Khai thác tiềm năng dầu khí và bảo vệ môi trường Bắc Cực

16:31 | 17/05/2021

|
Nga đang sở hữu một trong những chương trình phát triển khu vực Bắc Cực tham vọng nhất trên thế giới. Một mặt, quốc gia này kế thừa tiềm lực khoa học và công nghiệp từ thời Liên Xô.
Khai thác tiềm năng dầu khí và bảo vệ môi trường Bắc Cực

Mặc khác là sự cần thiết xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, năng lượng, giao thông hiện đại kết hợp với bảo vệ môi trường đối với sự phát triển của khu vực Bắc Cực. Tất cả các quốc gia ở khu vực Bắc Cực đều phải đối mặt với những thách thức ở các mức độ khác nhau. Đối với Nga, chiều dài khổng lồ của bờ biển Bắc Cực cùng mật độ dân số thấp khiến nhu cầu phát triển bền vững khu vực này có những đặc trưng riêng

Tiềm năng của khu vực Bắc Cực của Nga

Khu vực Bắc Cực thuộc Liên bang Nga có diện tích khoảng 4 triệu km2 với lượng dân cư chỉ đạt 2,5 triệu người (tức là mật độ dân cư là 0,6 người/km2). 60% diện tích khu vực thuộc diện đóng băng vĩnh cửu. Mặc dù có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giao thông khó tiếp cận, cơ sở hạ tầng xã hội hầu như chưa phát triển, nhưng thềm lục địa Bắc Cực thuộc Nga là cơ sở tài nguyên khoáng sản tiềm năng chiến lược của đất nước. Theo đánh giá của giới chuyên gia, khu vực này sở hữu trữ lượng khí đốt thiên nhiên hơn 85,1 nghìn tỷ m3, trữ lượng dầu thô và condensate đạt 17,3 tỷ tấn. Các loại khoáng sản khác cũng có trữ lượng dồi dào như platinum, quặng đồng-niken, quặng sắt, phốt pho, vàng, kim cương, titan, fluorit, mangan, mica, molybden, vonfram, vanadi.

Sản xuất công nghiệp của Nga tại khu vực Bắc Cực bắt đầu hình thành vào những năm 1920 và 1930 của thế kỷ trước. Vào năm 1931, mỏ dầu thương mại đầu tiên Chibyuskoe trên lãnh thổ của Cộng hòa Komi đã được phát hiện. Một năm sau, dưới sự quản lý của Hội đồng nhân dân Liên Xô, Cục quản lý tuyến đường biển phía Bắc (Glavsevmorput) được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế khu vực Bắc Cực và đảm bảo hàng hải dọc theo tuyến đường biển phía Bắc từ biển Trắng (Bạch Hải) đến eo biển Bering. Đến nửa sau của thế kỷ XX, một số thành phố đã được xây dựng tại đây, kèm theo xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Khu vực này bắt đầu tập trung dân cư một cách có hệ thống. Trong giai đoạn 1960 -1980, các mỏ dầu và khí đốt lớn đã được phát hiện cả ở trên bờ và ngoài khơi, bao gồm mỏ Urengoyskoe, Yamburgskoe, Bovanenskoe, Shtokmanovskoe, Priazlomnoe và một số mỏ khác.

Tính đến nay, ngành công nghiệp ở khu vực Bắc Cực thuộc Nga đã chiếm hơn 10% GDP và hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Tổng giá trị khoáng sản của khu vực ước đạt hơn 30.000 tỷ USD. Nga vận chuyển khí đốt thiên nhiên từ bán đảo Yamal, đồng từ mỏ Baimskoe ở Chukotka, than antraxit từ bể than Taimyr, dầu thô từ mỏ Priazlomnoe trên thềm lục địa biển Pechora, chì và kẽm từ mỏ Pavlovskoe trên đảo Yuzhny của quần đảo Novaya Zemlya. Để phục vụ nhu cầu vận tải khoáng sản, đội tài phá băng của Nga đã được thành lập.

Điểm đặc trưng của các dự án ở Bắc Cực là việc xuất khẩu bằng đường biển thông qua Tuyến hàng hải phương Bắc (Nord Stream Route NSR) là cách thức vận chuyển hợp lý và hiệu quả nhất. Những tiến bộ trong công nghệ đã biến NSR trở thành hành lang giao thông chiến lược thuận tiện. Đối với các công ty vận tải biển, NSR tạo cơ hội tham gia vào các dự án năng lượng quốc tế và thực hiện vận chuyển hàng hóa, vận tải đa phương thức, cho phép tăng tăng số lượng chuyến bay và đẩy nhanh việc vận chuyển hàng hóa từ Đông Á, Đông Nam Á đến châu Âu và ngược lại. Trong năm 2019, tàu chở LNG Christophe de Margerie đã vận chuyển LNG từ Hammerfest (Na Uy) đến Boryeong (Hàn Quốc) trong vòng 19 ngày. Tốc độ này nhanh hơn tốc độ vận chuyển trên tuyến hàng hải truyền thống qua kênh đào Suez. Nhờ việc tiết kiệm thời gian cho hải trình, khối lượng hàng hóa được vận tải trên NSR đang tăng nhanh chóng. Trong giai đoạn 2014-2020, tổng khối lượng hàng hóa qua NSR đã tăng hơn 8 lần, từ 4 triệu tấn lên 33 triệu tấn mỗi năm. Chính phủ Nga có kế hoạch tăng công suất vận tải trên NSR lên 80 triệu tấn vào năm 2024.

Vương quốc băng và những cơ hội từ Bắc Băng Dương

Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới có hạm đội tàu phá băng hạt nhân phát triển. Sự phát triển của hạm đội trong vài thập kỷ đã góp phần vào vào sự phát triển của Bắc Cực. Chỉ trong một thời gian ngắn từ năm 1970 - 1980, Liên Xô đã xây dựng một hạm đội hùng hậu gồm các tàu địa vật lý và khoan cũng như các tàu phá băng hạt nhân. Tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên mang tên Lenin được hạ thủy vào tháng 12/1959. Tiếp sau đó là sự xuất hiện của 6 tàu phá băng Arctic. Sau đó, hai tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân loại Taimyr đã được đưa vào hoạt động với độ mớn nước giảm, cho phép hai tàu này phục vụ các tàu vận tải thông thường chạy dọc theo NSR và khu vực cửa sông của các con sông lớn tại Siberia. Theo thời gian, một số tàu phá băng hạt nhân của Liên Xô đã ngừng hoạt động, số khác vẫn tiếp tục hoạt động ở Bắc Cực.

Nhìn chung, hạm đội Bắc Cực của Nga đã vượt qua cuộc khủng hoảng đóng tàu sau khi Liên Xô tan rã. Các tàu phá băng không ngừng được cải tiến và cấu trúc của hạm đội đang phát triển, đa dạng về chủng loại. Một số tàu phá băng được ứng dụng nhiều công nghệ phức tạp trong chế tạo như tàu chở dầu, tàu chở LNG, tàu phá băng theo tuyến, tàu tiếp nhiên liệu, tàu hỗ trợ. Hạm đội Bắc Cực đang hoạt động trong các lưu vực của biển Barents, Pechora, Kara và Okhotsk, sử dụng các cảng Sabetta, cảng Novy và các điểm chiến lược quan trọng khác ở Bắc Cực. Việc sử dụng các công nghệ hiện đại kết hợp kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực đóng tàu cho phép hạm đội Bắc Cực của Nga có thể chế tạo các tàu phá băng thế hệ mới. Trong 20 năm qua, công ty Sovcomflot đã xây dựng hạm đội tàu phá băng mạnh nhất thế giới, được trang bị động cơ đẩy Azipod, giúp tăng đáng kể khả năng phá băng, khả năng cơ động và tốc độ của tàu. Trong năm 2020, tàu phá băng hạt nhân mạnh nhất thế giới của nga thuộc dự án “Leader” đã được hạ thủy. Tàu được trang bị hai lò phản ứng hạt nhân RITM-400 với công suất nhiệt 315 MW/lò phản ứng.

