để biết tình trạng sức khỏe, để biết bệnh trạng trong cơ thể”. Từ điển Vietlex giảng như thế nhưng lời giảng này chỉ thực sự thích hợp với công dụng của động từ “khám” trong tiếng Việt hiện đại chứ xét theo từ nguyên thì sự giải thích sẽ phải đi theo một hướng khác.

Nghĩa 1 của “khám” trong từ điển Vietlex chính là nghĩa của chữ “khám” [勘] trong tiếng Hán mà Mathews’ Chinese English Dictionary đã đối dịch là “to investigate officially” (điều tra chính thức [về phía nhà chức trách]). Nghĩa gốc này của chữ “khám” [勘] đã đi vào tiếng Việt thành nghĩa 1 của “khám” trong từ điển Vietlex. Với nghĩa này thì “khám” chỉ một hành động của nhà chức trách hoặc của kẻ được xem hoặc tự cho là có quyền để làm việc đó. Mà với nghĩa này thì “bệnh” (disease, sickness) không thể nào là đối tượng của việc “khám” được. Chính vì vậy nên Tàu mới không gọi việc thầy thuốc xem mạch định bệnh là “khám bệnh”, mà gọi là “khán bệnh” [看病]. Đây là một từ tổ động từ vẫn đang thông dụng.

Hiện nay, bên Trung Hoa đại lục đang lưu hành câu “Khán bệnh nan, khán bệnh quý” [看病難,看病貴], nghĩa là “Khám bệnh khó khăn, khám bệnh đắt tiền”. Theo báo chí thì thống kê cho thấy phân nửa dân số Trung Quốc có bệnh nhưng không đi khám bệnh và 26% những người phải nằm viện thì không chịu nhập viện. Chúng tôi muốn nêu rõ như thế chính là để nhấn mạnh rằng Tàu chỉ nói “khán bệnh” chứ không phải “khám bệnh”. Từ tổ đó còn được “định vị” một cách chắc chắn trong thành ngữ “thiết mạch khán bệnh” [切脈看病] (bắt mạch xem bệnh) nữa. Chúng tôi cũng xin lưu ý bạn và bạn đọc rằng, từ xưa, ta đã từng chịu ảnh hưởng và tiếp nhận kinh nghiệm của Tàu trong lĩnh vực y học cổ truyền cho nên nếu hai tiếng “khán bệnh” có đi vào tiếng Việt thì đây cũng chỉ là một hiện tượng bình thường mà thôi.

Nhưng do đâu mà “khán bệnh” lại trở thành “khám bệnh” trong tiếng Việt? Chúng tôi xin trả lời rằng đó là hệ quả của một sự “chế biến” theo tiếng ta và sự “chế biến” này xuất phát từ những sự cố ngôn ngữ mà thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nói đến, là sự đan xen hình thức và sự lây nghĩa. “Khán” và “khám” là hai tiếng cận âm, có cùng phụ âm đầu KH, có cùng nguyên âm chính là A còn phụ âm cuối đều là những phụ âm mũi, chỉ khác nhau ở chỗ N là âm răng còn M là âm môi. Vậy là rất gần. Nhưng đây chưa phải là nguyên nhân chính của sự đan xen hình thức tuyệt đối (sự đan xen tương đối thì xuất hiện với những cấu trúc có hai tiếng hoặc hơn) từ “khán” thành “khám”.

Nguyên nhân chính là, giữa hai tiếng cận âm đang xét thì “khán” chỉ là một hình vị ràng buộc còn “khám” thì tự nó đã là một từ - nghĩa là một đơn vị có thể hành chức độc lập trong lời nói - nên “nặng ký” hơn “khán” và đã loại bỏ được nó. Nói cho rõ hơn thì trong sự “tranh chấp” giữa hai yếu tố ngôn ngữ dễ bị nhầm lẫn với nhau, phần thắng sẽ thuộc về yếu tố có tần suất cao hơn. “Khán” là một hình vị luôn luôn đi chung với “đài”, “giả”, “phòng”, v.v... thành những danh ngữ cố định “khán đài”, “khán giả”, “khán phòng”, v.v... nên người sử dụng ngôn ngữ bình thường thường không biết, hoặc ít nhất cũng không chú ý đến nghĩa riêng của nó. Họ không bao giờ dùng riêng nó để đặt câu. Ngược lại, họ có thể kết hợp động từ “khám” với từ, ngữ khác thành nhiều cấu trúc tự do trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, như: - khám nhà; - khám người; - khám hành lý; - khám túi quần hắn thì thấy sợi dây chuyền hắn vừa giật của chị phụ nữ; - hồi đó Tây khám nhà ông nội tôi vì chúng nghi có giấu vũ khí của Việt Minh; - khám đáy vali thì phát hiện có ma túy; v.v... Nghĩa là một ngàn lẻ một cách …

Cho nên trong cuộc đối đầu giữa “khán” với “khám” trong ngữ vị từ gốc là “khán bệnh” thì “khám” đã đánh bật “khán”, nhất là vì trong khi  “khán bệnh” thì người thầy thuốc cũng có những động tác rờ rẫm, sờ sẫm, mò mẫm, gợi cho người sử dụng ngôn ngữ liên tưởng đến việc khám xét của nhân viên công quyền hoặc cơ quan chức năng. Đây chính là sự lây nghĩa từ “khám” sang “khán”.

Nhưng, như đã phân tích và khẳng định trên kia, nghĩa gốc của “khám” trong tiếng Việt chỉ là nghĩa 1 đã cho trong từ điển Vietlex và trong thực tế thì nghĩa này xuất phát từ nghĩa của chữ “khám” [勘] trong tiếng Hán, mà Mathews’ Chinese English Dictionary đã đối dịch thành “to investigate officially”. Và như cũng đã phân tích, với nghĩa này thì “bệnh” (disease, sickness) không thể là đối tượng của hành động “khám”. “Khán bệnh” đã trở thành “khám bệnh” chỉ là vì nguyên nhân đã phân tích chứ không phải là vì “khám” vốn đã có nghĩa 2, như đã cho trong từ điển Vietlex (và dĩ nhiên là cả trong nhiều quyển từ điển khác nữa). Nghĩa này chỉ xuất hiện sau khi “khám” đã đánh bật “khán” ra khỏi ngữ vị từ “khán bệnh” để biến cấu trúc này thành “khám bệnh” mà thôi. Vậy ta cũng không nên quan niệm rằng “khám bệnh” là một lối nói riêng của người Việt bằng cách dùng một cái nghĩa “phái sinh đặc biệt” của động từ “khám”.

A.C

Năng lượng Mới 524