Hà Nội: Xe đạp điện "vô tư" phạm luật

17:10 | 16/09/2013

1,148 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù rất nhiều lần cơ quan chức năng ra quân xử lý tình trạng học sinh - sinh viên và người dân đi xe đạp điện, xe máy điện vi phạm luật giao thông, thế nhưng đâu lại vào đấy.

Người dân liên tục vi phạm

Sáng 16/9, Phòng Cảnh sát giao thông (PC67, Công an TP Hà Nội) đã tổ chức lễ sơ kết và định hướng triển khai một số vấn đề nhằm tăng cường xử lý vi phạm giao thông, nâng cao hình ảnh của lực lượng cảnh sát giao thông.

Tại buổi lễ, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng PC67 Hà Nội nhận định: “Thời gian qua, Hà Nội gia tăng nhanh chóng xe máy điện và xe đạp điện tham gia giao thông. Loại phương tiện này có thể đạt vận tốc tối đa khoảng 40km/h. Đối tượng sử dụng chủ yếu là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, phần lớn những người điều khiển phương tiện này thường vi phạm trật tự, an toàn giao thông như không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi hàng 3 trở lên, lạng lách đánh võng…”.

Trước thực trạng này, PC67 đã chủ động triển khai nhiều kế hoạch, tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát để xử lý vi phạm. Tính đến thời điểm hiện tại, PC67 đã xử lý hơn 600 trường hợp xe đạp điện vi phạm luật giao thông, ra quyết định tạm giữ 28 phương tiện, phạt hành chính 145 trường hợp.

 

Lực lượng cảnh sát giao thông số 2 (PC67) ra quân xử lý xe đạp điện vi phạm giao thông sáng 16/9.

“Bắt đầu từ tháng 9/2013, các trường học bước vào năm học mới nên lượng học sinh, sinh viên đi xe đạp điện tăng mạnh và có diễn biến phức tạp. Để giữ vững trật tự an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông thủ đô sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch số 94/KH-PC67-TM về tăng cường công tác tuyên truyền, cam kết thực hiện các quy định, phát hiện và xử lý nghiêm đến các hành vi vi phạm liên quan đến người đi xe đạp điện” - Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết.

Theo kế hoạch này, 10 đội CSGT trong các quận nội thành sẽ tổ chức mỗi đội 4 tổ tuần tra kiểm soát trên các tuyến phố, các cổng trường học và nơi tụ tập nhiều học sinh, sinh viên để phát hiện và xử lý. Thời gian thực hiện nhiệm vụ tuần tra hàng ngày từ 10-14h và 16-19h và linh động theo diễn biến vi phạm. Đặc biệt, PC67 sẽ cử chiến sỹ cảnh sát giao thông hóa trang, quay camera những người vi phạm, thông tin cho lực lượng cảnh sát giao thông công khai xử lý. Những trường hợp vi phạm sẽ được báo về cho trường học, cơ sở đào tạo, gia đình người đó để cùng có biện pháp giáo dục.

Khó xử lý?!

Theo ghi nhận của phóng viên PetroTimes, hiện nay trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là ở các tuyến đường gần trường học, tình trạng học sinh, sinh viên đi xe đạp điện vô tư vi phạm luật giao thông. Các lỗi chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lượn lách, đánh võng...

Xe đạp điện tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông như xe máy.

Thế nhưng, công tác xử lý loại phương tiện này lại gặp không ít khó khăn. Đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh nhưng lại chưa đến tuổi vị thành niên. Loại phương tiện này không quy định phải có bằng lái xe khi tham gia giao thông và không phải đăng ký biển số nên lực lượng cảnh sát giao thông không thể lập biên bản để giữ bất cứ giấy tờ gì khi người điều khiển vi phạm. Thậm chí, khi lập biên bản xử phạt thì các em học sinh không có tiền nộp phạt.

Liên quan đến loại phương tiện này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, hiện nay, tại các đô thị trong cả nước, tỷ lệ người sử dụng xe đạp điện phát triển quá nhanh, hầu hết không đội mũ bảo hiểm. Thế nhưng mới chỉ có Hà Nội và Quảng Ninh dám “mạnh tay”, ra quân xử lý người điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn đường.

Đi xe đạp điện tốc độ chạy gần bằng xe máy, lại không cần bằng lái, có thể kẹp ba bốn vô tư, lạng lách đánh võng... tạo nên nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Đáng nói, hiện đã xuất hiện nhiều loại xe hai bánh lắp động cơ điện có tốc độ trên 50km/h, trong khi bộ phanh chỉ bảo đảm an toàn khi xe chạy với vận tốc tối đa là 25km/h. Theo nguyên lý, để đạt được cùng tốc độ, đường kính lốp nhỏ hơn thì số vòng quay phải lớn hơn, do đó độ văng lớn hơn. Trong khi đó, tiết diện tiếp xúc với mặt đường của lốp xe đạp điện khá nhỏ, dẫn tới độ ma sát với mặt đường kém.

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc