Hà Nội đặt mục tiêu 50% dân số tham gia mua sắm trực tuyến

10:10 | 20/04/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thời gian tới, Hà Nội tích cực đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Dự kiến, tỉ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến đạt 50%.
Hà Nội đặt mục tiêu 50% dân số tham gia mua sắm trực tuyến
Ảnh minh họa/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 104/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố năm 2022.

Kế hoạch nhằm triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm, hàng hóa làng nghề truyền thống và nông sản; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu.

Thành phố đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Cùng với đó, tuyên truyền, đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thành phố cũng hướng tới nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại điện tử trong công tác kiểm tra, bảo đảm việc kinh doanh trên các trang thương mại điện tử, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Kế hoạch của UBND TP Hà Nội đặt ra một số mục tiêu như: Doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng và tính cho cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 11% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn. Tỉ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến dự kiến đạt 50%.

Thành phố giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) hằng năm. Mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng qua các kênh thương mại điện tử. Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 45%...

75% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 45% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử; 35% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động.

Khai thuế, nộp thuế điện tử, duy trì tỉ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt trên 98%. Hoàn thuế điện tử 100% doanh nghiệp thuộc đối tượng hoàn thuế giá trị gia tăng trường hợp xuất khẩu, đầu tư đăng ký sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử…

Tăng lượng khách hàng thanh toán hóa đơn tiền nước trực tuyến lên 98%. Tỉ lệ thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt trên 99,7%; tỉ lệ tiếp nhận các dịch vụ điện trực tuyến phấn đấu đạt 100%; tỉ lệ thực hiện các dịch vụ điện theo phương thức điện tử đạt phấn đấu đạt 100%.

Về phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử, Thành phố đặt mục tiêu 2.000 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.

Phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công. Phát triển hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics trên địa bàn TP Hà Nội và mở rộng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Giao sở Công Thương chủ trì, tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2022 bảo đảm đúng mục tiêu, yêu cầu, tiến độ, hiệu quả, không chồng chéo, đúng quy định và gắn với tình hình phòng chống dịch COVID-19.

G.Minh

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/