Hoa Kỳ: Đừng quên Mỹ La tinh!

14:21 | 16/11/2011

1,246 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Trong công bố chính sách đối ngoại “Thế kỷ Châu Á – Thái Bình Dương” của mình, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Tổng thống Obama đã không ngần ngại đặt châu Á lên vị trí trọng tâm chiến lược ngoại giao trong thế kỷ 21 của mình. Nhưng  nếu thực sự muốn giành chiến thắng, Hoa Kỳ sẽ cần Mỹ La tinh, đó là phân tích trên Tạp chí đối ngoại của Mỹ mới đây.

>>Tương lai của Mỹ là ở châu Á – Thái Bình Dương

Sau khi chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương với những khẳng định mạnh mẽ sẽ tập trung các nỗ lực ngoại giao vào châu Á – Thái Bình Dương trong thế kỷ 21, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ đến Australia và Indonesia trong một động thái biểu đạt quyết tâm thực hiện cam kết này. Nhưng giờ là lúc người ta nên nhìn lại và nhớ rằng những chuyến công du quan trọng nhất của ông Obama trong nhiệm kỳ Tổng thống tại Nhà trắng không phải được thực hiện ở phía Đông mà là ở phương Nam.

Hồi tháng 3, trong khi Nhật Bản đang khốn đốn trong cơn khủng hoảng hạt nhân sau thảm họa sóng thần và chiến sự tại Libya đang leo thang ác liệt, ông Obama đã thực hiện một chuyến công du quốc tế mà các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây gần như hoàn toàn bỏ qua. Điểm đến của ông Obama lúc đó là Brazil, Chile và El Salvador. Cũng có những áp lực phải hủy bỏ chuyến đi nhưng các phương tiện truyền thông đã tiết lộ rằng ông Obama đã được hộ tống bởi các cố vấn quân sự và được cập nhật liên tục diễn biến tình hình của cả hai cuộc khủng hoảng trên từ một nơi ngụy trang an toàn.

Ông Obama đã công du Brazil tháng 3/2011 nhằm "hâm nóng" quan hệ hợp tác với đất nước rộng lớn thứ 5 thế giới

Tất nhiên, đây là những chuyến đi đã được lên lịch từ trước và không thể thay đổi, nhất là khi nó diễn ra chính xác vào thời điểm kỷ niệm 50 năm Tổng thống John F.Kennedy khởi xướng chương trình “Liên minh Tiến bộ” với Mỹ La Tinh để ngăn chặn ảnh hưởng của Cách mạng Cuba và mang lại sự mở rộng công nghiệp cho Mỹ từ Mexico đến Argentina.

Cuộc hành trình của ông Obama do đó có một mục đích chiến lược rất to lớn. Và dường như khác với những nhà lãnh đạo Washington bị ám ảnh bởi những vấn đề Trung Đông và Trung Quốc, ông Obama đã rất nhớ là có một Mỹ La tinh đang ở ngay sau lưng mình, không như người tiền nhiệm – Tổng thống George W.Bush năm 2005 khi đứng trước bản đồ Nam Mỹ đã giật mình kêu lên: “Wow! Brazil thật là lớn!”.

Với nỗ lực lôi kéo thiết lập một liên minh mới trên toàn châu Mỹ, ông Obama đã mặc nhiên thừa nhận một thực tiễn địa chính trị đang nổi là Mỹ La Tinh và vị trí của nó không kém hơn trụ cột thứ 3 là phương Tây, dọc theo châu Âu và Bắc Mỹ.

Không có nghi ngờ gì về việc Hoa Kỳ chắc chắn không thể có được lòng trung thành của Mỹ La Tinh mọi lúc, mọi nơi được. Chúng ta đang ở thời đại của một thế giới đa điểm thẳng hàng (multialignment) với một luật chơi công bằng cho các bên, không phân thứ bậc. Nam Mỹ đã mở rộng vòng tay chào đón các cường quốc châu Á từ nhiều năm rồi. Có thể minh họa cho sự hợp tác làm ăn đôi bên cùng có lợi này bằng thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Brazil và Bắc Kinh một năm trước; sự gia tăng xuất khẩu nguyên liệu thô của Chile và Argentina vào thị trường Trung Quốc trong những năm gần đây.