Cơ chế mong manh

Việc thực hiện các dự án lớn ở Bắc Cực, trong đó có phát triển hạm đội Bắc Cực hiện đại không thể tách rời khỏi công tác bảo tồn hệ sinh thái, môi trường trong khu vực. Sự gia tăng hoạt động công nghiệp gây ra những rủi ro mới cho môi trường Bắc Cực, vốn là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Các vấn đề môi trường cần nhận được thái độ đặc biệt quan tâm, đánh giá rủi ro toàn diện. Bên cạnh đó, việc sử dụng các công nghệ “xanh” trong việc thực hiện các dự án ở Bắc Cực sẽ bảo tồn được hệ động thực vật phong phú nhất của khu vực này, vốn đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Các vấn đề môi trường ở Bắc Cực không thể được giải quyết nếu không có sự hợp tác chặt chẽ và tương tác hiệu quả giữa các quốc gia có lợi ích trong khu vực. Một trong những bước đi đúng đắn là hợp tác nghiên cứu, hợp tác sử dụng các công nghệ tiên tiến giúp giảm lượng khí thải carbon. Một số quốc gia đang sử dụng các nguồn năng lượng gió, mặt trời trong khu vực để sản xuất điện năng cho các cộng đồng dân cư tại đây. Tại giàn khoan Prirazlomnaya trên biển Pechora, nhà điều hành đã áp dụng tổ hợp các giải pháp công nghệ hiện đại như thu gom bùn khoan, bùn thải và các chất thải khác, góp phần giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến thiên nhiên Bắc Cực.

Phần Lan thì sử dụng hệ thống rotor đặc biệt để giảm lượng khí thải từ tàu. Hệ thống này được lắp đặt trên 25-30% đội tàu của nước này, cho phép chuyển đổi năng lượng gió thành cơ năng. Năm 2016, Phần Lan đã chế tạo tàu phá băng “Polaris” chạy bằng động cơ nhiên liệu kép, thân thiện với môi trường. Nhiên liệu bao gồm dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh thấp và LNG. Nga cũng dự kiến giảm lượng khí thải trong hoạt động hàng hải bằng dự án chế tạo tàu sinh thái, sử dụng nhiên liệu LNG. Trong năm 2018, Sovcomflot đã bắt đầu vận hành tàu chở dầu trọng tải lớn đầu tiên trên thế giới, sử dụng chủ yếu nhiên liệu LNG.

Khu vực Bắc Cực là nền tảng thuận lợi cho hợp tác, tiến hành các dự án chung giữa các quốc gia, các công ty Nga và quốc tế. Khu vực này nên trở thành lãnh thổ hợp tác trong lĩnh vực công nghệ “xanh”, nơi các nguồn năng lượng thay thế và hạt nhân phát triển cùng với các công nghệ hiện đại khác như vật liệu sinh học, kết cấu chịu lạnh, xử lý chất thải và phục hồi môi trường Bắc Cực. Các doanh nghiệp lớn cần có nhiều trách nhiệm hơn về quản lý, bảo vệ môi trường Bắc Cực, giám sát ô nhiễm và phát triển hệ thống ứng phó sự cố khẩn cấp. Điều này bao gồm một chu trình sản xuất khép kín, kiểm soát nguồn cung, tuân thủ các quy định về xử lý chất thải trong hoạt động sản xuất. Chỉ bằng cách này mới có thể bảo tồn môi trường sinh thái độc đáo của Bắc Cực song song với phát triển tích cực khu vực này.

Viễn Đông - Theo Neftegaz