Hành trình kết nối

16:18 | 27/04/2022

2,012 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trong không khí những ngày tháng 4 lịch sử, đảng viên, cán bộ nhân viên Ban Quản lý Hợp đồng Dầu khí và Ban Tìm kiếm Thăm dò Dầu khí cùng nhau thực hiện Hành trình Về nguồn với chủ đề “Kết sức mạnh - Nối thành công” tại hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn.

Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022) và cũng là dịp để thắt chặt hơn nữa sự kết nối, gắn bó giữa cán bộ, nhân viên của hai Ban. Hành trình về nguồn giúp các cán bộ, nhân viên ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, chứng kiến bước chân đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thành công.

Hành trình kết nối
Hành trình về nguồn với nhiều hoạt động nhiều ý nghĩa

Đường lên Pác Bó hôm nay không còn phải lọc cọc trên lưng ngựa, thay vào đó là những con đường quốc lộ được trải nhựa, uốn lượn dưới chân những dãy núi điệp trùng. Cảnh sắc thiên nhiên hữu tình đã thật sự khiến anh chị em trong đoàn quên đi những mệt mỏi trên đường, có được những khoảng thời gian ngắm nhìn vẻ đẹp của đất nước.

Khu di tích lịch sử Pác Bó rộng 300ha, được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Tại đây, Đoàn đã thành kính dâng hương tưởng niệm tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên bốn bức tường của Đền thờ có những bức phù điêu khắc họa trên đá, tái hiện lại toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác từ khi trở về nước đến ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.

Hành trình kết nối
Đoàn dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khám phá Khu di tích Pác Bó, các thành viên không khỏi bồi hồi, không chỉ bởi vẻ đẹp của núi Các Mác, của suối Lê-nin nước xanh như ngọc, còn bởi những kỉ vật gắn liền với Bác vẫn nguyên vẹn với thời gian. Đây là hang Cốc Bó nơi Bác nghỉ hàng đêm, kia là chiếc bàn đá “chông chênh” đặt nền móng cho cả một trang sử vàng sáng chói… Những hình tượng đã quá quen thuộc từ nhỏ qua những trang sách, nay hiện lên rõ ràng trước mắt, để nhắc chúng ta về những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc Việt Nam.

"Qua những bài học lịch sử từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã ước mơ được một lần đặt chân đến Khu di tích lịch sử Pác Bó. Và giờ đây tôi đã thực hiện được ước mơ của mình. Cuộc đời của Bác sao mà giản dị đến thế!" - anh Đinh Mạnh Quân, Phó Trưởng ban Quản lý Hợp đồng chia sẻ.

Tiếp tục hành trình, Đoàn đến với thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, cách thành phố Cao Bằng khoảng 100 km về phía Đông Bắc. Đây là thác nước được coi là thác nước đẹp nhất Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á và là thác nước tự nhiên lớn thứ 4 trong các thác nước nằm ở khu vực biên giới các nước. Thác Bản Giốc nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn (Trung Quốc), chảy về hướng biên giới hai nước rồi vào lãnh thổ Việt Nam, đến xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh) lòng sông đột ngột trụt xuống khoảng 35m, tạo thành thác Bản Giốc. Thác Bản Giốc chia làm hai phần, phần chính nằm giữa biên giới Việt - Trung, được phân chia ranh giới bởi dòng sông Quây Sơn chảy phía dưới và phần còn lại nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam.

Hành trình kết nối
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc Km 0 đường Hồ Chí Minh tại Cao Bằng

Trên đường hành trình về nguồn qua các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Bắc Kạn, các chuyên gia địa chất của Ban Tìm kiếm Thăm dò dầu khí đã giới thiệu tổng quan về địa chất khu vực, trong đó đã giới thiệu về trũng An Châu, đây là khu vực mà ngành Dầu khí đã đầu tư điều tra cơ bản gồm khảo sát từ - trọng lực và thu nổ địa chấn với mục tiêu nghiên cứu mô hình cấu trúc các thành tạo địa chất tuổi Paleozoi, Mesozoi và hệ thống dầu khí trũng An Châu; nghiên cứu tiềm năng khí sét và phân vùng triển vọng dầu khí. Ngoài ra, một phát hiện thú vị đó là đặc điểm địa chất có liên quan rất chặt chẽ đến văn hóa địa phương. Cụ thể như khu vực Chi Lăng - Lạng Sơn trồng na bởi vì do sản phẩm phong hóa của đá vôi hệ tầng Đồng Đăng (P3 đđ) đã cung cấp khoáng chất phù hợp với cây na.

Hành trình kết nối
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại suối Lê-nin

Điểm cuối của hành trình, Đoàn về với hồ Ba Bể thuộc Vườn quốc gia Ba Bể, là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam và cũng là một trong 100 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới. Hồ được hình thành cách đây khoảng 200 triệu năm về trước do một biến động địa chất lớn, làm sụt lún các dãy núi đá vôi tạo thành, được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi xen lẫn sa thạch cổ và các cánh rừng nguyên sinh. Địa chất và địa mạo của khu vực hồ hết sức phức tạp, tạo thành các phong cảnh đẹp ngoạn mục với cấu trúc địa chất và đất đai có một không hai, điều đó kéo theo sự hình thành của nhiều hệ sinh thái khác nhau. Qua khảo sát cho thấy sự pha trộn phức tạp của các hệ sinh thái Các-xtơ (hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn) điển hình và hệ sinh thái phi Các-xtơ trong sự hài hòa với các hệ sinh thái sông hồ. Sự đa dạng về địa chất và sinh học như vậy khó có thể bắt gặp ở các nơi khác trên thế giới.

Hành trình kết nối
Đoàn tham quan hồ Ba Bể

Trong chương trình Gala “Gắn kết”, thay mặt tập thể cán bộ, nhân viên hai Ban, đồng chí Trần Mạnh Cường - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Quản lý Hợp đồng Dầu khí đã bày tỏ lời cảm ơn đến sự nhiệt tình tham gia của các thành viên trong đoàn. Đồng chí nhấn mạnh: “Đây là một hoạt động hết sức ý nghĩa, giúp chúng tôi - những người phần lớn ra đời sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, chưa được chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh, thêm hiểu biết về những gian khổ, hi sinh của những người làm cách mạng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được ngắm nhìn và thêm yêu vẻ đẹp của vùng đất Cao Bằng - Bắc Kạn, của quê hương cách mạng Việt Nam. Qua chuyến đi này, các thành viên trong đoàn thêm hiểu nhau hơn và gắn kết hơn. Chắc chắn rằng, với tình thần đoàn kết, thấu hiểu, đảng viên/cán bộ hai Ban sẽ tiếp tục hỗ trợ nhau tốt hơn trong công tác chuyên môn và trong cuộc sống theo đúng tinh thần khẩu hiệu của hành trình về nguồn lần này là “Kết sức mạnh - Nối thành công”.

Đoàn Dương

DMCA.com Protection Status