Hướng nghiệp là xu thế tất yếu

07:00 | 23/04/2017

2,044 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK GDPT) xác định: “Đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh”.

Đã có nhiều lần đổi mới giáo dục nhưng từng có những đổi mới lại gây khó khăn thêm cho việc dạy và học. Một điều khiến cho cả xã hội băn khoăn là chất lượng thực chất của học sinh. Học rất nhiều nhưng khả năng thực hành thì hạn chế. Ngay số học sinh đi thi quốc tế cũng bộc lộ những lỗ hổng về khả năng này so với học sinh các nước. Đó là những thế hệ học sinh giỏi lý thuyết chứ không biết thực hành. Do đó, dự thảo chương trình phổ thông tổng thể mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố nhằm khắc phục phần nào tình trạng này.

Suốt mấy chục năm nay, học sinh các cấp khổ sở vì sự quá tải trong chương trình học tập. Nhiều chuyện cười ra nước mắt về sự học của học sinh từ tiểu học đến THPT được cả xã hội biết đến. Học ở trường rồi học thêm ở nhà thầy cô, quay như chong chóng, mụ mẫm cả người mà có khi đi thi vẫn trượt. Học quá nhiều môn mà rồi môn nào cũng như “cưỡi ngựa xem hoa” cả. Do đó, niềm mong mỏi cháy bỏng của học sinh và phụ huynh là được giảm tải chương trình.

huong nghiep la xu the tat yeu
Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp cho học sinh THPT

Chương trình đổi mới lần này đã giải quyết niềm mong ước đó. Giảm số môn học, không quy định cứng thời gian học cho từng môn; việc dạy ngoại ngữ có thể bắt đầu từ lớp 1, lên lớp 10 là học sinh được định hướng nghề nghiệp... Đó là điểm mới của dự thảo chương trình phổ thông tổng thể.

Không quy định thứ tự tuần học cho từng môn mà chỉ quy định số tiết mỗi môn cần đạt trong năm. Thời gian học sẽ do từng trường sắp xếp. Ở bậc trung học cơ sở, số môn học giảm xuống còn các môn gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Ở bậc THPT, chương trình mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp với các môn học phân hóa gồm Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán, Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và công nghệ - trong đó mỗi kỳ học không quá 7 môn.

Nội dung các môn học này giúp học sinh có cái nhìn tổng quát về lĩnh vực khoa học tương ứng với mỗi môn học, vai trò và ứng dụng của mỗi ngành khoa học trong đời sống thực tế, tạo điều kiện để học sinh nhận thức rõ hơn năng lực, sở trường của bản thân, từ đó giúp học sinh lựa chọn các môn học ở lớp 11 và lớp 12 một cách phù hợp.

Ở các lớp 11, 12, ngoài một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh chỉ cần chọn 3 trong số 12 môn còn lại phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, học sinh vẫn học theo những mạch nội dung được xác định từ giai đoạn giáo dục cơ bản, nhưng học sâu hơn, có tính hướng nghiệp hơn; có sự phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp

Một điểm mới nữa là: Chương trình mới không đóng khung trong một bộ sách giáo khoa mà áp dụng chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách". Trong thời lượng của chương trình cũng dành 2 tuần một năm cho nội dung giáo dục của địa phương. Chương trình giữ tính ổn định, nhưng vẫn sẽ có những điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.

Mấy năm nay ở nước ta xuất hiện những thạc sĩ, cử nhân bỏ bằng cấp và xin đi học nghề vì trình độ được đào tạo không đáp ứng được yêu cầu công việc chuyên môn. Tư duy trọng bằng cấp đã bị thực tế đào thải, nhất là ở thời đại hội nhập hiện nay. Kỹ sư mà tay nghề thua xa công nhân thì không thể tồn tại. Do đó, ngay từ cấp học phổ thông, việc hướng nghiệp đã phải chú ý tới.

Học hàm, học vị trở thành mốt thời đại nên nước ta quá nhiều giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ. Vì thế, các loại học hàm, học vị đã bị báo động chất lượng và bắt đầu phải tính đến việc đổi mới quy trình xét phong giáo sư, tiến sĩ cho thiết thực.

Chương trình đổi mới được xây dựng lần này nêu lên 10 năng lực cốt lõi. Đó là những năng lực mà ai cũng cần có để sống và làm việc trong xã hội hiện đại. Theo kế hoạch, đến tháng 9 này, toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học sẽ được ban hành. Chương trình đã được thực nghiệm trong quá trình xây dựng dưới nhiều hình thức, kể cả biên soạn và dạy thực nghiệm một số nội dung mới.

Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn cho các tổ chức, cá nhân viết SGK và tập huấn giáo viên dạy theo chương trình mới. Như vậy, có khả năng thực hiện đúng tiến độ Quốc hội đã đề ra: Đầu năm học 2018-2019 sẽ triển khai chương trình mới.

Cùng với đổi mới cách dạy, cách học thì việc đánh giá kết quả giáo dục cũng sẽ có nhiều thay đổi lớn. Các trường học sẽ tổ chức đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Như vậy, hướng nghiệp đã được quan tâm trong lần đổi mới này.

Bùi Ngọc

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc