Thực phẩm chức năng giả:

Họa từ... sính ngoại!

11:42 | 10/08/2013

745 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tâm lý “sính ngoại” của không ít người tiêu dùng đang trở thành con dao hai lưỡi mang lại hiểm họa cho chính họ. Trong đó, việc sử dụng các loại thực phẩm chức năng có xuất xứ từ nước ngoài như Nhật Bản, Anh, Úc, Mỹ… là một thói quen “sính ngoại” không hề có lợi. Điều này càng được minh chứng hơn khi lực lượng chức năng vừa phát hiện hơn 260 thùng thực phẩm chức năng rởm với gần… 6 triệu viên và được đóng mác “hàng xách tay”…

Gần 6 triệu viên “thực phẩm chức năng” chờ đóng gói

Đội 6 Phòng Cảnh sát môi trường CA TP Hà Nội vừa phối hợp cùng Đội 1 Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Đội Chống hàng giả Phòng Cảnh sát kinh tế và Đội Cảnh sát môi trường Công an quận Đống Đa tiến hành kiểm tra số nhà 166B cụm 3, phường Trung Liệt, Thái Hà, Hà Nội, phát hiện hơn 260 thùng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc đang chờ đóng gói rồi chuyển đi tiêu thụ, ước tính lô hàng này có tới hơn 6 triệu viên thuốc.

Các sản phẩm chủ yếu là sữa ong chúa, collagen, sụn vi cá mập, tảo Nhật, tỏi đen… Tại hiện trường, các đối tượng đang đóng gói bao bì sản phẩm các lọ thực phẩm chức năng rởm để chuẩn bị đem đi tiêu thụ. Trên sàn nhà có rất nhiều vỏ hộp chưa dán tem nhãn để đựng thuốc, hàng trăm bao bì, tem nhãn vỏ hộp, băng dính hai mặt và cả tem chống hàng giả… Toàn bộ số hàng này đều không có một chứng từ nào, các giấy nhãn mác đều được đóng gói thủ công nhưng rất tinh vi và đẹp mắt. Trên nhãn mác đều ghi xuất xứ sản phẩm từ Australia và hạn sử dụng đến năm 2015-2016. Các viên nang đều được đóng gói trong bao nilon lớn.

Thực phẩm chức năng rởm bị bắt giữ

Đối tượng bị bắt tại hiện trường là Hoàng Nghĩa Dũng, sinh năm 1985, quê quán xã Hưng Chính, TP Vinh, Nghệ An. Theo lời khai, toàn bộ số hàng trên được đối tượng mua lại của một người tên Việt ở cửa khẩu Lạng Sơn mà không có bất cứ loại chứng từ hay giấy tờ chứng nhận xuất xứ của số hàng này. Nghĩa Dũng khai nhận đã thành lập Công ty Fresh Beauty, thuê trụ sở tại nhà số 9/176 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội để nhập lậu các loại thực phẩm chức năng, sau đó tổ chức đóng gói, dán nhãn mác giả biến lô hàng lậu thành những sản phẩm thực phẩm chức năng cao cấp có xuất xứ từ các nước Nhật Bản, Australia.

Ông Nguyễn Thành Trung, Đội phó Đội 6, Phòng Cảnh sát môi trường, CA TP Hà Nội cho biết, lô hàng bị bắt lần này lớn nhất từ đầu năm tới nay. Tính trung bình một hộp thực phẩm chức năng này có giá trên thị trường khoảng trên dưới 1 triệu đồng, trung bình một thùng có từ 20-50 hộp, trong khi giá tiền một hộp hàng giả này có giá tiêu thụ khoảng 150.000 - 200.000 đồng. Như vậy ước tính cả lô hàng này có giá trị lên tới hàng tỉ đồng. Để biết lô hàng này có độc hại hay không, các cơ quan chức năng sẽ mang mẫu phẩm đi làm xét nghiệm và công bố kết quả trong thời gian tới.

Thực ra, đây không phải là vụ bắt lô thực phẩm chức năng rởm đội lốt hàng cao cấp đầu tiên, năm 2011 đã xảy ra vụ hơn 100 thùng thực phẩm chức năng được dán nhãn mác xuất xứ từ Mỹ nhưng được sản xuất tại… Hải Dương, Công ty TNHH Liên doanh Takeda Việt Nam; Công ty CP Thiết bị y tế Hoàng Gia cũng đã vi phạm tương tự khi mua hàng chục loại thực phẩm chức năng của Trung Quốc nhưng khi phân phối ra thị trường lại đề... “made in USA”.

