Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (19/6/1981 – 19/6/2021):

Hoạt động tài chính tiền tệ trong quá trình hình thành và phát triển của Vietsovpetro

09:55 | 18/06/2021

6,262 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Vietsovpetro qua 40 năm hình thành và phát triển đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn, đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta thấy được giá trị lớn lao của công sức và trí tuệ mà lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước nhiều thời kỳ, nhiều thế hệ người lao động hai nước đóng góp để tạo ra những kỳ tích như ngày hôm nay. PetroTimes xin chia sẻ kỷ niệm sâu sắc về những ngày đầu thành lập Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro… qua lời kể của TS. Nguyễn Xuân Thắng, nguyên Thành viên HĐTV Tập đoàn, nguyên Chánh Kế toán Vietsovpetro.

Là một trong những người đầu tiên vào làm việc tại Vietsovpetro, không khí chuẩn bị kỷ niệm 40 năm hình thành và phát triển Xí nghiệp làm những ký ức về một thời gian khó cứ ào về trong tôi, thôi thúc tôi nhớ lại.

Tháng 6/1981, Trung tướng Nguyễn Hòa - Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí đã ký các quyết định cử nhóm công tác đầu tiến vào cho Bộ máy điều hành Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro. Anh em cán bộ từ Hà Nội và từ khắp các vùng miền đất nước được triệu tập về Vũng Tàu, bố trí ăn nghỉ tại 95 Lê Lợi (nay là 105 Lê Lợi), trong khu nhà Viện Nghiên cứu khoa học và Thiết kế dầu khí biển làm việc ngày nay. Ít lâu sau, phân nửa số cán bộ khung ấy, trong đó có anh Nhậm, anh Cảnh, được cử đi thực tập Bacu (Liên Xô). Những người còn lại như anh Hồng - Phụ trách văn phòng phiên dịch, anh Dĩnh - Trưởng phòng Hành chính Quản trị, anh Duyên - xây dựng cơ bản, anh Vì, anh Thuyết, anh Đoàn và anh em chúng tôi còn lại lo công tác hậu cần. Khi mới thành lập, chỉ một Phía Việt Nam chuẩn bị cho các hoạt động này.

Anh Nguyễn Hồng Thanh - Đại tá chuyển ngành - được cử từ Tổng cục Dầu khí về phụ trách công tác đảng. Các anh Hồ Tế, Nguyễn Ngọc Sớm giao cho tôi chuẩn bị thành lập Chi đoàn thanh niên lâm thời đầu tiên của Xí nghiệp. Đến năm 1982, khi có thêm Chi đoàn Cục Xây lắp và Chi đoàn Khối bảo vệ, Liên chi đoàn Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro ra đời. Anh Vì phụ trách Tổ chức cán bộ lo làm các thủ tục để Tổng Giám đốc ĐG. Mameboy ký Hợp đồng lao động cho gần 20 cán bộ công nhân viên đầu tiên của Vietsovpetro. Trong danh sách, tôi là người thứ chín ký hợp đồng với chức danh Kinh tế trưởng của phòng Tài chính Bộ máy điều hành và mang danh số 10. Anh Nguyễn Hòa, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dầu khí kiêm chức Phó Tổng Giám đốc thứ nhất theo quyết định của Trung ương nên không mang danh số.

Đến quý II-1982, các anh được cử đi thực tập tại Bacu trở về Vietsovpetro, bộ khung lãnh đạo với các chức danh là Vụ trưởng, Vụ phó của Tổng cục Dầu khí đã góp phần ổn định cơ cấu lực lượng nòng cốt đưa vào công trình trọng điểm phía Nam này. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí của Vietsovpetro đã có sự đóng góp của hàng chục ngành khoa học, của những nhà khoa học đầu ngành Việt Nam như các anh Ngô Thường San, Trần Ngọc Cảnh,... của các nhà khoa học Liên Xô như các ông G.N. Belianhin, V.Ph. Sterilin và nhiều người khác nữa, của những nhà quản lý và chỉ đạo Vietsovpetro đầu tiên như các anh Hồ Tế, Đặng Đình Cần... Và lớp trẻ chúng tôi cũng đã góp phần nhỏ bé của mình cho hoạt động sản xuất và quản lý của Ban Chấp hành Đoàn Vietsovpetro lúc bấy giờ.

Ban Chấp hành Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Vietsopetro khóa I (năm 1982)
Ban Chấp hành Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Vietsopetro khóa I (năm 1982)

Sau khi chúng tôi ký Hợp đồng lao động, ông Đặng Đình Cẩn, Vụ trưởng Vụ Tài vụ, giao cho anh Thuyết, anh Đoàn và tôi nhiệm vụ lập dự toán chi phí hoạt động cho Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro tháng 12-1981 và cả năm 1982. Đồng thời, tôi được giao nhiệm vụ đi mở tài khoản đầu tiên của Vietsovpetro tại Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tại Vũng Tàu (thực chất lúc đó chỉ là phòng Ngoại hối).

Về tổng thể, hoạt động tài chính, tiền tệ của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro từ ngày thành lập theo Hiệp định Liên Chính phủ ngày 19/6/1981 đến nay có thể chia thành 3 giai đoạn: 1981-1985, 1986-1990 và giai đoạn từ sau khi sửa đổi Hiệp định (năm 1991) đến nay.

Giai đoạn 1981-1985: Hai Bên góp vốn chủ yếu bằng hiện vật vào vốn pháp định của Vietsovpetro. Phía Liên Xô cung cấp vật tư, thiết bị, các dịch vụ khảo sát, thăm dò và khai thác ngoài biển. Phía Việt Nam góp nhà cửa, phương tiện làm việc, bảo đảm ăn, ở, hậu cần..., và đồng Việt Nam cho nhu cầu chi phí tại Việt Nam.

Trong giai đoạn này, Liên Xô cho Việt Nam vay để góp vốn theo nguyên tắc 50/50 bằng Nghị định thư cho vay 300 triệu Rúp chuyển nhượng và 600 triệu Rúp ngoại tệ.

Giai đoạn 1986-1990: Hai Bên góp vốn bằng tiền (Rúp chuyển nhượng, ngoại tệ và đồng Việt Nam). Trong giai đoạn này, Liên Xô cho vay theo Nghị định thư 375 triệu Rúp chuyển nhượng. Năm 1986, khi bắt đầu tiến hành khai thác dầu khí, hai bên đồng ý dành doanh thu bán 1 triệu tấn dầu đầu tiên làm nguồn vốn cho hoạt động của Vietsovpetro. Lúc này, Liên Xô cho vay với lãi suất 4%/năm trên gốc, mở 3 tài khoản ở Ngân hàng Ngoại thương để theo dõi vốn vay và trả nợ (tài khoản tiền vay, tài khoản trả tiền vay và tài khoản lãi và trả lãi vay). Khoản vay bằng ngoại tệ tự do tính theo lãi suất LIBOR cũng mở 3 tài khoản tương tự để theo dõi.

Liên quan đến hoạt động tài chính của Vietsovpetro, việc đàm phán mà đại diện Phía Việt Nam thời kỳ đầu tiêu biểu là các anh: Ngô Thiết Thạch, Hồ Tế, Đặng Đình Cẩn, Nguyễn Đức Tân... Chúng tôi (tôi, anh Hoàng Văn Hoan và anh Đỗ Đình Khải) là những người đầu tiên thực hiện việc theo dõi tính toán, hạch toán đã thấy rõ sự phức tạp và khó khăn trong quy trình Liên Xô giao hàng cho Vietsovpetro được tính cho Việt Nam vay 50% giá trị các chuyến hàng theo vận đơn giao trên boong tàu tại cảng.

Phần vốn do Phía Việt Nam góp chỉ được tính điểm góp vốn khi ký bàn giao công việc, công trình. Vấn đề này phức tạp vì chúng ta tiến hành nghiệm thu công trình và thủ tục khi đó còn chưa hoàn hảo và còn chậm.

Về thủ tục góp vốn, tất cả các hạng mục công trình, dịch vụ và cả tiền đồng Việt Nam góp để Phía Liên Xô chấp nhận ghi vào vốn góp, trong đó ghi 50% vốn góp của Phía Liên Xô để trừ vào Phía Liên Xô cho vay góp được thể hiện qua các bước sau: Công việc thực hiện - Vietsovpetro chấp nhận (xác nhận) công việc dịch vụ - Công ty Petechim làm thủ tục - qua Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - qua Ngân hàng Ngoại thương Liên Xô ghi số chấp nhận và báo lại.

