Hà Nội sẽ có phố “bích họa”

22:07 | 28/10/2017

2,046 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tọa đàm nghệ thuật cho Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” được công chúng cũng như đông đảo giới chuyên môn quan tâm. Bởi lẽ, mục tiêu của dự án này chính là việc đưa nghệ thuật vào không gian sinh hoạt cộng đồng - việc xưa nay được coi là “tưởng dễ mà khó”.    

Họa sĩ ủng hộ

Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” được xây dựng trên cơ sở chương trình “Đưa nghệ thuật vào không gian sống” do Chương trình Định cư con người Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat) phối hợp với Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) và UBND quận Hoàn Kiếm triển khai từ năm 2015. Địa điểm triển khai là mặt vòm phía đông phố Phùng Hưng (đoạn từ ngã ba Phùng Hưng - Lê Văn Linh đến phố Hàng Cót), được UBND TP Hà Nội chính thức phê duyệt theo Thông báo số 930/TB-UBND ngày 14-8-2017.

“Bích họa trên phố Phùng Hưng” sẽ bao gồm 19 tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc với những đề tài phản ánh đời sống sinh hoạt đặc trưng của người dân cũng như lịch sử, văn hóa Hà Nội. Các nghệ sĩ Hàn Quốc mang đến 8 tác phẩm như: “Biểu tượng Hồ Gươm”, “Ký ức một thời”, “Phố Phùng Hưng với những gánh hàng hoa”, “Hoàn Kiếm - đổi mới”; “Phong cảnh Seoul”, “Khung cảnh thời kỳ bao cấp”, “Cầu đường sắt Long Biên”…

Còn các nghệ sĩ Việt Nam mang đến 10 tác phẩm, trong đó Triệu Minh Hải tạo sân khấu rối trúc và khán giả có thể tham gia vào trò chơi; Lê Giang muốn tạo một bảo tàng nhỏ về lịch sử cầu Long Biên; Cấn Văn Ân làm bức tranh giả lập bức tường vòm cầu với con đường xuyên qua; Nguyễn Thế Sơn gợi mô hình máy nước công cộng thời bao cấp trên phố Phùng Hưng; Trần Hậu Yên Thế biến vòm đá trở thành bức tường lịch sử của căn nhà 63 Phùng Hưng gợi lại ký ức Hà Nội một thời; Thông Minh Hải lồng ghép bối ảnh phố cổ đen trắng tương tác với con người đời sống hiện đại; Dương Mạnh Quyết đề xuất một tác phẩm sắp đặt điêu khắc... Ngoài ra, các nghệ sĩ hai nước còn chung tay thực hiện bức họa “Bước đi trên phố Hàng Mã”.

ha noi se co pho bich hoa
Bích họa được giới thiệu tại tọa đàm
Phố Phùng Hưng có 131 cổng vòm thì đã có 4 cửa được đục ra để phục vụ giao thông, còn lại 127 cổng vòm được chia làm 3 giai đoạn để triển khai. Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” nằm trong giai đoạn 1, giai đoạn 2 sẽ tác động đến cổng vòm từ đoạn phố Phùng Hưng đến phố Hàng Cót (tạo không gian văn hóa). Giai đoạn 3 sẽ thực hiện từ đoạn Cửa Đông đến Lê Văn Linh.

Đánh thức những giá trị di sản

Ông Park Kyoung Chul, Trưởng đại diện Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc đã có một thời gian dài sống và làm việc tại Hà Nội nên ông tự tin rằng, mình đã phần nào hiểu và thấy được cái “chất” rất riêng của người Hà Nội trong dòng chảy đô thị hóa và công nghiệp hóa của thời cuộc. Bởi vậy, ông khẳng định rằng: Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” không chỉ là một dự án nghệ thuật thông thường với mục đích trang hoàng lại diện mạo của một công trình, mà là diễn đàn cho nghệ sĩ hai nước sáng tạo, là một cơ hội để đánh thức những giá trị di sản văn hóa.

Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh nhận định rằng, dự án đang đứng trước những thách thức lớn bởi vị trí đặt trong không gian cổ kính Hà Nội. Ở đó, các KTS và nghệ sĩ hai nước đang gặp khó ở vấn đề diễn đạt được tài năng, tình cảm của mình dành cho chính dân cư của phố Phùng Hưng. KTS Nguyễn Hồng Thục (Viện Bảo tồn kiến trúc) cũng cho rằng, với 127 mái vòm nên tránh nhắc tới Hồ Gươm và chợ Đồng Xuân, bởi các địa điểm đã ở ngay gần. Việc trang trí phải dựa trên quan điểm về nghệ thuật không phải là bức tranh lắp ghép với nhau một cách đơn giản. Trong đó phải thêm tính liên tục của cảnh quan, ký ức. Chứ không phải ý tưởng của từng cá nhân ghép lại. Nếu đã có sự chung tay của các sinh viên nên để các em làm chủ đề.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đại diện cho nhóm các nghệ sĩ trong dự án đã nhấn mạnh: Đây là một dịp tốt để biến bức tường lịch sử trên phố Phùng Hưng trở thành một bối cảnh nghệ thuật của cộng đồng. Thông qua đây thu hút người xem và tạo ra sự tương tác mạnh mẽ với các hoạt động xung quanh phố đi bộ nói riêng và các hoạt động văn hóa nghệ thuật sau này nói chung. Cũng là dịp để nghệ thuật cộng đồng - với nhiều yếu tố của nghệ thuật đương đại tới gần công chúng. Mục tiêu tương tác tối đa được đặt ra ngay từ giai đoạn đầu cho tác phẩm tham dự. Sau dự án này, các bức tranh trên những vòm cầu của bức tường đá Phùng Hưng sẽ là mảnh ghép nghệ thuật thu hút người dân Việt, du khách quốc tế… trở thành một điểm nhấn văn hóa sáng tạo và thú vị tại phố cổ Hà Nội. Đó cũng chính là điều đông đảo công chúng kỳ vọng ở dự án.

Khó nên phải cẩn trọng

TS Đinh Hồng Hải - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nêu ý kiến: Ở một vùng lõi với sức ép đô thị thì mỗi centimét đều là tiền. Chúng ta sử dụng không gian ấy đưa nghệ thuật vào để phục vụ cộng đồng, người dân phải được hưởng lợi từ dự án, tạo nên không gian nghệ thuật và không gian sống mới. Người dân có thể kiếm sống được ở đó. Khi cộng đồng đã tham gia vào không gian này thì di sản sẽ được bảo tồn. Theo ông, có hai nội dung cần thể hiện là vẽ những ô có thể thay đổi và những ô cố định về ký ức Hà Nội. Đây là sân chơi nghệ thuật dành cho nghệ sĩ, người dân và những người yêu nghệ thuật. Xa hơn, đây có thể là tụ điểm nghệ thuật để các nghệ sĩ triển khai ý tưởng mới.

ha noi se co pho bich hoa
Tọa đàm nghệ thuật cộng đồng

PGS.TS Dương Tuấn Anh phân tích: “Bản thân tôi cho rằng, dự án là tốt, chẳng có gì vĩnh hằng cả. Nếu việc thay đổi làm nó tốt hơn thì không tội gì không thay đổi. Nhưng nếu sự thay đổi đó lại làm mất đi cảm nhận về phố cổ, hay làm sai lạc về nó thì không nên. Phát huy hay thay đổi phố cổ phải có quan điểm rõ ràng, nếu chọn thay đổi phải rất cẩn thận”. KTS Nguyễn Hồng Thục cũng cho rằng, nên khởi động dự án thành một công việc cụ thể. Việc trang trí phải dựa trên quan điểm về nghệ thuật chứ không phải là bức tranh lắp ghép với nhau một cách đơn giản. Trong đó phải thêm tính liên tục của cảnh quan, ký ức, chứ không phải ý tưởng của từng cá nhân ghép lại.

Đứng trước những “bài toán” đưa nghệ thuật vào không gian sống, có rất nhiều trăn trở của giới chuyên môn, nhà quản lý và cả người dân. Điều đáng trân trọng là mọi trăn trở đều xuất phát từ mong muốn tạo dựng thêm những nét đẹp đặc trưng và bền vững cho “trái tim hồng” của cả nước.

“Bích họa trên phố Phùng Hưng” không chỉ là một dự án nghệ thuật thông thường với mục đích trang hoàng lại diện mạo của một công trình, mà là diễn đàn cho nghệ sĩ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc sáng tạo, là một cơ hội để đánh thức những giá trị di sản văn hóa.

Ngân Phương

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.