Brazil và Trung Quốc đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược từ năm 2010

Thật vậy, mục tiêu đầu tiên của địa chính trị là truy cập vào tài nguyên mà tài nguyên thì Nam Mỹ không thiếu, thậm chí rất dồi dào. 30% khả năng sinh tạo của thế giới đang… cư trú ở Nam Mỹ. Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng sự thật là rừng rậm Amazon luôn là lá phổi của cả thế giới. Lục địa này cũng là vựa lúa mì của cả hành tinh. Hầu hết các nguồn cung cấp thực phẩm cho toàn cầu như: chuối, đường, cam, cà phê, đậu nành, cá hồi, thịt lợn, thịt bò,… đều đến từ Nam Mỹ. Nơi đây cũng tập trung những mỏ khoáng sản bạc, đồng, chì, thiếc, kẽm, quặng sắt và lithinum lớn.

Châu Mỹ sẽ trở thành thủ đô năng lượng mới của thế giới

Và có lẽ điều quan trọng nhất là Mỹ La Tinh "đảm đương” được vai trò nền tảng cho bất kỳ chiến lược năng lượng tự cung tự cấp nào. Tương lai năng lượng của Bắc Mỹ phụ thuộc mạnh mẽ vào dầu mỏ và khí đốt dưới đáy biển Bắc Cực, các mỏ cát dầu khổng lồ ở Canada, các giếng dầu ngoài khơi Vịnh Mexico và tài nguyên khí đốt từ đá phiến sét mới phát hiện trên đất Mỹ. Thêm vào đó những khám phá dầu mỏ lớn ngoài khơi bờ biển Đại Tây Dương của Brazil và cộng với dự trữ dầu mỏ dồi dào của Venezuela… như vậy là đủ một giải pháp toàn diện cho sự độc lập năng lượng để đối phó với mọi nhiễu loạn ở các lục địa Á-Âu-Phi. Ngoài ra còn có một ưu thế mang tính bền vững khi nguồn ethanol sản xuất từ đường mía ở Brazil hiệu quả hơn gấp 4 lần so với sản xuất ethanol từ ngũ cốc ở Bắc Mỹ.

Theo chuyên gia năng lượng Daniel Yergin, trục năng lượng mới của Tây bán cầu chạy dọc từ Alberta, Canada – nơi Mỹ nhập khẩu 1% trong tổng số nhu cầu dầu mỏ mỗi năm – qua Texas và vịnh Mexico xuống tới Venezuela, Guiana (thuộc địa của Pháp) và Brazil. Do đó, chính sách năng lượng của Mỹ nên đẩy mạnh trục Tây bán cầu – như là Trung Quốc đang đẩy mạnh chính sách năng lượng tại Trung Đông.

Xây dựng một nền kinh tế Tây bán cầu mới là rất quan trọng với Mỹ, không chỉ để giải quyết vấn đề độc lập năng lượng mà còn tăng khả năng cạnh tranh công nghiệp. Châu Mỹ La Tinh là nơi sinh sống của 900 triệu người (chiếm khoảng 12% dân số thế giới) đại diện cho nền kinh tế trị giá 6 nghìn tỷ USD – ngang bằng với Trung Quốc. Thêm vào đó, lục địa này trẻ hơn và đô thị hóa nhanh hơn châu Á, xứng đáng là một "đối tác hiệu suất cao” của Mỹ. Ngoài ra, các nền kinh tế Mỹ La tinh không cảm thấy mối đe dọa từ Hoa Kỳ lớn như Trung Quốc – đối tác thường xuyên bán phá giá tất cả mọi thứ từ quần áo đến điện thoại di động vào khu vực, đe dọa đến 90% sản xuất xuất khẩu của Mỹ La Tinh và làm các nước này bị thâm hụt thương mại. Hơn một nửa sản phẩm xuất khẩu của Brazil sang các nước Mỹ La Tinh khác và 2/3 thị trường khác, từ đôi giày, chiếc dép cho đến xe hơi đều gặp phải những rủi ro cạnh tranh đến từ các đối thủ Trung Quốc.

