Gươm đàn: Đàn là vũ khí hay nhạc cụ?

10:09 | 04/04/2013

|
(Petrotimes) - Bạn đọc: Trong "Truyện Kiều", khi viết về Từ Hải, cụ Nguyễn Du tả:"Giang hồ quen thói vẫy vùng, Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo". Xưa nay người ta thường hiểu "gươm đàn" có nghĩa là một thanh gươm và một cây đàn, ý chỉ một viên võ tướng nhưng lại là người hào hoa… Nhưng cũng lại có ý hiểu rằng, đàn ở đây không phải là cây đàn âm nhạc mà là một loại cung, bắn đạn tròn đi rất xa. Cuộc tranh luận này đã có từ rất lâu và xem ra vẫn chưa ngã ngũ. Thậm chí người ta còn cho rằng, câu thơ này lấy từ câu thơ Hoàng Sào bên Trung Quốc: "Bán kiên cung kiếm bằng thiên túng. Nhất trạo giang sơn tận địa duy". Vậy theo ông, gươm đàn mà Từ Hải mang bên mình thì đàn là vũ khí hay là dụng cụ âm nhạc? - (Như Thổ, Hà Nội)

Học giả An Chi: Từ câu hỏi của bạn, chúng tôi xin đặt vấn đề như sau cho tiện việc trả lời: - 1. Trong tiếng Hán, có từ đàn nào có nghĩa là “cung bắn đạn tròn đi rất xa” hay không? - 2. Nếu có, thì từ đàn này có đi vào tiếng Việt hay không? - 3. Ngay cả khi nó có đi vào tiếng Việt, thì có phải đó cũng chính là chữ đàn trong danh ngữ đẳng lập gươm đàn của "Truyện Kiều" hay không? Bây giờ thì xin trả lời bạn như sau:

1 - Trong tiếng Hán, chữ đàn 彈 còn có một âm nữa là đạn.

1.1 - Với âm đạn, "Hán ngữ đại tự điển" (Thành Đô, 1993) ghi cho nó ba nghĩa:

1.1a - Vật dùng để bắn viên tròn (= viên đạn) đi. "Hán ngữ đại tự điển" dẫn thiên “Thuyết thiện” trong sách "Thuyết uyển nói" rằng: “Đạn chi trạng như cung, nhi dĩ trúc vi huyền”, nghĩa là “cây đạn hình dạng như cây cung nhưng lấy tre làm dây”.

1.1b - Viên đạn, như đạn sắt, đạn đá, đạn đất sét.

1.1c -  Đạn súng, đạn pháo và những loại trái nổ nói chung.

1.2 - Với âm đàn, "Hán ngữ đại tự điển", ghi cho nó 7 nghĩa mà nghĩa trực tiếp hữu quan là “dụng đạn cung phát xạ”, nghĩa là “dùng cây cung bắn đạn để bắn”.

1.3 - Vậy, với âm đàn thì chữ 彈 không có nghĩa là cung (đạn mới là cung). Từ đó suy ra, chữ đàn trong gươm đàn cũng không phải là cung vì nếu muốn biến nó thành cung thì phải đọc thành đạn.

2 - Câu hỏi 2 do đó cũng đã được trả lời.

3 - Thế thì đàn của Từ Hải không phải là vũ khí (cung) mà là nhạc cụ. Điều này phù hợp với việc xây dựng tính cách của Tử Hải mà tác giả của bản gốc là Thanh Tâm Tài Nhân đã phác họa. "Truyện Kiều" là truyện Tàu, từ cảnh vật đến nhân vật. Thanh Tâm Tài Nhân đã tả Từ Hải vắn tắt như sau:

“Hồi ấy có một tay hảo hán họ Từ, tên Hải, tự Minh Sơn, vốn người đất Việt, tâm tính khoáng đạt, độ lượng lớn lao, coi phú quý như lông hồng, nhìn người đời tự cỏ rác, vả lại anh hùng rất mực lược thao. Lúc thiếu thời cũng có học tập khoa cử, vì không đỗ đạt mới bỏ đi làm nghề buôn, của cải dư dật, lại thích kết giao bạn bè.” (Thanh Tâm Tài Nhân, "Truyện Kim Vân Kiều", Nguyễn Khắc Hanh và Nguyễn Đức Vân dịch, Nxb Hải Phòng, 1994, tr.279).

Cứ như trên thì Từ Hải chẳng những là một con người “2 trong 1”, mà còn đến “3 trong 1”: thư sinh, nhà buôn và võ tướng. Cao Xuân Hạo đã nhận định về việc miêu tả Từ Hải như sau:

“Bức phác họa chân dung này dường như chia ra làm hai phần, một phần là những nét của một thư sinh, một phần là những nét của một võ tướng. Đoạn tiểu sử của Từ Hải ở hồi XVI của Kim Vân Kiều truyện:

“...Chàng tinh cả lục thao tam lược, nổi danh cái thế anh hùng. Trước vốn theo nghề nghiên bút. Thi hỏng mấy khoa, sau xoay ra buôn bán. Tiền của có thừa, hay giao du với giới giang hồ hiệp khách...”.

Có thể biện minh cho tính chất lưỡng diện của bức chân dung này. Và đây cũng là một nét mới của văn học Trung Quốc ở thời đại của những Thanh Tâm Tài Nhân và những Bồ Tùng Linh, thời mà kiểu nhân vật vẹn thuần toàn bích đã bắt đầu nhường chỗ cho những kiểu nhân vật uyển chuyển hơn, gần con người bình thường hơn trong cái tính cách đa diện, nếu không phải là mâu thuẫn, của nó” (“Nghĩa của mày ngài trong câu thơ "Râu hùm, hàm én, mày ngài"”, Ngôn Ngữ, số 2-1982).

Đấy, Cao Xuân Hạo đã nhận định như thế nên chúng tôi lạm  nghĩ rằng bất cứ ai tuyệt đối khách quan cũng không thể không thừa nhận rằng, Nguyễn Du đã theo sát Thanh Tâm Tài Nhân “kè kè một bên” trong việc múa bút vẽ nên diện mạo Từ Hải. Mà nếu đúng như thế thì gươm đàn ở đây chỉ có thể là một thứ vũ khí bên cạnh một nhạc cụ mà thôi.
 

A.C