Hy Lạp trước nguy cơ bị loại khỏi vùng Schengen

07:12 | 11/03/2016

1,005 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Áo đã đề nghị gạch tên Hy Lạp khỏi vùng tự do lưu thông Schengen vì nước này đã không thể kiểm soát được vùng biên giới của mình. Hiệp ước nền tảng hình thành Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước nguy cơ vỡ vụn khi nhiều nước thành viên khác cũng đã đặt vấn đề về tính hợp lý của việc tự do lưu thông giữa các quốc gia EU.  

Những hệ quả từ làn sóng người nhập cư không kiểm soát được

Hai ngày trước thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ (dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 7-3), bàn về cuộc khủng hoảng di cư, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã yêu cầu Hy Lạp phải thu xếp chỗ ở cho người nhập cư.

hy lap truo c nguy co bi loai khoi vung schengen
Thủ tướng Đức Merkel và người đồng cấp Hy Lạp nói chuyện bên lề một hội nghị của EU về vấn đề nhập cư

Tại một cuộc họp mặt về vấn đề người nhập cư và chống khủng bố  ở Amsterdam trước đó, Hy Lạp đã phải chịu nhiều sự chỉ trích từ các nước bạn khi đã để cho quá đông người nhập cư tràn vào lãnh thổ châu Âu qua đường biên giới của mình.

Nói có sách mách có chứng: Chỉ riêng năm vừa rồi Hy Lạp đã đón 853.650 người nhập cư vào nước mình. Kể từ đầu tháng 1-2016, tình hình căng thẳng hơn khi đã có đến 31244 người nhập cư cập bờ biển Hy Lạp, gấp 20 lần so với tháng 1-2015.

Cuộc tranh luận không hồi kết về làn sóng người nhập cư xoay quanh những giải pháp chưa hề tồn tại khiến cho không ít quốc gia đã đặt nặng vấn đề về tính hợp lý của vùng lãnh thổ tự do Schengen.

Qua sự việc trên, các Bộ trưởng Bộ Nội Vụ của 28 quốc gia thành viên đã đồng loạt đề nghị Ủy ban châu Âu (gọi là Ủy bản Junker theo tên người đứng đầu tổ chức) hợp thức hóa việc kéo dài thời hạn hoạt động của các cơ quan kiểm tra đường biên giới thêm 2 năm (ban đầu dự tính là 6 tháng).

Tăng cường kiểm soát  đường biên giới chung, bao gồm cả Hy lạp

Áo, một trong 7 quốc gia EU siết chặt đường biên giới nội địa của mình, đã không ngần ngại kết tội Hy Lạp cho tình hình hiện tại và trong tuần vừa rồi đã từng dọa sẽ tạm thời gạch tên Hy Lạp khỏi vùng lãnh thổ Schengen.

Tuy nhiên, theo tính pháp lý của vấn đề thì việc xóa sổ Hy Lạp là điều không thể, theo lời người phát ngôn của ủy ban châu Âu. Bà này cho hay: “Chúng tôi chưa hề bàn gì đến việc tạm xóa bỏ vùng lãnh thổ Schengen hay rút tên một thành viên nào khỏi vùng này cả”.

Hy Lạp, với cơn khủng hoảng kinh tế trong nước như hiện nay không thể làm gì hơn ngoài việc hưởng án treo trong khi Hội đồng châu Âu tìm cách lấy lại kiểm soát tại biên giới vùng bờ biển Égée.

“Hoặc là cứu hộ hoặc là  mặc cho họ chết đuối”

Dĩ nhiên là Hy Lạp cũng có lý do riêng. Bộ trưởng nhập cư của Hy Lạp, ông Iannis Mouzalas đã nhấn mạnh rằng:  “Với một đường biên giới là đường thủy hoặc là các ngài tổ chức cứu hộ hoặc là để cho người tị nạn chết đuối hết”. Ông cũng cho hay, nguồn trợ cấp nhân lực và vật phẩm từ các quốc gia đang chỉ trích Hy Lạp vẫn chưa thấy đâu.

Để giải thích thêm về tình hình người nhập cư vào thời điểm hiện tại, Frontex, tổ chức châu Âu về quản lý đường biên giới chung của các nước thành viên EU đã giải thích rằng, hiện vẫn tồn tại nhiều khó khăn “cả về tính pháp lý và về địa hình” để có thể dễ dàng kiểm soát đường biên giới của Hy Lạp. Thêm nữa, Frontex cũng khẳng định rằng Hy Lạp không thể trả nhưng người nhập cư bằng đường thủy này về nước và theo luật pháp quốc tế thì bất cư ai đã đặt chân đến lãnh thổ châu Âu đều có quyền xin tị nạn. Một lần nữa Frontex nhấn mạnh rằng việc kiểm soát đường biên giới của Hy Lạp là điều không thể vì nước này có một đường bờ biển dài với hơn hàng trăm đảo lớn nhỏ có và không có người sinh sống, một số đảo lại giáp ranh Thổ Nhĩ Kỳ.

Ảnh hưởng đến vùng lãnh thổ Schengen?

Như đã nêu trên, các Bộ trưởng Bộ Nội vụ của các nước thành viên đã đề nghị Ủy ban Juncker hợp thức hóa việc kéo dài thời gian hoạt động của trạm kiểm soát biên giới lập ra bởi Pháp, Đức, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch. Theo như Điều 26 của Hiệp ước châu Âu, để hợp thức hóa điều này, 28 nước thành viên phải cùng đồng tình rằng đã có “những thiếu sót trầm trọng” trong việc kiểm soát đường biên giới chung của EU. Một lần nữa, Hy Lạp lại chịu sự chỉ trích, lần này đến từ Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển, ông Anders Ygeman: “Nếu một nước thành viên không hoàn tất được nghĩa vụ của mình thì chúng ta buộc phải hạn chế quan hệ của nước này đối với vùng lãnh thổ Schengen”.

Hầu hết các nước thành viên đều nhất trí việc giữ nguyên vùng lãnh thổ chung Schengen, một phần vì đây là biểu tượng chung của EU từ năm 1995, phần khác vì hệ quả của việc xóa bỏ vùng Schengen lên nền kinh tế và chính trị của các nước thành viên là không hề nhỏ. Tuy vậy, các nước thành viên vẫn giữ nguyên sức ép của mình đối với Hy Lạp.

“Chúng ta muốn giữ vững vùng lãnh thổ Schengen, chúng ta muốn một giải pháp chung cho cả châu Âu nhưng nếu thiếu sự quả quyết (từ Hy Lạp và các nước khác) thì sẽ rất dề có sự bất đồng”, theo lời ông Thomas de Maizìere, Bộ trưởng Nội vụ Đức.

Để trả lời câu hỏi xoay quanh việc gạch tên Hy Lạp khỏi vùng Schengen nhằm giữ vững an ninh vùng này, ông Dimitris Avramopoulos, Ủy viên cục di trú châu Âu đã quả quyết: “Chẳng có ai bàn về vấn đề này cả”.

Ba bước cứu Schengen

Ngày 4-3, Ủy ban châu Âu đã công bố lộ trình cứu vãn Hiệp ước Schengen. Lộ trình này dựa trên 3 điểm chính. 1) 7 nước đang tạm tái lập kiểm soát biên giới phải dần gỡ bỏ kiểm soát từ nay cho đến đầu tháng 12-2016; 2) chung sức tăng cường kiểm soát biên giới Hy Lạp; 3) tìm ra giải pháp chính trị chung nhằm bảo vệ các giá trị đã có được từ hơn nửa thế kỷ xây dựng ngôi nhà chung châu Âu, thuyết phục các nước Đông Âu không áp dụng các biện pháp đơn phương và khẳng định kiên quyết không nhận người tị nạn vì lý do kinh tế.

Trong kế hoạch trên của Ủy ban châu Âu không nhắc tới khả năng sửa đổi Hiệp ước Schengen nhưng nhắc tới quy tắc Dublin. Theo Quy tắc Dublin hiện hành, người tị nạn đặt chân vào nước nào đầu tiên, bắt buộc phải nộp đơn xin tị nạn tại nước đó; khi đã có quy chế tị nạn tại nước đó mới được xin đi nước khác. Quy định này đang làm khó cho Hy Lạp - tuyến đầu phải đối phó với làn sóng tị nạn.

Nếu theo đúng quy tắc, một mình Hy Lạp đã phải xử lý đơn của hơn một triệu người tị nạn. Rõ ràng quy tắc Dublin là không còn phù hợp. Ủy ban châu Âu sẽ công bố dự thảo sửa đổi vào ngày 16-3 này, theo đó rất có thể sẽ có những thay đổi cơ bản về nơi phải tiếp nhận đơn xin tị nạn.

S.Phương

Năng lượng Mới 503