Hạn chế rủi ro từ thẻ giả: Trách nhiệm không chỉ của ngân hàng

09:33 | 13/07/2011

980 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đi cùng sự phát triển của xã hội hiện đại, thẻ ATM đã trở nên quen thuộc và thông dụng với người dân Việt Nam. Hàng ngày, qua các phương tiện thông tin, người dân được tiếp cận với nhiều thông tin về thẻ, trong đó phải kể đến rất nhiều thông tin liên quan đến rủi ro phát sinh trong quá trình sử dụng.

Đi cùng sự phát triển của xã hội hiện đại, thẻ ATM đã trở nên quen thuộc và thông dụng với người dân Việt Nam. Hàng ngày, qua các phương tiện thông tin, người dân được tiếp cận với nhiều thông tin về thẻ, trong đó phải kể đến rất nhiều thông tin liên quan đến rủi ro phát sinh trong quá trình sử dụng. Bên cạnh sự cố máy ATM nuốt thẻ, gian lận trong giao dịch, hành vi giả mạo thẻ ATM tuy mới phát sinh trong 2, 3 năm trở lại đây nhưng đã có dấu hiệu phát triển đáng ngại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng. Hạn chế nguy cơ rủi ro từ thẻ giả nhằm đảm bảo an toàn tài khoản và quyền lợi của khách hàng đang là vấn đề đặt ra ở các ngân hàng. Bên cạnh sự cố máy ATM nuốt thẻ, gian lận trong giao dịch, hành vi giả mạo thẻ ATM tuy mới phát sinh trong 2, 3 năm trở lại đây nhưng đã có dấu hiệu phát triển đáng ngại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng. Hạn chế nguy cơ rủi ro từ thẻ giả nhằm đảm bảo an toàn tài khoản và quyền lợi của khách hàng đang là vấn đề đặt ra ở các ngân hàng.

Sử dụng thẻ giả để trục lợi

Theo báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm 2011 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì toàn hệ thống có gần 12.000 ATM và gần 58.000 thiết bị chấp nhận thẻ (POS), số lượng thẻ phát hành đạt trên 34 triệu thẻ với doanh số sử dụng thẻ trên 600.000 tỉ đồng. Những tiện ích mà thẻ mang lại rất nhiều, tuy nhiên, mối lo ngại lớn nhất hiện nay chính là tình trạng sử dụng thẻ giả để trục lợi. Thủ đoạn mà tội phạm thường xuyên áp dụng để rút trộm tiền bằng thẻ ATM rất tinh vi như dùng thẻ giả để mua hàng hoặc thẻ tín dụng giả để rút tiền.

Thực tế cho thấy, tội phạm có thể làm giả thẻ dưới các hình thức như thông tin dập nổi trên thẻ bị sửa lại, thẻ bị mã hóa lại băng từ, thẻ trắng nhưng đã được mã hóa băng từ hoặc thẻ bị làm giả hoàn toàn dựa trên các dữ liệu của thẻ thật bị lấy cắp tại ATM/POS hoặc Internet. Thậm chí, chính ngân hàng có thể phát hành thẻ cho khách hàng có đơn xin phát hành thẻ với các thông tin giả mạo do không thẩm định kỹ các thông tin khách hàng cung cấp trên hồ sơ xin phát hành thẻ. Thông tin không chính xác dẫn đến những khó khăn cho ngân hàng khi muốn liên hệ với chủ thẻ và đặt ngân hàng trước nguy cơ tổn thất tín dụng khi chủ thẻ sử dụng thẻ nhưng không có đủ khả năng thanh toán hoặc chủ thẻ cố tình lừa đảo để chiếm dụng tiền của ngân hàng…

Rủi ro phát sinh từ nhiều phía…
Về nguyên nhân, ngoài yếu tố khách quan, rủi ro về thẻ giả có thể phát sinh từ nhiều phía: chủ thẻ, công nghệ, đơn vị chấp nhận thẻ và chính ngân hàng. Từ góc độ người sử dụng thẻ, những lần sơ ý để lộ thông tin thẻ, thất lạc thẻ hay nhờ người khác rút tiền hộ có thể là nguyên nhân dẫn tới giả mạo, hay chính chủ thẻ thực hiện các hành vi gian lận như mở thẻ với thông tin giả mạo.