Thật, giả đều nguy!

Có cung ắt sẽ có cầu, nếu người tiêu dùng không có tâm lý “sính ngoại”, chuộng “hàng xách tay” với suy nghĩ cho rằng hàng ngoại thì đảm bảo hơn, chất lượng cao hơn hàng nội thì chắc sẽ không xảy ra nhiều vụ “đội lốt” hàng cao cấp như vậy. Điều đáng lo ngại hơn, đó là ngay cả đối với hàng thật thì thực chất những lời quảng cáo về công dụng của các loại thực phẩm chức năng cũng không chính xác 100%.

Theo báo cáo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế - đơn vị trực tiếp cấp phép lưu hành thực phẩm chức năng: Theo thời gian, số vụ vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng ngày càng tăng một cách đáng kể. Tính đến nay những vụ vi phạm ghi sai nguồn gốc xuất xứ chiếm 53% trong tổng số các sai phạm về thực phẩm chức năng. Còn riêng 10-2012, trong số 1.011 hồ sơ đăng ký mà Cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhận được thì có tới 90% phải điều chỉnh do nội dung quảng cáo không đúng như tác dụng của sản phẩm.

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm dẫn chứng cụ thể: “Có loại thực phẩm chức năng, hàm lượng vitamin C chỉ có 50gr nhưng khi in nhãn dán trên sản phẩm lại đề tới tận 500gr”!

Với giá thành khá cao, khoảng 1-3 triệu đồng 1 hộp thực phẩm chức năng, nhiều người tiêu dùng cứ chuộng “hàng ngoại” có xuất xứ từ những quốc gia có tiếng nhưng không ít người bị lừa bởi thực chất họ đã mua phải hàng rởm.

Hiện nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào cho thấy vi cá mập chữa trị hoặc phòng ngừa được bệnh ung thư. Mới đây, giới khoa học Mỹ còn cảnh báo trong vi cá mập có chứa độc tố thần kinh và hàm lượng cao loại hợp chất thủy ngân có hại cho sức khỏe con người. Còn đối với sữa ong chúa, tất cả những công dụng tuyệt vời như chữa bệnh, làm đẹp cho chị em phụ nữ thì mới chỉ dừng lại ở công bố nghiên cứu cá nhân, chứ chưa được chứng nhận chính thức.

Vụ bắt giữ lô hàng thực phẩm chức năng rởm đội lốt hàng cao cấp trên thật sự là hồi còi báo động đối với những người tiêu dùng vốn mang tâm lý “sính ngoại”, cả tin vào những lời quảng cáo về công dụng của thực phẩm chức năng. Đặc biệt cảnh báo hơn đối với những phụ nữ, người lớn tuổi và một số người bệnh cao huyết áp, bệnh tim đang chuộng sử dụng những loại thực phẩm chức năng này. Với những lời quảng cáo có cánh như: làm đẹp da, tóc, chống lão hóa, giảm cân, chống ung thư, giảm colesteron, tăng sức đề kháng, làm chậm quá trình lão hóa, tốt cho xương khớp, chữa các bệnh về khớp... khiến nhiều người tiêu dùng không ngần ngại bỏ ra một số tiền khá lớn để sử dụng những loại thực phẩm chức năng mà nguồn gốc không hề biết rõ. Với lượng hàng “rởm” như thế này thì hiệu quả chữa bệnh tốt đến đâu chưa biết, nhưng chắc chắn những khách hàng cả tin sẽ chịu hậu quả “tiền mất - tật mang”.

Thực phẩm chức năng chỉ có tính chất hỗ trợ tăng cường sức khỏe, hoàn toàn không phải là thuốc. Người tiêu dùng đừng quá cả tin vào những lời quảng cáo mà cần tìm hiểu kỹ lưỡng về hàm lượng, thành phần, hiệu quả sản phẩm có được khoa học chứng minh, giá cả có hợp lý và nguồn gốc xuất xứ có đáng tin cậy hay không?!

Thanh Huyền