Kẻ làm đặc tình trại giam "hiệu quả" nhất nước Mỹ

07:18 | 22/12/2019

761 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc đời Paul Skalnik là liên tiếp những lần giả danh và lừa đảo, nhưng lời nói của ông ta vẫn được nhiều công tố viên tin dùng làm chứng cứ.

Paul Skalnik (sinh năm 1949) bắt đầu phạm tội từ những năm đầu của thập niên 1970, khi làm cảnh sát thành phố Austin, bang Texas. Trong ba năm 1973-1976, Paul lần lượt bị phát hiện có hành vi viết chi phiếu khống và lừa đảo, nhưng chỉ bị buộc nghỉ việc và phạt tù treo.

Năm 1978, Paul lần đầu tiên bị bắt, đưa vào trại tạm giam quận Harris, bang Texas với cáo buộc lấy danh nghĩa người vợ thứ 3 để mở thẻ tín dụng và tiêu xài cá nhân. Đây cũng là lúc sự nghiệp đặc tình trại giam của ông ta bắt đầu. Tại Mỹ, "đặc tình trại giam" là những phạm nhân chuyên làm chứng rằng đã nghe thấy bị cáo thú tội. Bản thân họ thường sắp bị đưa ra xét xử.

Khi biết Thomas Hirschi (nhà hoạt động xã hội bị cáo buộc tội Xúi giục bạo động) bị giam gần mình, Paul đã gọi điện cho phòng công tố bang Texas và khẳng định có thể cung cấp thông tin buộc tội người này. Cuối cùng, tháng 5/1979, Paul làm chứng trước bồi thẩm đoàn rằng đang đứng ngoài cửa buồng giam thì Thomas nói muốn giải tỏa áp lực, đã thú nhận ý đồ xúi giục bạo động với mình.

Thomas sau đó bị kết tội nhưng chỉ bị phạt tù treo. Sau này kể lại, Thomas nói "chưa từng gặp Paul, thậm chí không biết tên".

Kẻ làm đặc tình trại giam
Một số bức ảnh chụp khi bị bắt của Paul, trải khắp một thập kỷ phạm tội. Ảnh: The New York Times.

Sau phiên tòa của Thomas, Paul bị đưa ra xét xử, nhận án một năm tù tại bang Florida vào tháng 11/1979. Nhưng một tháng sau, với lý do "bị cáo được đề đạt", tòa án bất ngờ cho Paul tham gia chương trình vừa ở tù vừa đi làm, vốn là đặc ân thường không dành cho người tái phạm. Theo New York Times, dù thẩm phán không tiết lộ công tố viên bang Texas có đứng đằng sau việc đề đạt hay không, song bài học không thể nhầm lẫn ở đây là: Nếu người sau song sắt muốn tự cứu mình, cách tốt nhất là giúp công tố viên.

Ra tù hai tháng sau, tháng 2/1980, Paul dùng vỏ bọc sinh viên luật cưới người vợ thứ 4 tại bang Florida. Được ít lâu, ông ta tiếp tục dùng danh tính giả đính hôn với người khác và vay 3.500 USD nhưng không trả lại. Paul vì thế bị bắt tới trại tạm giam quận Pinellas, bang Florida để chờ xét xử về tội Ăn cắp tài sản giá trị lớn.

10 ngày trước khi bị đưa ra xét xử vào tháng 8/1981, Paul liên lạc với công tố viên để cung cấp thông tin buộc tội ba người bị nghi giết người. Đổi lại, công tố viên nói sẽ đề nghị mức phạt không quá ba năm (ít hơn hai năm so với mức phạt phải đối mặt) nếu Paul nhận tội, đồng thời để ngỏ khả năng án phạt nhẹ hơn nếu hai bên tiếp tục hợp tác. Sau nhiều lần làm chứng trước tòa trong năm 1981, Paul được hưởng án phạt quản chế và ra tù vào tháng 6/1982.

Cứ như vậy, mỗi khi phạm tội bị bắt, Paul lại trở thành đặc tình trại giam để cung cấp lời khai buộc tội người khác. Trước bồi thẩm đoàn, Paul trịnh trọng rằng không được nhận lợi ích gì từ việc làm chứng. Dù bản thân có vài tiền án, Paul đảm bảo vẫn còn "chút chất cảnh sát trong người", từng giúp công tố viên nhiều lần. Lời khai của ông ta chứa nhiều chi tiết sống động về việc bị cáo thú tội, không những thể hiện tội trạng mà còn cho thấy bị cáo là kẻ ác độc, quỷ quyệt.

