Hạ lãi suất: Mong đừng là liệu pháp tâm lý

11:00 | 27/03/2013

550 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hầu hết các mức lãi suất chủ chốt đã giảm 1% nhưng điều mà nền kinh tế đang mong chờ vào lúc này là các ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay như thế nào? Các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi gì đằng sau quyết trên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Nên có sự điều chỉnh lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới.

Như Petrotimes đã phản ánh, ngày 25/3, NHNN đã có một loạt quyết định về việc điều chỉnh lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Quyết định này của NHNN lập tức nhận được sự ủng hộ của giới chuyên gia kinh tế cũng như cộng động doanh nghiệp.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu thì đây là một quyết định hợp lý và cần thiết để kéo mặt bằng lãi suất xuống, mà ở đây chủ yếu là lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp và giúp nền kinh tế vượt qua những khó khăn trong lúc này.

Đáng chú ý nhất, lãi suất tối đa với các khoản tiền kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 8%/năm xuống 7,5%/năm có thể được cân nhắc dưới một số khía cạnh như tác động đến việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay, lạm phát và tiền gửi của dân chúng.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh: Tôi kỳ vọng việc giảm lãi suất huy động lần này sẽ giúp các ngân hàng giảm lãi suất cho vay xuống khoảng từ 1 đến 2%. Việc giảm lãi suất huy động cho kỳ hạn đến 12 tháng sẽ tác động đến lãi suất các kỳ hạn khác, do đó có thể kéo mặt bằng lãi suất tiền gửi nói chung xuống”.

Nhận định này cũng được TS Lê Anh Tuấn – Giám đốc nghiên cứu của Dragon Capital khẳng định khi chia sẻ với báo chi rằng: Việc hạ suất lần này rất hợp lý. Lãi suất bình quân cho vay trong giai đoạn 1995-2007 ở mức 8-11%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay từ năm 2008-2012 bình quân từ 15% - 25%/năm.

Có thể một số người cho rằng việc lãi suất cao trong giai đoạn 2008-2012 là hậu quả của lạm phát cao, nhưng theo tôi đó là hậu quả của đầu cơ, vì chỉ có đầu cơ mới chấp nhận lãi suất cao như vậy. Còn nền kinh tế thực không thể chịu lãi suất cao trong thời gian dài như vậy.

Để nguồn vốn hấp thụ được cho sản xuất thì lãi suất phải về như trước kia, từ 8-11%/năm. Trong lộ trình đó, đến cuối năm 2013 lãi suất cho vay về 11-12%/năm là hợp lý. Và do đó, xu hướng giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là đúng đắn.

Nói về những quan ngại về việc hạ lãi suât lần này liệu có tác động đến lạm phát hay không, TS Lê Anh Tuấn phân tích: Lạm phát không phải là hàm số của lãi suất mà lạm phát là hàm số của lượng tiền chảy trong nền kinh tế. Lượng tiền đó được đo lường bằng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng. Năm 2011, 2012, lượng cung tiền (M2) tăng mạnh, nhưng tín dụng không tăng mạnh. Có nghĩa tiền không chạy mạnh trong nền kinh tế mà chạy trong khối ngân hàng tạo thanh khoản cao. Do đó, lạm phát nhìn góc độ cung tiền thì không có gì đáng ngại.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc một công ty sản xuất sơn ở Hà Nội cho rằng: Việc NHNN quyết định điều chỉnh lãi suất huy động 1% chính là tiền đề để nền kinh tế nói chung và cá nhân mỗi doanh nghiệp nói riêng có thể chờ đợi sẽ có sự điều chỉnh lãi suất cho vay đầu ra trong thời gian tới.

Vị giám đốc này phân tích: Có thể động thái trên của NHNN sẽ ít nhiều tác động tới tâm lý người gửi tiền nhưng chắc chắn sẽ không đủ mạnh để họ đưa dòng tiền ra khỏi nhà băng, đặc biệt là trong bối cảnh các thị trường đầu tư chính như bất động sản, chứng khoán, vàng,… đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay. Các ngân hàng vì thế sẽ không phải quá lo lắng về chuyện tiền gửi sụt giảm hay không trong thời gian tới.

Giảm lãi suất cho vay sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm.

Mục tiêu lớn nhất của đợt điều chỉnh lãi lần này của NHNN là cụ thể Nghị quyết 01 và 02 nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Vũ Kỳ Anh – Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng TNP thì, để làm được điều này, lãi suất cho vay của các ngân hàng phải được điều chỉnh, cả lãi suất cũ và lãi suất mới cũng như những tiêu chí cho từng khoản vay.

Ông Kỳ Anh phân tích: Sau một quãng thời gian dài ngập chìm trong khó khăn chung của nền kinh tế, hiện số lượng doanh nghiệp “đạt chuẩn” đáp ứng đủ các yêu cầu của ngân hàng là rất ít. Vậy nên, để có thể giới quyết câu chuyện “tồn kho” ở nhà băng, các ngân hàng nên tính toán lại các tiêu chí cho vay cũng như điều chỉnh lãi suất của những khoản vay cũ.

“Cùng đi vay nhưng khi lãi suất được điều chỉnh, khách hàng cũ vẫn phải chịu mức lãi suất lên tới 15 – 16% còn khách hàng mới lại được hưởng lãi suất mềm hơn, 11 – 13% là điều bất công. Lãi suất đầu vào đã được điều chỉnh giảm thì những khoản vay cũ cũng cần được điều chỉnh giảm theo thì doanh nghiệp mới có thêm cơ hội phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Còn nếu không, doanh nghiệp “chết” thì ngân hàng cũng chẳng có cơ hội thu hồi vốn” – ông Kỳ Anh nói.

Từ đó để thấy rằng, đằng sau quyết định điều chỉnh lãi suất huy động của NHNN ngày 25/3 đang tồn tại một dấu hỏi lớn. Quyết định này mới chỉ tạo nên hy vọng cho nền kinh tế, cho cộng động doanh nghiệp có thể hy vọng tiếp cận được các khoản vay với lãi suất thấp hơn, rẻ hơn, qua đó giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng tiếp cận với người tiêu dùng.

Hạ lãi suất như vậy mới chỉ dừng ở liệu pháp tâm lý mà thôi và nếu trong thời gian tới, lãi suất cho vay không được điều chỉnh (theo kỳ vọng của TS Nguyễn Trí Hiếu là có thể giảm từ 1 – 2%) thì xem ra mục tiêu chính của quyết định này đã thất bại. Các nhà băng những ngày qua liên tiếp lên tiếng vì nỗi ám ảnh “tồn kho”, lo thiếu khách hàng vay,… là có thật nhưng họ cần phải có hành động cụ thể để giải quyết vấn đề này.

Chia sẻ lợi ích, cân bằng lợi nhuận sao cho hợp lý với các doanh nghiệp là điều các nhà băng cần tính tới!

Thanh Ngọc