Hòn Đá Bạc

19:33 | 12/06/2021

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Hòn Đá Bạc, cách thành phố Cà Mau khoảng 50 km, cách đất liền khoảng 500 mét, có diện tích 6,34 ha, nằm ở phía tây Bán đảo Cà Mau, thuộc địa phận ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.
Có một Có một "Đà Lạt thứ hai" của Tây Nguyên
Đỉnh Pú Đao - Điểm đến đẹp nhất Đông Nam ÁĐỉnh Pú Đao - Điểm đến đẹp nhất Đông Nam Á
Hòn Đá Bạc
Hòn Đá Bạc.Ảnh: Thanh Quang.

Hòn Đá Bạc bao gồm Hòn Ông Ngộ, Hòn Đá Bạc, Hòn Đá Bạc Lẻ. Đỉnh cao nhất của hòn khoảng 50 mét so với mặt nước biển. Tuy không phải là một hòn đảo lớn nhưng Hòn Đá Bạc rất thuận tiện cho các loại phương tiện khai thác biển vào neo đậu và tránh gió bão. Cùng với Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc là một trong những cụm đảo có vị trí chiến lược về Kinh tế-Quốc phòng-An ninh trên vùng biển - đảo Cà Mau.

Hòn Đá Bạc
Hòn Ông Ngộ. Ảnh: Thanh Quang.

Nhìn trên bản đồ, Hòn Đá bạc như một trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng biển phía tây nam Mũi Cà Mau. Hòn Đá Bạc - như tên gọi của nó - xung quanh hòn, trên mặt nước, dưới đáy biển hàng ngàn viên đá granit đủ mọi kích cỡ nằm chồng lên nhau tạo thành nhiều hình dáng như có sự sắp đặt của con người. Đi trên Hòn Đá Bạc, du khách bắt gặp bàn tay Tiên, dấu chân Tiên, giếng Tiên, bàn chân cọp. Trên đỉnh phía đông của Hòn Đá Bạc có các tảng đá to và bề mặt khá rộng. Khoảng giữa hai mảng đá có khuyết một hố sâu giống như hình bàn chân. Tương truyền rằng, dấu bàn chân ấy là bàn chân Tiên, còn mảng đá này là sân Tiên.

Hòn Đá Bạc
Câu cá ven Hòn Đá Bạc. Ảnh: Thanh Dũng.

Trên hòn có một vài ngôi chùa nhỏ như chùa Hang, chùa Tịnh độ. Đặc biệt, trên đỉnh cao nhất của Hòn Đá Bạc là đền thờ Ông Nam Hải - nơi thờ bộ xương cá Ông dài 13m. Ngày 20/5/1995, cá Ông dạt vào khu vực cửa sông Ông Đốc. Khoảng 3 ngày sau, Ông lụy (chết), ngư dân Sông Đốc đem chôn và đến năm 1996 đưa bộ xương về Hòn Đá Bạc để thờ cúng. Ngư dân vùng này mỗi khi đi biển gặp sóng to, gió lớn đều được cá Ông cứu giúp. Vì thế, ngư dân nơi đây thầm cảm ơn Ông và đem thờ Ông như một vị thần cứu nhân độ thế. Tương truyền, đền thờ Ông Nam Hải rất thiêng. Ngày nay, không chỉ ngư dân trong khu vực mà cả du khách thập phương nghe tiếng Ông linh thiêng đều kéo về cúng viếng và cầu mong Ông phù hộ độ trì cho gia đạo bình an, không gặp sóng gió, trắc trở.

Hòn Đá Bạc
Bia chiến thắng chuyên án CM12. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Hòn Đá Bạc còn có một thảm thực vật tự nhiên thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo. Thảm thực vật ấy như một chiếc áo choàng lên mình để tạo cho Đá Bạc ngày một xanh hơn. Biển đá Bạc là nơi sinh sản, trú ẩn của nhiều loài sinh vật biển. Dưới làn nước biển xanh, từng làn cá đối, cá nâu cứ quấn quýt bên nhau. Đến đây, du khách có thể thư giãn với thú câu cá, vớt cá bên khe đá, dưới chân hòn. Hòn Đá Bạc còn là nơi sinh sản, trú ngụ của loài hàu. Từ năm này sang năm khác, loài hàu ấy cứ bám mình vào các tảng đá ngầm để sinh sôi, nẩy nở. Càng thích thú hơn, khi nước triều xuống du khách có thể tự tay đục những con hàu ấy làm món ăn cho chính mình.

Hòn Đá Bạc
Lãnh đạo tỉnh và lực lượng công an nhân dân tỉnh Cà Mau dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ ở Hòn Đá Bạc. Ảnh: Diễm Phương.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địch đã chọn Hòn Đá Bạc làm nơi đóng Trung đội pháo 105 ly để khống chế vùng căn cứ cách mạng Khánh Bình Tây và tuyến ven biển phía Tây Cà Mau. Đây còn là địa điểm diễn ra chuyên án CM12, đánh bại âm mưu nhập biên phá hoại, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta của tổ chức phản động “Việt Nam phục quốc” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu.

Hòn Đá Bạc
Nhà truyền thống Công an nhân dân. Ảnh: Diễm Phương.

Ngày 22/6/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích: Hòn Đá Bạc - Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12 (09/9/1981- 09/9/1984) là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Bộ Công an và tỉnh Cà Mau đã xây dựng Tượng đài chiến thắng CM12, Nhà truyền thống, đền thờ Bác Hồ tại khu di tích nổi tiếng này.

Hòn Đá Bạc
Cầu từ đất liền nối ra Hòn Đá Bạc. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Do địa thế nằm sát đất liền, Hòn Đá Bạc được Công ty TNHH thương mại Minh Nhật đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng để khai thác, đánh thức tiềm năng du lịch nơi đây như đường nội bộ, hệ thống cung cấp nước sạch, chiếu sáng, nhà hàng, khách sạn. Đồng thời mạnh dạn đầu tư xây dựng cầu vượt biển để nối liền các đảo ở Hòn Đá Bạc với đất liền, nhằm tạo điều kiện cho du khách đến tham quan, nghỉ mát tại khu du lịch sinh thái này.

https://dulich.petrotimes.vn/

Camau.gov.vn

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]