Từ góc độ ngân hàng, nếu không kiểm soát chặt, thông tin về chủ thẻ và dữ liệu thẻ do ngân hàng quản lý có thể rò rỉ ra ngoài. Theo một chuyên gia về thẻ, trong hoạt động tác nghiệp hàng ngày, cán bộ thẻ ngân hàng có thể lợi dụng những hiểu biết của mình, lợi dụng vị trí công tác, những lỗ hổng trong quy trình tác nghiệp để tự mình hoặc cấu kết với người khác tiến hành các hành vi gian lận, giả mạo gây tổn thất cho ngân hàng. Rủi ro có thể xảy ra nếu như cán bộ đó lợi dụng các thông tin thẻ của người khác để làm giả thẻ, sử dụng rút tiền và thanh toán mua sắm hàng hóa dịch vụ qua mạng, lấy cắp thẻ mới phát hành để sử dụng hoặc thay đổi các thông số hệ thống, thông tin khách hàng để trục lợi.

Ngoài ra, nguyên nhân cũng có thể do hệ thống bảo mật chưa an toàn khiến thông tin thẻ bị mất trong quá trình truyền dữ liệu hoặc do đơn vị chấp nhận thẻ không chú ý đến việc xác thực thông tin chủ thẻ hoặc cố tình thực hiện các hành vi gian lận như cấu kết với đối tượng gian lận thực hiện thanh toán cho khách hàng không phải là chủ thẻ, lắp đặt thiết bị đầu đọc thẻ skimmer để lấy cắp thông tin thẻ tại POS…

Giải pháp nào hạn chế rủi ro?
Đối mặt với những rủi ro và nguy cơ của loại tội phạm này, các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ thẻ ATM đã phải xắn tay vào cuộc để đưa ra hàng loạt biện pháp khuyến cáo và ngăn ngừa tình trạng gian lận thẻ. Cách tốt nhất mà khách hàng nên làm, theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc VietinBank, trong trường hợp phát hiện hiện tượng bất thường trong quá trình sử dụng thẻ để rút tiền, khách hàng cần thông báo ngay cho đường dây nóng của từng ngân hàng để kịp thời xử lý.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó tổng giám đốc OceanBank cho biết, để ngăn ngừa các rủi ro thì điều quan trọng nhất là ý thức bảo mật của khách hàng và hệ thống của ngân hàng. Chính vì vậy, người sử dụng thẻ cần phải hết sức cảnh giác và tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin về thẻ ATM của mình cho người khác. Đặc biệt, cần phải cảnh giác về những thư, e-mail yêu cầu tương tự như trên hoặc e-mail có dấu hiệu lừa đảo như: thông báo trúng thưởng, mời tham gia hoạt động trên website nào đó…

Các ngân hàng thường xuyên giám sát chặt chẽ các quy trình, thủ tục hoạt động của mình, cẩn trọng trong khâu tuyển chọn và thậm chí phải áp dụng biện pháp luân chuyển cán bộ nhằm ngăn ngừa mọi rủi ro có thể xảy ra. "Rủi ro từ hệ thống ngân hàng nếu xảy ra sẽ để lại hậu quả rất lớn, song ngân hàng hoàn toàn có thể kiểm soát được. Các thông tin về hồ sơ phát hành thẻ, dữ liệu thẻ, số pin phải được quản lý chặt chẽ và bảo mật; kiểm soát thường xuyên, đột xuất các hồ sơ thẻ, thông tin thẻ, dữ liệu thẻ để đảm bảo không bị kẻ gian lợi dụng”, bà Mai Hương cho biết thêm.

Hiện nay, các ngân hàng đang áp dụng nhiều biện pháp như đặt gương chiếu chống nhìn trộm từ phía sau, lắp đặt cho ATM các đầu đọc thẻ có hình dáng đặc biệt, trang bị công nghệ hồng ngoại tiên tiến cho việc nhận diện thiết bị gắn trộm, gắn thiết bị giám sát và camera…

Để bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng thẻ, nhiều ngân hàng đã có chủ trương chuyển đổi từ thẻ từ (loại thẻ đang sử dụng phổ biến tại Việt Nam) sang thẻ chíp, một loại thẻ có tính bảo mật cao đang được thế giới ưa chuộng. Đối với việc thực hiện các giao dịch thanh toán qua mạng Internet, các ngân hàng cũng cảnh báo khách hàng đặc biệt chú ý tới tính an toàn của các website thực hiện việc mua bán, chỉ nên mua hàng ở những website có uy tín, hoặc những người bán hàng đáng tin cậy; bảo mật tốt nhất tên tài khoản và mật khẩu truy cập, không nên sử dụng máy tính công cộng để thực hiện giao dịch; nên cài đặt các chương trình chống virus để tránh bị virus ăn cắp thông tin cá nhân.

Để hạn chế rủi ro và tạo dựng một thị trường thẻ Việt Nam an toàn và phát triển, ngoài những giải pháp mang tính nội bộ, nên chăng các ngân hàng cũng phải có sự đồng thuận, hợp tác để cùng nhau chia sẻ thông tin, xây dựng một môi trường thật sự bảo mật, công nghệ cao trong quá trình phát hành và thanh toán thẻ.

Theo Năng lượng Mới