Hàng hóa giá rẻ Trung Quốc cạnh tranh trên toàn cầu và đe dọa đến các nền sản xuất của các nước Mỹ La Tinh

Thay vì thuê các nước châu Á gia công (outsource) và thúc đẩy gia tăng cạnh tranh kinh tế của các đối thủ từ châu lục này, các công ty Hoa Kỳ có thể về "gần nhà” để liên doanh, liên kết với các đối tác cùng châu lục trong lĩnh vực năng lượng và chế tạo sản xuất. Tiền lương cho người lao động Trung Quốc đã tăng lên và không có lý do gì để các công ty Mỹ không chuyển hướng và trở lại Mexico, nơi thuận tiện hơn cho việc cung cấp hậu cần, có mối quan hệ chính trị gần gũi hơn, đồng nghĩa với ít rủi ro hơn và có được lợi nhuận cuối cùng lớn hơn. Thậm chí theo tính toán, 100 tỷ USD lợi nhuận từ ngành công nghiệp gia công phần mềm có thể được mang về cho Mỹ từ Ấn Độ nếu Mỹ chuyển hướng “outsource”. Về lâu dài, một chính sách công nghiệp ở Tây bán cầu là cách duy nhất để các nước châu Mỹ duy trì khả năng cạnh tranh với một châu Á ngày càng năng động.

Hoa Kỳ nên "hâm nóng" quan hệ với Mỹ La Tinh

Trong bối cảnh Mỹ đang lo ngại với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc và sự nghi ngờ của các công ty đa quốc gia mở đường cho chủ nghĩa thực dụng về sự cần thiết đầu tư nước ngoài và công nghệ, bây giờ chính là thời điểm để phục hồi mục tiêu của hiệp ước bán cầu. Hiện tại, Hiệp định tự do thương mại (FTA) của Mỹ với Colombia và Panama đang được đặt lên bàn thương lượng nhưng thêm FTA trong khu vực có nghĩa là nền kinh tế đang khó khăn của Mỹ sẽ có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn và tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn. Tăng cường tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế trong “các nước cộng hòa chuối” của Trung Mỹ mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ không chỉ qua việc giảm tỷ lệ nhập cư bất hợp pháp vào “miền đất hứa” này mà còn bằng những đồng Đô la thực sự: Hầu hết các nước này đều xuất khẩu hàng hóa của mình thông qua Florida, dùng dịch vụ của các hãng hàng không và cảng của Mỹ.

Nhìn nhận châu Mỹ La tinh là một phần thưởng chiến lược lớn hơn là đối tượng của cuộc vận động bầu cử Tổng thống tới là thách thức cơ bản của Obama. Và ông có thể sẽ nhận được sự ủng hộ từ Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Celso Amorim, người gần đây đã tuyên bố: “Hội nhập là cần thiết bởi vì trong một thế giới của những khối liên kết lớn, chúng ta sẽ mạnh hơn nếu chúng ta thống nhất”.

Bây giờ, có thể câu chuyện trung tâm lực hấp dẫn của thế giới đang dịch chuyển về phía Đông đang được người ta nói tới ở mọi lúc, mọi nơi nhưng có một sự thật rằng, dù Mỹ có thể sẽ tăng cường can dự và thiết lập quyền lực ở châu Á – Thái Bình Dương nhưng nguồn gốc của quyền lực của siêu cường vẫn phải được củng cố vững chắc ở phía Nam. Nhưng nếu Hoa Kỳ thành công trong việc tạo dựng một nền kinh tế mới ở Tây bán cầu với Mỹ La Tinh, phương Đông có thể sẽ mất thời gian lâu hơn để có thể bắt kịp với phương Tây.

Phương Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc