Hiệp định TPP đạt bước tiến quan trọng

15:37 | 22/02/2018

384 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 21/2, 11 quốc gia thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) công bố văn bản cuối cùng trước khi được chính thức ký kết vào ngày 8/3 tới. Ngoài việc thay đổi tên gọi, tân Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) còn loại bỏ hầu hết các điều khoản của Mỹ đưa ra trước đây.
hiep dinh tpp dat buoc tien quan trong
Trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản, ông Kazuyoshi Umemoto

Việc công bố toàn văn Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là tín hiệu rõ nhất về sự hồi sinh của TPP kể từ sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi. Ba ngày sau khi nhậm chức, thực hiện đúng cam kết trong chiến dịch tranh cử, ngày 23/1/2017, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh chính thức để Mỹ rút khỏi TPP.

Hiệp định TPP được kì vọng là chương trình hợp tác thương mại lớn nhất thế giới trong 20 năm qua, bao gồm các quốc gia lớn như Mỹ, Úc, Canada, Mexico, Nhật… Việt Nam cũng là một thành viên của thỏa thuận TPP. Trước đây, người tiền nhiệm Barack Obama kì vọng TPP, được chính thức ký kết vào tháng 2/2016, sẽ mở ra một thị trường hàng hóa rộng lớn cho các sản phẩm Mỹ và giúp tạo ra thế cân bằng hơn với hàng hóa Trung Quốc. Ngoài mục tiêu giảm thiểu các hàng rào quan thuế, TPP còn hướng tới việc xóa bỏ những rào cản phi quan thuế, đặt nền tảng cho một số các chuẩn mực - như bảo vệ tác quyền, hay các tiêu chuẩn về môi trường giữa các bên liên quan.

Những tưởng sau khi Mỹ rời bỏ, TPP sẽ “chết” nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm của tất cả các quốc gia còn lại, tại APEC 2017 được tổ chức ở Việt Nam, TPP đã hồi sinh và đạt được những bước tiến quan trọng. Ngày 21/5/2017 sau phiên họp Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) cấp bộ trưởng diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam, các nước thành viên TPP đồng ý nghiên cứu các phương thức để duy trì hiệp định này dù Mỹ quyết định rút khỏi hiệp định. Nhật Bản, nước đầu tiên trong nhóm đã phê chuẩn TPP, trở thành động lực đi đầu trong cố gắng “hồi sinh” bản hiệp định tự do mậu dịch này.

Đến ngày 10/11/2017 bên lề diễn đàn APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam, 11 nước thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương không có Mỹ (TPP-11) nhất trí với nhau về các “yếu tố cốt lõi” của thỏa thuận, một số khía cạnh còn bất đồng được gạt sang một bên để thương lượng thêm, trong đó có lĩnh vực văn hóa và giải quyết tranh chấp.

Trong văn kiện thỏa thuận CPTPP công bố ngày 21/2/2018, trưởng phái đoàn thương thuyết của Nhật Bản, ông Kazuyoshi Umemoto, nói rằng thỏa thuận giữa 11 nước còn lại trong TPP, dự kiến sẽ được ký kết tại Chile vào ngày 8/3/2018. Ông Umemoto nói ông hy vọng TPP-11 sẽ chính thức có hiệu lực trong nửa đầu năm tới, sau khi ít nhất 6 nước thành viên hoàn tất các thủ tục nội địa.

Khi được hỏi về khả năng Anh gia nhập CPTPP sau khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu, ông Umemoto nói bất kỳ nước nào tán thành thỏa thuận này và muốn trở thành hội viên đều được hoan nghênh, bất kể vị trí địa lý. Các quan chức Vương quốc Anh từng bày tỏ sự quan tâm tới việc gia nhập khối CPTPP sau khi nước này rời EU. Tuy nhiên, ông Umemoto cho rằng hiện giờ còn quá sớm để biết được quyết định của nước Anh về việc có tham gia CPTPP hay không vì khả năng London ký các hiệp định thương mại với các nước còn tùy thuộc vào tương lai quan hệ của nước Anh với thị trường đơn nhất EU và liên minh thuế quan EU.

Thỏa thuận CPTPP mới không có gì thay đổi trong lĩnh vực tiếp cận thị trường mà 12 nước thoạt đầu đã nhất trí, đại diện của Nhật cho biết. Tuy nhiên, theo AFP, trong văn bản thỏa thuận mới không có 22 điều lệ do Mỹ đề nghị, phần lớn liên quan đến sở hữu trí tuệ, bản quyền sáng chế thuốc men. Những thành viên còn lại trong TPP e ngại các biện pháp bảo vệ quyền lợi kinh tế của "nước Mỹ trước hết" của Tổng thống Donald Trump sẽ làm giá thuốc leo thang.

Động thái công bố dự thảo cuối cùng của CPTPP được giới quan chức tại Nhật Bản và nhiều quốc gia thành viên khác ca ngợi như một giải pháp quan trọng để ứng phó với chủ nghĩa bảo hộ gia tăng của Mỹ. Theo giới chuyên gia, TPP-11 cũng là một đối sách kinh tế cân bằng ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada François-Philippe Champagne đã ra tuyên bố hoan nghênh việc công bố toàn văn CPTPP và cho biết CPTPP sẽ tăng cường hỗ trợ cho tầng lớp trung lưu bằng cách thu hút các khoản đầu tư tạo việc làm mới và mở rộng cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Canada tới những thị trường quy mô lớn đang phát triển nhanh. Thông qua CPTPP, Canada sẽ có quyền tiếp cận ưu đãi với gần nửa tỷ người tiêu dùng ở một trong những thị trường phát triển năng động nhất trên thế giới.

Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker​ cho rằng CPTPP đang trở nên ngày một quan trọng trong bối cảnh đang có nhiều phản đối đối với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo nhận định CPTPP sẽ giúp tạo ra thêm việc làm tại Australia trong mọi lĩnh vực từ nông nghiệp, sản xuất, khai khoáng tới dịch vụ.

Văn kiện mới của CPTPP không loại bỏ hoàn toàn khả năng Mỹ quay lại hiệp định nhưng Bộ trưởng Thương mại New Zealand cho biết "khó có khả năng" Mỹ sẽ trở lại hiệp định này. “Khả năng Mỹ tham gia trở lại CPTPP trong một vài năm tới là rất khó khả thi, và ngay cả khi Washington bày tỏ mong muốn tham gia trở lại, cũng không có gì đảm bảo là các quốc gia thành viên sẽ rút bỏ 22 điều khoản đang tạm treo đó”, Bộ trưởng Thương mại New Zealand, ông David Parker, nói.

Hôm 20/2, trưởng đoàn đàm phán của Nhật Kazuyoshi Umemoto cảnh báo Mỹ là nếu muốn trở lại ghế thành viên của TPP thì phải chấp nhận luật chơi mới: Nếu Washington thay đổi lập trường thì sẽ được đón tiếp nhưng rất khó mà sửa đổi thỏa thuận. Về khả năng Mỹ quay lại TPP, hồi giữa tháng 2/2018, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết chính quyền nước này đang thảo luận về khả năng trở lại TPP với điều kiện có thể tái đàm phán để đạt được những điều khoản có lợi hơn.

Dẫn phát biểu của Tổng thống Donald Trump tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ hồi tháng trước về khả năng trở lại TPP, ông Mnuchin cho rằng ưu tiên của Tổng thống Trump là các mối quan hệ song phương nhưng ông chủ Nhà Trắng cũng đang dần mở rộng quan điểm và xem xét tham gia các thỏa thuận đa phương. Báo Washington Post ra ngày 20/2 cho biết, 25 thượng nghị sĩ Mỹ ký một bức thư kêu gọi ông Trump “suy nghĩ lại” để Hoa Kỳ tái hội nhập TPP.

Bà Wendy Cutler, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách Xã hội châu Á, cho rằng thái độ cởi mở của Tổng thống Trump thật đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, các nước còn lại không nên trì hoãn việc thông qua hiệp định chính thức. Thứ nhất, không rõ Mỹ nghiêm túc đến đâu đối với TPP. Phát biểu của ông Trump ở Davos khá mơ hồ. Thứ hai, 11 thành viên hiện tại có thể không sẵn sàng "cải thiện" hiệp định như Hoa Kỳ mong muốn. Thứ ba, cơ hội đi đến thống nhất nhiều quy tắc trong các lĩnh vực như lao động, thương mại điện tử cuối cùng đã nằm trong tầm tay. Theo bà Cutler, lúc này, các nước thành viên của TPP không nên thụ động chờ đợi Washington. Thay vào đó, các nước nên có những bước đi cần thiết để hiệp định chính thức được thông qua, đồng thời làm việc thêm với Mỹ.

Th.Long

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc