Năng lượng tái tạo và lưu trữ năng lượng

Hướng phát triển bền vững của ngành điện

07:08 | 22/03/2017

1,632 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hội thảo khoa học quốc tế “Công nghệ mới về nguồn - lưới điện, năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ năng lượng” vừa được Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) và Hiệp hội Phát triển ngành công nghiệp ESS Hàn Quốc (KEIDA) phối hợp tổ chức ngày 14-3-2017 mới đây thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia năng lượng trong và ngoài nước.

Theo Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi, đây là hội thảo quốc tế đề cập sâu công nghệ mới về nguồn điện, lưới điện, năng lượng tái tạo và đặc biệt là hệ thống lưu trữ năng lượng. Theo đánh giá của Chủ tịch VEA, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng gió, nhiệt năng và sinh khối, nhưng hiện có nhiều vướng mắc để khai thác hiệu quả nguồn năng lượng này cũng như chi phí cao, giá bán thấp. Để phát triển năng lượng tái tạo thay thế năng lượng truyền thống cần chính sách ưu đãi đất đai, hạ tầng và cơ chế giảm chi phí nhập khẩu linh phụ kiện cho năng lượng tái tạo.

huong phat trien ben vung cua nganh dien
Hệ thống điện gió tại Ninh Thuận

Về phía Hiệp hội Năng lượng Hàn Quốc, Chủ tịch Chang Ho-choi cho biết, Hàn Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc quản lý nhu cầu năng lượng. Trong những năm gần đây, các công nghệ và ngành công nghiệp liên quan đến năng lượng như: quản lý nhu cầu, năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh, xe điện và Hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS) đã được phát triển nhanh chóng thông qua ngành công nghiệp năng lượng mới được Chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy và liên tục phát huy.

“Tôi hy vọng rằng, công nghệ năng lượng của Hàn Quốc sẽ được sử dụng trong chính sách của Chính phủ Việt Nam dựa trên tình hữu nghị và tin tưởng giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong kỷ nguyên năng lượng thân thiện với môi trường, lĩnh vực mà tất cả các nước đều tham gia vào việc giảm phát thải khí nhà kính (GHG)…”, ông Chang Ho-choi nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe nhiều tham luận, ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Năng lượng hai nước, các chuyên gia trong nước và quốc tế liên quan đến công nghệ và giải pháp năng lượng tái tạo, chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam, lưới điện thông minh, công nghệ lưu trữ năng lượng liên kết với nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ quản lý năng lượng tái tạo cho các tòa nhà cao tầng, hệ thống đo lường hiệu suất năng lượng.

Theo Phó chủ tịch VEA Nguyễn Văn Vy, việc phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng được các nước trên thế giới đẩy mạnh trong những năm qua. Tính hết năm 2015 có 23,7% nguồn năng lượng trên thế giới được sản xuất từ thủy điện, gió, mặt trời, sinh khối… con số này đã tăng trưởng rất nhanh bởi năm 2014 chỉ là 19,2%.

Trên thế giới đã và đang ứng dụng nhiều công nghệ năng lượng tái tạo hiện đại và tiên tiến. Chỉ cần một tổ điện gió là đủ cung cấp điện cho 8.000-10.000 hộ dân. Đây là một con số rất cao và kỳ vọng sẽ thay đổi ngành điện trong tương lai.

Hiện nay, giá thành sản xuất điện gió, mặt trời trên thế giới đang có xu hướng giảm và ngày càng rẻ do công nghệ ngày càng phát triển. Tại Mỹ là khoảng 65-70USD/MWh, tại Đức là 67-100USD/MWh, Canada là 68USD/MWh, Australia là 69USD/MWh, Trung Quốc là 80-91USD/MWh… Dự báo đến năm 2030, tổng nguồn cung năng lượng tái tại trên toàn thế giới ước đạt 11.425TWh, gấp khoảng 270 lần tổng sản lượng điện của Việt Nam năm 2016.

Dự kiến đến năm 2050, 43% sản lượng điện của Việt Nam sẽ từ các nguồn năng lượng tái tạo. Quy mô dân số năm 2050 đạt khoảng 140 triệu người, điều này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 60 triệu người Việt Nam được sử dụng điện từ nguồn mặt trời, gió, thủy điện, sinh khối…

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, TS Trần Thị Thu Trà cũng nhấn mạnh, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo là tất yếu và là xu hướng mà nước ta đang hướng tới. Đến năm 2020, công suất điện gió cả nước ước đạt 800MW, năm 2025 là 2.000MW và đến năm 2050 đạt khoảng 6.000MW (gấp khoảng 2,5 lần công suất Nhà máy Thủy điện Sơn La). Về nguồn điện mặt trời, theo TS Trần Thị Thu Trà, đến năm 2025 công suất cả nước sẽ đạt 4.000MW, đến năm 2030 là 12.000MW, ngoài ra, điện sinh khối sẽ có sản lượng khoảng 1% năm 2020 và 1,2% tổng sản lượng điện vào năm 2025…

Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm về giải pháp tổng thể về năng lượng tái tạo và giải pháp mạng lưới điện thông minh “made in Việt Nam” của Tổng Công ty Thiết bị điện Việt Nam (GELEX). Trong đó, công tơ điện tử thông minh GELEX-EMIC và máy biến áp hiệu suất cao sử dụng lõi thép vô định hình (Amorphous) là những sản phẩm thiết bị điện công nghệ cao được sản xuất trong nước. GELEX hy vọng sản phẩm thiết bị điện công nghệ cao và các giải pháp giúp tối ưu hóa quản lý lưới điện sẽ được các khách hàng sử dụng thay thế dần cho các sản phẩm nhập khẩu, giúp tiết kiệm được một phần nguồn ngân sách của ngành điện lực Việt Nam và làm giảm tỷ trọng nhập siêu của nền kinh tế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Đặng Huy Cường đã đánh giá cao sáng kiến phối hợp tổ chức hội thảo, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai thực hiện các quy hoạch, chiến lược về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường quốc gia, ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo ông Cường, nhu cầu điện năng của cả nước đang tăng trung bình 7-8%/năm. Dự báo, năm 2020, tổng nhu cầu ước đạt 60.000MW, đến năm 2050 là 129.000MW. Hiện tại, Việt Nam đã khai thác gần hết tài nguyên thủy điện. Nguồn than đá sản xuất nhiệt điện đã phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nhiệt điện chạy dầu đang bộc lộ hạn chế về ô nhiễm môi trường và giá thành không ổn định. Các ý kiến đóng góp tại hội thảo góp phần phục vụ công tác nghiên cứu đi đến ứng dụng nhằm hoàn thành chiến lược phát triển ngành năng lượng tái tạo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 nói riêng.

Nguyễn Kiên