Trong giai đoạn 1986-1990, hai bên góp bằng tiền ngang nhau chuyển vào tài khoản của Vietsovpetro mở tại Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Liên Xô. Tiền đồng Việt Nam và ngoại tệ tự do gửi tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh tại Vũng Tàu. Số tiền đồng Việt Nam góp được quy ra Rúp chuyển nhượng (theo kế hoạch). Ở đây phải nói sự phức tạp là những gì thuộc về công trình, vật tư, thiết bị thì được tính là Rúp mậu dịch. Những gì thuộc về hậu cần sinh hoạt dịch vụ do PTSC, OSC cung cấp thì là phi mậu dịch và được tính toán, hạch toán theo tỷ giá mậu dịch, phi mậu dịch tương ứng. Chúng ta đã cố gắng góp các công trình dịch vụ và tiền Việt Nam nhiều lên, số vay Rúp chuyển nhượng sẽ ít đi.

Việc phân chia lợi ích các bên thể hiện qua quy định “Các vấn đề tiền tệ - tài chính liên quan đến hoạt động của Vietsovpetro” và phản ánh qua doanh thu, chi phí và lợi nhuận các Phía dược chia hàng năm.

Trong năm 1991, Vietsovpetro tính toán lại vốn pháp định của Vietsovpetro bằng đồng đôla Mỹ trên cơ sở hệ số chuyển đổi do Bộ Tài chính, Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Liên Xô cùng với Bộ Tài chính, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam xác định, và sau đó được xác định là 1,5 tỷ USD.

Số tiền 512,5 tỷ đồng do Vietsovpetro nhận được qua việc bán 5 triệu tấn dầu thô cho các tổ chức Việt Nam được phân bổ tính vào vốn lưu động của Vietsovpetro và phần lãi của các phía đưa vào vốn pháp định theo tỷ lệ 50/50 cho mỗi Phía và phần chia lãi được chia cho các Phía phù hợp theo Hiệp định ký ngày 19/6/1981 và Nghị định thư giữa các bên ký ngày 25/10/1985.

Với các quy định ban đầu của Hiệp định này, Việt Nam không phải bỏ ra một số vốn lớn ban đầu trong điều kiện bị cấm vận và có nhiều khó khăn về kinh tế. Thời kỳ nà, chúng ta được đào tạo, tiếp thu và nắm bắt công nghệ cũng như đúc rút kinh nghiệm trong tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Thành tựu nổi bật năm 1984, Việt Nam đã tìm thấy dòng dầu đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ và sau đó đến năm 1985 tìm thấy mỏ Rồng và năm 1998 là mỏ Đại Hùng. Đặc biệt năm 1987, trữ lượng dầu khí công nghiệp trong tầng móng mỏ Bạch Hổ đã được phát hiện. Đây là sự đóng góp quan trọng của Vietsovpetro cho khoa học dầu khí của Việt Nam và thế giới, làm thay đổi cách nhìn và tạo điều kiện xây dựng mô hình mới và có chiến lược tìm kiếm, thăm dò dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và vùng Đông Nam Á, là điều kiện hấp dẫn lôi cuốn các công ty dầu khí nước ngoài đầu tư vào Việt Nam qua các năm.

Thời kỳ hoạt động của Vietsovpetro từ năm 1991 đến nay theo tinh thần Hiệp định Liên Chính phủ (sửa đổi) ký ngày 16/7/1991 và Hiệp định ký ngày 27/12/2010 đã chuyển hoạt động của Vietsovpetro sang giai đoạn mới, giai đoạn chuyển đổi về chất trong hợp tác và thay đổi căn bản về cơ chế tài chính. Sự nghiệp dầu khí vẻ vang đối với “những người đi tìm lửa”, trong đó sự đóng góp của cán bộ công nhân viên làm công tác tài chính, kế toán thầm lặng nhưng vẻ vang cũng đã được Nhà nước ghi nhận qua từng thời kỳ và kế tiếp sẽ luôn là điểm tựa cho các hoạt động dầu khí của Vietsovpetro.

T.L ghi

DMCA.com Protection Status