Khai thác thủy sản biển đang vượt giới hạn cho phép

15:22 | 04/12/2017

1,697 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ NN&PTNT cho biết, qua 5 năm điều tra, đã xác định nguồn lợi thủy sản biển có gần 1.200 loài; tình trạng khai thác đã vượt quá giới hạn cho phép trên 30%, đặc biệt là các loại hải sản tầng đáy và hải sản chưa trưởng thành.

Đây là thông tin mới nhất được đưa ra trong Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp quản lý và phát triển hệ thống khu bảo tồn biển tại Việt Nam do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây tại Nha Trang (Khánh Hòa).

Suy giảm nghiêm trọng

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), thực trạng hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản biển (NLTSB) đang suy giảm ở mức độ nghiêm trọng và đối mặt với khá nhiều tồn tại, bất cập và thách thức: Khai thác thủy sản phát triển tự phát chưa kiểm soát được; tình trạng đánh bắt bất hợp pháp với những nghề cấm vẫn diễn ra phổ biến; đánh bắt kiểu tận diệt. Số lượng phương tiện đánh bắt thủy sản phát triển “nóng” với trên 110.00 tàu thuyền, trong đó phần lớn là tàu, thuyền có công suất nhỏ dưới 90CV (chiếm đến 70%).

khai thac thuy san bien dang vuot gioi han cho phep
Các KBTB đang đối mặt với cả những nguy cơ thái quá từ chính các hoạt động kinh tế gần bờ trong đó có du lịch

NLTSB ven bờ bị khai thác vượt quá giới hạn cho phép 10-12%, trong đó tỷ lệ thủy sản chưa trưởng thành khai thác chiếm 35-40%. Cụ thể, khả năng khai thác cho phép trung bình 2,45 triệu tấn/năm thì đến nay, tổng lượng khai thác đã là 3,1 triệu tấn/năm.

“Bên cạnh đó là việc khai thác, tiêu thụ một số loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm đã làm cho các loài đó có nguy cơ tuyệt chủng, các hệ sinh thái thủy sinh tại nhiều nơi đang bị phá hủy; sự phát triển “nóng” của nhiều ngành kinh tế, du lịch cũng đang tác động đến việc suy giảm nguồn lợi và môi trường biển. Trữ lượng thủy sản suy giảm rõ rệt, trong đó sản lượng khai thác ở nhiều khu vực suy giảm rõ rệt” - đại diện của Bộ NN&PTNT chỉ rõ tại hội nghị.

Chỉ 10% khu bảo tồn biển được bảo vệ nghiêm ngặt

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu trong hội nghị quan tâm đó là tình trạng các khu bảo tồn biển (KBTB) chưa được quan tâm bảo vệ đúng mức hoặc bị đe dọa bởi các hoạt động kinh tế thái quá.

Theo số liệu mới nhất, đến nay cả nước mới thiết lập 10/16 KBTB; chỉ có 0,18% diện tích vùng biển nằm trong KBT và khoảng 10% diện tích trong KBT được bảo vệ nghiêm ngặt, so với tỷ lệ 0,24% và 30% như mục tiêu đặt ra đến năm 2015. Nhiều KBTB bị xâm hại hoặc đứng trước nguy cơ bị xâm hại, tác động tiêu cực từ những mục đích thực dụng về kinh tế.

Đồng tình với nhận định này, bà Bùi Thị Thu Hiền, đại diện Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam cho rằng, KBTB đang đối diện với tình trạng ô nhiễm biển từ đất liền. “Trong khi đó, KBTB ở Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Cù Lao Chàm (Quảng Nam) chịu tác động từ tình trạng xây dựng cơ sở phục vụ hoạt động du lịch, KBTB Hạ Long (Quảng Ninh), Hòn Cau (Bình Thuận) còn bị đe dọa từ các hoạt động của con người từ ngay vùng bờ” - bà Hiền cho biết thêm.

Quyết liệt bảo vệ

Để có giải pháp hợp lý, toàn diện để bảo vệ hiệu quả NLTSB đang suy giảm nghiêm trọng cũng như tăng mức độ bảo vệ các KBTB, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, sự xuất hiện của một số mô hình bảo vệ NLTSB điển hình, trong đó có yếu tố đồng quản lý, hoạt động quản lý dựa vào cộng đồng.

Nguồn lợi thủy sản biển ven bờ bị khai thác vượt quá giới hạn cho phép 10-12%, trong đó tỷ lệ thủy sản chưa trưởng thành khai thác chiếm 35-40%.

“Thách thức đang đặt ra hiện nay, ở chỗ, đang có sự mâu thuẫn giữa bảo vệ NLTSB với phát triển du lịch và lợi ích khác, trong đó nhiều nơi hoạt động kinh tế lấn át mục tiêu bảo tồn, khiến môi trường biển ô nhiễm, hệ sinh thái và đa dạng sinh học suy giảm” - Thứ trưởng Tám nói.

Vẫn theo Thứ trưởng Tám, các cơ quan chức năng cần có những cảnh báo mạnh mẽ mang tính xây dựng để bảo vệ hệ sinh thái, môi trường biển quyết liệt hơn nữa chứ không dừng lại ở bảo vệ san hô, cỏ biển… “Việc bảo vệ không chỉ có Nhà nước là làm được, chúng ta phải tập hợp các lực lượng xã hội. Cộng đồng người dân, các nhà khoa học, quản lý phải xây dựng một đại diện có tiếng nói, có trọng lượng để lên tiếng” - ông Tám khẳng định.

An An