Danh tiếng làm đặc tình trại giam, hay còn gọi là "kẻ xì đểu" của Paul cũng dần được nhiều phạm nhân biết đến. Ông ta vì thế được cán bộ quản ngục đặt vào chế độ bảo vệ (hạn chế tiếp xúc với các phạm nhân khác) nhưng bằng cách nào đó vẫn có thể nghe được lời thú tội của bị cáo để làm chứng tại tòa.

Kẻ làm đặc tình trại giam
James Dailey, tử tù bị kết án nhờ lời khai của Paul và đang chờ thi hành án, cho biết hai người "chưa bao giờ nói chuyện". Ảnh: Eli Durst/The New York Times.

New York Times cho biết, trong 6 năm 1981-1987, Paul đã làm chứng hoặc cung cấp thông tin trong ít nhất 37 vụ án chỉ riêng tại quận Pinellas, khiến ông ta trở thành một trong những đặc tình trại giam năng suất và hiệu quả nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong những vụ án trên, đa số bị cáo bị kết án hoặc thỏa thuận nhận tội, bốn người bị tuyên phạt tử hình.

Tuy vậy, tới tháng 2/1988, quan hệ giữa Paul và công tố viên quận Pinellas có vẻ đã xấu đi sau khi không đạt được ''thỏa thuận nhận tội'' nhẹ hơn. Bị từ chối, Paul đệ đơn cáo buộc rằng được công tố viên mớm cung để làm chứng về lời thú tội của bị cáo. Các công tố viên phủ nhận cáo buộc và khẳng định lời khai trước đây của Paul là đúng sự thật và có căn cứ.

Sau khi rút đơn, Paul và công tố viên đạt được thỏa thuận. Theo đó ông ta sẽ được chuyển tới bang Texas để thụ án 5 năm tù. Cuối cùng, Paul được ra tù vào tháng 11/1989.

Ra tù, Paul lại giả mạo danh tính để cưới người vợ thứ 7. Tới người vợ thứ 8, ông ta bị cáo buộc xâm hại tình dục con riêng của vợ. Không còn được nương nhẹ như ở quận Pinellas, Paul bị tòa án phạt 10 năm tù vào năm 1991 và không được ra tù sớm. Khi biết Paul từng làm chứng trong nhiều vụ án, công tố viên quận Galveston, bang Texas cho rằng Paul rõ ràng là kẻ "ảo tưởng" và "thật khó tin khi công tố viên dựa vào ông ta".

Vòng quay ra tù vào tội của Paul vẫn tiếp tục sau khi ông ta chấp hành xong bản án 10 năm tù. Paul chỉ chấm dứt lừa đảo khi cảnh sát tìm ra ông ta vào năm 2015. Lúc đó, Paul đã cưới người vợ thứ 9, sở hữu trong tay hơn 30 thẻ căn cước giả.

Kẻ làm đặc tình trại giam
Paul sống tại khu nhà bệnh xá tại bang Texas vào tháng 10. Ảnh: The New York Times

Khi bị bắt, Paul đòi được gặp lực lượng chức năng vì mình "có thể rất hữu ích trong trại tạm giam". Trước yêu cầu ấy, điều tra viên nói rằng "không hứng thú nói chuyện tiếp" với Paul. "Nghề" đặc tình trại giam của Paul dừng tại đây.

Sau khi được trả tự do vào tháng 6, Paul được ở tại khu nhà bệnh xá thuộc thị trấn Corsicana, bang Texas vì bị bệnh, phải nằm liệt giường nhưng không nói rõ là bệnh gì. Chốc chốc, Paul được điều dưỡng viên lật người để không bị mỏi. Gặp phóng viên, Paul khẳng định luôn thành thật trên bục làm chứng. Ông ta thì thào: "Tôi nghĩ mình sắp chết rồi".

Việc dùng lời khai của đặc tình trại giam để buộc tội đang là vấn đề được tranh cãi ở Mỹ. Nhiều người phản đối cho rằng phạm nhân có động cơ rất lớn (như được giảm án, nhẹ tội) để làm chứng chống lại người khác, trong khi việc này chưa được pháp luật nhiều nơi điều chỉnh.

Trong 367 người được minh oan bằng ADN tại Mỹ, gần 20% bị oan và có một phần do lời khai từ đặc tình trại giam.

Theo VNE

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc