Indonesia đẩy nhanh khai thác khí đốt ở khu mỏ Natuna

07:00 | 12/07/2016

1,296 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 29-6 ra lệnh mở rộng hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở vùng biển gần quần đảo Natuna, thuộc Biển Đông, nơi Trung Quốc đang đòi nhập nhèm chuyện chủ quyền với Jarkarta.

Đây được coi là hành động đi trước một bước của chính quyền Jakarta vừa nhằm khẳng định chủ quyền vừa dập tắt dòm ngó của Bắc Kinh.

Phát biểu trong cuộc họp nội các thảo luận về việc phát triển khu vực quần đảo này, Tổng thống Widodo nói: “Trong số 16 lô khí đốt quanh Natuna chỉ có 5 vị trí được khai thác. Chúng tôi muốn đẩy nhanh việc khai thác các lô này”.

indonesia day nhanh khai thac khi dot o khu mo natuna
Hoạt động khai thác dầu khí của Indonesia tại quần đảo Natuna

Khu mỏ ở Đông Natuna được cho là một trong năm mỏ có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới chưa được khai thác. Mỏ đang được công ty nhà nước sở hữu Pertamina, các công ty Exxon Mobil Corp, Total SA, PTT Exploration and Produciton cùng đầu tư. ConocoPhillips và Chevron Corp cũng đóng góp cổ phần ở Lô B Nam Natuna gần đó nhưng đang tìm cách bán lại.

Rizal Ramli, Bộ trưởng Phối hợp về các vấn đề hàng hải của Indonesia cho biết: “Về cơ bản, chúng tôi muốn khu mỏ ở Natuna trở thành trung tâm khai thác sản xuất khí đốt và các ngành công nghiệp liên quan”.

Trên đây là những động thái mới nhất của chính quyền Jakarta xung quanh quần đảo Natuna sau những lùm xùm với Trung Quốc. Gần đây Trung Quốc tuyên bố rằng hai nước có các tuyên bố chồng lấn về quyền và lợi ích hàng hải tại Biển Đông. Những tuyên bố đó được đưa ra trong bối cảnh những vụ đụng độ gần đây xảy ra giữa Hải quân Indonesia và tàu cá Trung Quốc diễn ra tại vùng biển quanh quần đảo Natuna. Trung Quốc coi vùng biển này là ngư trường truyền thống của họ, trong khi đó Indonesia khẳng định không có sự chồng lấn nào về quyền và lợi ích hàng hải giữa Indonesia và Trung Quốc tại Biển Đông, bao gồm vùng biển quanh quần đảo Natuna.

Indonesia không phải là một bên trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, mặc dù vậy, Jakarta phản đối việc Trung Quốc đưa vùng biển quanh quần đảo Natuna của nước này vào cái gọi là “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh ngang ngược công bố. The Jakarta Post đánh giá chuyến thăm của ông Widodo là hành động kịp thời trong tình hình thực địa tại quần đảo Natuna.

Trước đó, hôm 17-6, Hải quân Indonesia đã vây bắt 12 tàu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập vùng biển quanh đảo Natuna để đánh bắt trái phép. Do các tàu này tháo chạy, Hải quân Indonesia đã bắn cảnh cáo, buộc các tàu đó phải ngừng lại để khám xét và khi tìm được bằng chứng, Hải Quân Indonesia đã bắt giữ một tàu đánh cá treo cờ Trung Quốc với bảy ngư dân. Trước nữa, vào ngày 27-5, Hải quân Indonesia từng ứng xử tương tự với tàu đánh cá Gui Bei Yu 27088 của Trung Quốc. Việc vây bắt, bắn cảnh cáo, bắt giữ tàu đánh cá Gui Bei Yu 27088 được thực hiện ngay trước mũi các tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc.

Hôm 19-3, Hải quân Indonesia bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc cũng vì xâm nhập và đánh bắt trái phép ở vùng biển quanh quần đảo Natuna. Ngay sau đó, hai tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã sấn vào, gây áp lực với tàu của hải quân Indonesia để đoạt lại tàu đánh cá đó. Indonesia lập tức triệu tập Đại sứ Trung Quốc ở Jakarta đến để yêu cầu trả lời, tại sao Trung Quốc đã xác nhận vùng biển quanh quần đảo Natuna nằm ngoài yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông mà tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn xâm nhập khu vực này để đánh bắt trái phép và hải cảnh Trung Quốc lại đứng phía sau hỗ trợ những hoạt động bất hợp pháp đó(?). Indonesia cũng đã chính thức yêu cầu Trung Quốc giải giao con tàu mà lực lượng hải cảnh Trung Quốc đánh tháo hôm 19-3. Ðến nay, Trung Quốc chưa đáp ứng yêu cầu này.

Ngày 23-6 vừa qua, trên một chiếc tàu chiến, Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo đã tới thăm quần đảo Natuna nhằm khẳng định chủ quyền của Indonesia tại quần đảo này. Theo lời Bộ trưởng An ninh Luhut Pandjaitan, chuyến thăm quần đảo Natuna của Tổng thống Indonesia là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Cũng trong cuối tuần qua, Quốc hội Indonesia đã thông qua quyết định tăng 10% ngân sách quốc phòng trong năm nay và như vậy ngân sách này sẽ đạt 8,1 tỉ USD. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, Riamizard Riachudu giải thích: “Sở dĩ phải tăng ngân sách quốc phòng một phần là do những căng thẳng gia tăng tại khu vực quần đảo Natuna ở Biển Đông, buộc chúng tôi phải triển khai tại quần đảo này những loại vũ khí, khí tài hiện đại nhất”.

Việc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trên Biển Đông là một trong những vấn đề gây bức xúc nhất cho các nước Đông Nam Á. Không chỉ Indonesia mà cả Việt Nam, Philippines, Malaysia… cũng thường xuyên bị Trung Quốc quấy phá, lấn ép.

Hiện tại, Jakarta và Moskva đang đàm phán về việc Nga sẽ bán cho Indonesia 8 chiếc máy bay tiêm kích đa năng Su-35. Đại sứ Indonesia tại Nga Vahit Supriyadi cho biết, các cuộc đàm phán này đã đi vào giai đoạn cuối. Ngoài ra ông cũng công bố kế hoạch mua sắm thủy phi cơ Sukhoi và tàu ngầm lớp Kilo của Nga.

Indonesia cũng đang quan tâm đến kế hoạch mua 36 tên lửa không - đối - không tầm trung mác AIM-120 của Mỹ và máy bay vận tải quân sự Airbus A400M. Hồi đầu năm, một thỏa thuận đã được ký kết với Hàn Quốc với tổng số tiền 1,3 tỉ USD để hợp tác chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Korean Fighter Experimental (KF-X).

Theo giới quan sát, việc Indonesia ra lệnh tăng cường khai thác dầu khí và hải sản ở vùng biển Natuna là một bước đi khôn ngoan. Bởi lẽ khi vùng biển này không còn gì để khai thác thì có lẽ sự dòm ngó của Trung Quốc cũng sẽ giảm theo.

S.Phương (tổng hợp)

Năng lượng Mới 537

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc