Hà Nội họp khẩn về công tác ứng phó với bão số 3

19:43 | 19/08/2016

303 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
UBND thành phố Hà Nội đã có thống kê ban đầu về những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn thành phố ngày 19/8.
ha noi hop khan doi pho voi bao so 3
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp

Theo thống kê của UBND thành phố Hà Nội, trong ngày 19/8, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố có 100 cây đổ, 80 cành cây gãy, hiện thành phố đã bố trí các lực lượng trực 100% và phương tiện gồm 14 xe nâng, 10 xe cẩu, các xe chuyên dụng khác... với tổng cộng khoảng 750 người trực xử lý kịp thời các sự cố.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với toàn bộ các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về công tác ứng phó với cơn bão số 3, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các đơn vị thường trực công tác PCLB phải ứng trực 100% quân số, trong đó có các đơn vị thoát nước, công viên cây xanh.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng phân công Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng phụ trách các lĩnh vực liên quan đến thoát nước, cây xanh; Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng phụ trách lĩnh vực đê điều, GTVT; Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn phụ trách lực lượng Công an, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở cảnh sát PCCC; Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản phụ trách các khối còn lại. Chủ tịch UBND thành phố phụ trách chung, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 3 trên toàn địa bàn thành phố và công tác cứu hộ, cứu nạn.

ha noi hop khan doi pho voi bao so 3
Cây xanh đổ đè bẹp ôtô trên phố Hà Nội trưa 19/8

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan thống kê và báo cáo thiệt hại do cơn bão gây ra về một đầu mối là Văn phòng UBND thành phố để tổng hợp, báo cáo, xử lý.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, vấn đề cây xanh trên địa bàn thành phố cần phải được chú ý vì nền đất yếu, mưa ngấm và rễ chùm bị xâm hại, cắt hết nên dễ đổ, phải ưu tiên giải tỏa nhanh.

Cơ quan điện lực phải ứng trực, đảm bảo cắt điện phục vụ cứu hộ cứu nạn nhưng cũng phải cấp điện lại ngay sau khi khắc phục sự cố.

Cũng tại cuộc họp, báo cáo cho thấy mực nước các sông chưa qua mức báo động số 1 nhưng riêng sông Nhuệ rất cao, chỉ 30-40cm nữa là tràn; trong khi đó mực nước ở Trạm bơm Yên Sở còn thấp, chỉ chạy được 9 tổ máy bơm.

Do đó, thành phố quyết định mở đập Thanh Liệt để hạ mức nước sông Nhuệ, đảm bảo giảm tải cho hệ thống nước trên sông Nhuệ và đủ để Trạm Yên Sở vận hành.

Chủ tịch UBND thành phố cũng dẫn chứng tình trạng gió làm bay hệ thống mái nhà chờ xe buýt tại khu vực Yên Phụ và yêu cầu có biện pháp đánh giá mức độ nguy hiểm của gió xoáy trong báo để phòng tránh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Y tế phải chuẩn bị toàn bộ trang thiết bị và phòng ngừa dịch bệnh sau bão. Sở Công Thương và NN&PTNT phải chuẩn bị nguồn cung thực phẩm sau bão, không để khan hiếm hàng hóa, đặc biệt là rau xanh và tình trạng tăng giá.

Một yêu cầu khác cũng được người đứng đầu UBND thành phố Hà Nội nêu ra đó là yêu cầu tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phối hợp với bưu chính viễn thông nhắn tin cảnh báo cho người dân: hạn chế đi ra đường nếu không thực sự cần thiết, công bố đường dây nóng để người dân báo tin sự cố, khắc phục sớm.

Sở GTVT và Tổng công ty vận tải có kế hoạch vận chuyển hành khách, không để ùn ứ hành khách. Ngoài ra, CATP ứng trực 100%, chủ động tham gia điều tiết giao thông và công tác cứu hộ cứu nạn trên địa bàn thành phố.

Phát biểu kết luận chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá cơn bão số 3 có đường đi phức tạp, hướng đi có khả năng thay đổi đổ thẳng vào Hà Nội nên cần dự trù khả năng xấu nhất. Bí thư Thành ủy chỉ đạo phải tính đến mọi khả năng xảy ra khi bão đổ bộ và đi qua thành phố.

Trước mắt, yêu cầu các quận huyện rà soát kỹ lại vấn đề nhà ở nguy hiểm và có phương án di dân kịp thời, phải rút kinh nghiệm từ vụ sập nhà Cửa Bắc; hệ thống loa truyền thanh phường xã phải tăng cường phát huy, cảnh báo người dân hạn chế ra đường. Đối với vấn đề ngập úng, thành phố cần quyết liệt hơn trong công tác xử lý và sẽ phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho hệ thống hạ tầng thoát nước.

Minh - Hinh