Gục ngã trên thị trường bán lẻ điện máy

11:00 | 14/09/2013

1,168 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes)- Đầu tư khủng nhưng kinh doanh không mang lại hiệu quả đang khiến thị trường bán lẻ điện máy nội địa đang chứng kiến sự ra đi của nhiều nhà phân phối lớn.

Có thể thấy, chưa bao giờ thị trường bán lẻ điện máy trong nước lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Việc kinh doanh thua lỗ đang khiến nhiều nhà phân phối lớn không còn cách nào khác là rời bỏ thị trường. Tiêu biểu là đầu tháng 9 vừa qua, thị trường điện máy TP HCM chứng kiến sự đóng cửa của điện máy HomeOne (thuộc công ty CP dịch vụ bán lẻ Tiên Phong).

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/092013/13/16/IMG_1666.jpg

Siêu thị điện máy HomeOne bây đã rời khỏi thị trường

Dù bắt đầu bước vào lĩnh vực kinh doanh điện máy với số lượng vốn khủng lên đến 200 tỷ đồng nhưng chỉ sau 2 năm kinh doanh, HomeOne chẳng những không thu về lợi nhuận mà số vốn ban đầu còn bị thâm hụt nghiêm trọng. Đến nay HomeOne đang trong tình cảnh nợ lương nhân viên 3 tháng, nợ tiền thuê mặt bằng hàng tỷ đồng và nợ nhà cung cấp cũng hàng tỷ đồng, mặt bằng bị thu hồi.

Sự ra đi đột ngột của HomeOne không chỉ khiến thị trường bất ngờ mà còn đối với cả chính khách hàng của họ. Nhiều khách hàng sau khi mua hàng của HomeOne tỏ ra khá xốc trước việc các siêu thị của hãng này đóng cửa, khiến các sản phẩm không thể thực hiện việc bảo hành. Như  vậy, chỉ trong vòng 3 năm liên tiếp, 3 nhà phân phối điện máy hàng đầu của Việt Nam đã rời bỏ thị trường. Trước đó, trong năm 2011 và 2012, hai nhà phân phối lớn là WonderBuy và Best Carings cũng lần lượt đóng cửa vì không còn khả năng kinh doanh.

Nhiều chuyên gia nhận định, sự suy yếu của các nhà phân phối điện máy hiện đang bước vào cao trào. Bởi đến thời điểm này, những đơn vị còn lại trên thị trường cũng không tránh khỏi tình trạng kinh doanh bết bát. Ngoài việc phải đưa ra chiến lược kinh doanh nhiều ưu đãi cho khách hàng, một số hãng điện máy đanng phải chọn hướng đầu tư vào lĩnh vực trái ngành để mong vượt qua thời điểm khó khăn.

Ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc Marketing của hệ thống Trung tâm điện máy và nội thất Thiên Hòa thừa nhận, sức mua của người tiêu dùng trong thời gian qua yếu đã khiến nhiều mặt hàng của doanh nghiệp tiêu thụ chậm. Vì vậy đơn vị phải đưa ra nhiều chương trình ưu đãi bằng hình thức khuyến mãi để kích thích, khơi thông nhu cầu mua sắm.

Đại diện của điện máy Nguyễn Kim cũng cho biết đơn vị đã sẵn sàng chuyển hướng sang kinh doanh bách hóa. Theo đó, một siêu thị điện máy Nguyễn Kim trên địa bàn TP HCM đã bày bán thêm nhiều mặt hàng tiêu dùng, đồ dùng nhà bếp, bột giặt, dầu gội đầu, nước xả vải… Trước đó, trong năm 2012, đơn vị này đã đưa vào khai thác trung tâm kinh doanh ở Q.Thủ Đức (TP HCM) theo mô hình mới với khu ẩm thực, rạp chiếu phim, khu trò chơi… đánh dấu cho sự chuẩn bị chuyển hướng kinh doanh của mình.

Có thể  thấy việc phá sản của nhiều nhà phân phối điện máy thời gian qua là do thị trường điện máy trong nước bước vào thời kỳ bão hòa. Nhu cầu của người dân không tăng lên mà các nhà phân phối lại ồ ạt ra đời khiến thị trường lâm vào thế cạnh tranh không lối thoát.

Thị phần của các nhà phân phối lớn trên thị trường dần rơi vào tay các đơn vị mới đến từ các siêu thị, cửa hàng, các dịch vụ bán hàng qua truyền hình, qua mạng… Bên cạnh đó, việc kinh doanh gây mất uy tín như nâng giá sản phẩm lên cao rồi khuyến mãi hay bán các sản phẩm bị lỗi... đã khiến người tiêu dùng càng có lý do để quay lưng với những nhà phân phối lâu năm. Theo các chuyên gia, sự ra đi của các nhà phân phối điện máy sẽ còn tiếp tục. Bởi thị trường đang bước vào thời kỳ thanh lọc, nếu đơn vị nào có đủ tiềm lực về vốn thì sẽ đứng vững qua giai đoạn khó khăn này và ngược lại.

Thùy Trang