Học sinh chết sau khi bị phạt: Cô giáo có thể phải đi tù!

11:10 | 15/01/2015

2,483 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Luật sư Đặng Xuân Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nói: “Nếu xét về pháp luật thì hành vi của cô giáo V. có dấu hiệu của tội "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" nên khi truy cứu có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 6 năm. Ngoài ra cô giáo V. còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Sự việc xảy ra vào ngày 9/1/2015, nữ sinh Lê Thị Phước Hải (lớp 6/7 Trường THCS Phan Bội Châu, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) mất trật tự trong giờ học công nghệ. Vì hành vi này mà giáo viên T.T.T.V đã bắt em nằm lên bàn rồi lấy thước đánh vào mông cô bé.

Vì quá sợ hãi nên nữ sinh này đã ngất xỉu tại chỗ, sau đó được đưa đi cấp cứu tại Trạm Y tế trường, rồi chuyển lên bệnh viện tuyến trên nhưng nữ sinh Phước Hải đã tử vong.

Nguyên nhân tử vong được xác định là do em Phước Hải có tiền sử bệnh động kinh. Sau cái chết của nữ sinh Lê Thị Phước Hải, cô giáo T.T.T.V đã đến gia đình học sinh thắp hương và nói lời xin lỗi.

Đồng thời, gia đình nữ sinh Lê Thị Phước Hải cũng đã viết đơn gửi cơ quan công an đề nghị không khởi tố hình sự vụ án, không khám nghiệm tử thi.

Thế nhưng xét về luật, hành vi của cô giáo V. được đánh giá như thế nào?

Trao đổi với PetroTimes về vấn đề này, Luật sư Đặng Xuân Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nói: "Hành vi của cô giáo V. có dấu hiệu của “Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” được quy định tại Điều 99 Bộ Luật hình sự. Bởi lẽ, cô giáo V phạm tội trong quá trình làm việc, cụ thể là giờ hành chính. Thêm nữa lại vi phạm quy tắc nghề nghiệp, khi giáo viên không được dùng vũ lực đối với học sinh trong quá trình giảng dạy.

Di ảnh của em Lê Thị Phước Hải.

Vì vậy nếu xét về hành vi thì cô giáo V có dấu hiệu "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính". Tội danh này được thể hiện cụ thể trong điều trong Điều 99 rằng:

“Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 6 năm..."

Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Trong trường hợp gia đình em học sinh có đơn không khám nghiệm tử thi và không truy tố trách nhiệm hình sự, luật sư Đặng Xuân Cường phân tích: Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của người phạm tội đối với nhà nước. Vì vậy khi có hành vi phạm tội xảy ra thì cơ quan có thẩm quyền phát hiện kịp thời và xử lý.

Hơn nữa trường hợp của cô giáo V không phải là tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự. Việc khởi tố vụ án trong trường hợp này không thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, theo quy định của Điều 105 Bộ Luật Tố tụng hình sự. Cụ thể:

1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.

Khẳng định trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của người có hành vi phạm tội đối với nhà nước, chứ không phải trách nhiệm của người phạm tội đối với người bị hại (trách nhiệm đối với gia đình người bị hại chỉ là trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại).

Trong mọi trường hợp, khi phát hiện có hành vi phạm tội thì cơ quan có thẩm quyền đều phải nhanh chóng xác minh, nhằm kịp thời xử lý vụ việc. Nếu có vụ việc có hành vi phạm tội thì phải kịp thời khởi tố vụ án, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Để có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự, cần phải xác định mối quan hệ giữa nhân quả giữa hậu quả và hành vi. Tức thông qua kết quả giám định pháp y để xác định được nguyên nhân dẫn đến cái chết cho cháu là gì?

Trường hợp xảy ra vụ việc dẫn tới cái chết của nữ sinh Phước Hải cần làm rõ nguyên nhân do sai phạm của cô giáo hay do nguyên nhân bệnh lý.

Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Luật sư Đặng Xuân Cường cũng khẳng định: “Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của người phạm tội đối với nhà nước. Vì vậy khi có hành vi phạm tội xảy ra thì đều phải được kịp thời phát hiện và xử lý. Do vậy, trừ một số trường hợp theo yêu cầu của người bị hại thì trong mọi trường hợp khi có hành vi có dấu hiệu phạm tội, cơ quan có thẩm quyền đều phải kịp thời pháp hiện và xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.

Huyền Anh (tổng hợp)