Hiệu quả của việc ứng dụng sàn thương mại điện tử thúc đẩy tiêu thụ nông sản

19:45 | 14/09/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Trang web kết nối cung - cầu (htx.cooplink.com.vn) của Tổ Công tác 970, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có hơn 1.400 đơn vị đăng ký và truy cập thường xuyên, kết nối tiêu thụ thành công hàng trăm tấn hàng hóa mỗi ngày cho các tỉnh, thành phố phía nam.

Tổ công tác 970 kết nối được hơn 1.400 đầu mối nông sảnTổ công tác 970 kết nối được hơn 1.400 đầu mối nông sản

Bình Phước giúp nông dân tiêu thụ nông sản trong mùa dịch Covid-19Bình Phước giúp nông dân tiêu thụ nông sản trong mùa dịch Covid-19

Theo ông Đặng Văn Thuật, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cho biết, thời gian gần đây luôn tất bật với các cuộc gọi từ khắp nơi hỏi thông tin mua bán về các sản phẩm trái cây, như: nhãn, dừa xiêm… "Đây là hiện tượng chưa từng có trước đây”.

Lý do là sau khi đăng ký thông tin trên trang web kết nối cung - cầu của Tổ công tác 970, nhiều đơn vị thu mua đã biết tới và liên hệ mua hàng, khơi thông ách tắc khâu tiêu thụ khi các tỉnh, thành phía nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Thực tế, trong tháng 8 vừa qua, hợp tác xã đã kết nối với một doanh nghiệp tại TP HCM đưa 2 tấn nhãn lên sàn thương mại điện tử Sendo.vn.

"Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi biết đến việc mua bán nông sản trên một loại hình thương mại như thế này. Nếu mọi việc thuận lợi, thời gian tới, hợp tác xã mong muốn sẽ phổ biến những kiến thức thương mại điện tử đến các thành viên để mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm”, ông Thuật cho biết thêm.

Hiệu quả của việc ứng dụng sàn thương mại điện tử thúc đẩy tiêu thụ nông sản
Việc ứng dụng sàn thương mại điện tử đã giúp người dân tiêu thụ được nhiều hàng hóa, nông sản/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trước nhu cầu này, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ Sen đỏ thông tin: Sendo.vn đã và đang sẵn sàng giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người nông dân ở các địa phương từng bước chuyển đổi số để đạt được sự ổn định và chủ động về đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời cam kết hỗ trợ 1:1 đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mới gia nhập trên Sendo.vn trong thời gian đầu để tư vấn mở cửa hàng và đăng bán sản phẩm trên Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia và Nông nghiệp số. Bên cạnh đó, Sendo cũng sẽ hỗ trợ miễn phí vận chuyển, truyền thông quảng cáo cũng như các cách thức duy trì kinh doanh dài hạn trên Sendo.

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn II, thành viên Tổ công tác 970 cho biết: Việc ứng dụng thương mại điện tử vào kết nối cung - cầu nông sản đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực như: Số liệu báo cáo nhanh, chính xác, phân tích và dự báo được xu hướng cung - cầu hàng hóa; người mua và người bán tiếp cận thông tin đầy đủ gồm: tên hàng, sản lượng, tên người liên hệ, số điện thoại liên lạc nên việc mua bán diễn ra thuận lợi cho cả người mua và người bán.

Từ đó đẩy nhanh thời gian cung cấp hàng từ các tỉnh về TP HCM trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16. Kết quả thống kê cho thấy, mỗi ngày kênh thông tin này đã kết nối thành công 300 - 400 tấn nông sản và hàng hóa thông qua việc gửi danh sách đầu mối cấp hàng đến email, tin nhắn Zalo cho đơn vị mua hàng như: hệ thống siêu thị, cửa hàng, tiểu thương các chợ đầu mối (kinh doanh ở nhà khi các chợ đầu mối đóng cửa).

Điều đáng nói là khi tham gia kết nối thông tin trên nền tảng thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp rất bất ngờ về số liệu nguồn cung nông sản chất lượng ở các vùng, miền và đã lên kế hoạch kết nối xây dựng vùng nguyên liệu đạt chất lượng cao để xuất khẩu trong thời gian tới, như sản xuất lươn tại Hậu Giang, vùng sản xuất mít tập trung 5.700 ha tại huyện Châu Thành (Hậu Giang), vùng trồng cây ăn trái hơn 1.100 ha (mít, ổi) tại huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), vùng nuôi tôm càng xanh ở U Minh Thượng (Kiên Giang)…

Trước đó, tại Bắc Giang thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khi vải thiều chuẩn bị vào vụ thu hoạch, chính việc tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn đã góp phần quan trọng tạo ra "kỳ tích” lớn, tiêu thụ hết 215.852 tấn vải. Trong đó, thị trường nội địa chiếm 58,6%, thị trường xuất khẩu 41,4%, giá bán bình quân đạt 19.800 đồng/kg, tổng doanh thu đạt 6.821 tỷ đồng.

Đặc biệt, cuối tháng 6/2021, hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn xuất khẩu GlobalGAP đã được sàn thương mại điện tử Voso.vn xuất khẩu và thông quan thuận lợi tại cảng sân bay Frankfurt (CHLB Đức). Đây là lần đầu tiên nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo mô hình "thương mại điện tử xuyên biên giới”.

Hiện nay, các tỉnh, thành phố phía nam đang đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thông qua trang web kết nối cung - cầu cho thấy, ứng dụng thương mại điện tử đã phát huy hiệu quả rõ rệt đối với tiêu thụ nông sản trong dịch Covid-19.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

PV