GS Douglas Coulter: Tái cấu trúc DN phải gắn với chiến lược và hiệu quả

09:32 | 06/08/2012

1,035 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes.vn) - Tái cấu trúc doanh nghiệp nếu chỉ quan tâm tới cổ đông thì đó là tái cấu trúc thụ động kiểu "mất bò mới lo làm chuồng".

Khẳng định tái cấu trúc doanh nghiệp (DN) là cần thiết nhưng GS Douglas Coulter, người từng có nhiều năm giảng dạy tại trường Đại học Harvard, Đại học Bắc Kinh, Đại học Mátxcơva và hiện là Giám đốc điều hành Quỹ  Open Minds (Mỹ) nhấn mạnh: Nếu DN chỉ quan tâm tới cổ đông thì đó là tái cấu trúc thụ động kiểu "mất bò mới lo làm chuồng", còn nếu quan tâm tới các nhóm lợi ích là tái cấu trúc chủ động, không chỉ đối phó với khó khăn tài chính trước mắt mà với tầm nhìn xa hơn như cải thiện về công nghệ về quản lý và nâng cao kỹ năng cho người lao động...

GS Douglas chia sẻ quan điểm tại Hội thảo CEO Summit 2012.

Doanh nghiệp phải có lựa chọn bản lĩnh

Tại Hội thảo CEO Summit 2012, các diễn giả là các chuyên gia tài chính hàng đều cho rằng, bối cảnh kinh tế suy thoái và khủng hoảng tài chính là áp lực lớn nhất cho quá trình tái cấu trúc vì khi đó DN sẽ phải đối mặt với sự suy giảm mạnh về nhu cầu người tiêu dùng và một số DN sẽ phải đối diện với khó khăn từ chính sự sụt giảm năng lực cạnh tranh của mình. Trong hoàn cảnh đó, DN buộc phải đưa ra những giải pháp nhằm đối phó với vấn đề làm thế nào để tồn tại và vượt qua khủng hoảng hoặc  lãnh đạo DN cần phải tiên liệu được những bối cảnh kinh tế trong tương lai, cũng có thể là một cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra, và tái cấu trúc để đón đầu những khó khăn như vậy.

Với riêng Việt Nam thì khó khăn lớn nhất chính là vấn đề quản trị và điều hành hoạt động của DN như thiếu chiến lược, mất cân đối về dòng tiền, thiếu hụt nguồn nhân lực, và hệ thống không bắt kịp với mô hình phát triển của DN. Do đó, kế hoạch tái cấu trúc DN cần phải là một cuộc cải cách tổng thể DN, quy trình, công nghệ và con người. Khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch, sự e ngại thay đổi sẽ trở thành rào cản lớn nhất để thành công. Và đây cũng nút thắt lớn nhất của quá trình tái cấu trúc. Không dễ dàng gì cho các DN khi phải lựa chọn giữa kinh doanh đa ngành hay tập trung vào ngành nghề cốt lõi.

Theo GS Douglas thì, DN cần phải xác định chính xác năng lực cốt lõi của mình, vốn là nguồn lực vô hình và không dễ định lượng. Khi đã nắm bắt được điểm mạnh, DN lại phải cân nhắc xem nên lựa chọn mở rộng kinh doanh đa ngành đa lĩnh vực hay cùng ngành để mở rộng hoạt động của mình. Nếu lợi thế của mở rộng kinh doanh ra ngoài ngành là việc san sẻ rủi ro hoạt động, kết quả của việc mở rộng kinh doanh cùng ngành đem lại là: doanh thu được cải thiện một cách rõ nét, nhờ kinh doanh đa dạng các sản phẩm có liên quan với nhau hay tiết kiệm chi phí sản xuất hàng hóa tương đồng. Tuy vậy, quy mô và lĩnh vực kinh doanh được mở rộng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề quản trị DN, nếu quản trị không tốt, DN sẽ rơi vào khủng hoảng.

Ngoài ra, GS Douglas cũng chỉ ra rằng, việc cắt giảm chi phí không cần thiết thong qua việc cắt giảm nhân sự chưa chắc đã mang lại hiệu quả như mong muốn bởi hầu hết những quyết định sa thải lao động vội vàng đều không làm giảm chi phí mà ngược lại làm cho chi phí tăng lên do giữ lại những lao động lương thấp nhưng làm việc không hiệu quả. Thậm chí, cách làm này có thể gây “khó” khi tiến hành tổ chức lại hoạt động, nhất là khi DN đang phải “thay máu” toàn diện, và rất cần có sự quản lý của những nhân tài, cũng như sự đồng lòng, hợp sức của toàn thể lao động trong công ty.

Mô hình nào cho DN Việt Nam

Tái cấu trúc DN cần phải dựa trên thế mạnh của DN

Tái cấu trúc DN, đặc biệt là DN Nhà nước đang là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn. Dưới góc nhìn của một chuyên gia về quản trị DN, GS Douglas cho rằng, các DN Việt Nam cần tiếp cận trực tiếp tới mô hình quản trị hiện đại, công khai minh bạch, có lợi cho sự phát triển dài hạn của DN. Ông lấy ví dụ:

Tại Nga, quản trị DN có đặc điểm tập trung hóa cao trong tay cổ đông lớn và thiếu minh bạch, với 3/5 số công ty cổ phần hiện đang hoạt động được hình thành sau quá trình cổ phần hóa DNNN vào những năm 1990. Cổ đông nội bộ chiếm tới 65% cổ phần và lợi ích của cổ đông thiểu số ít được bảo đảm. Các báo cáo tài chính của các công ty Nga thường thiếu tính minh bạch, điều này có liên quan tới tư duy giữ bí mật trong kinh doanh tại Nga - một “truyền thống” khó xóa bỏ trong một sớm, một chiều.

Tại Trung Quốc, do giá cổ phiếu của một công ty hoạt động kém có thể tăng mạnh như giá cổ phiếu của các công ty hoạt động tốt, các nhà quản lý DN không bị áp lực bởi diễn biến thị trường theo hướng kích thích họ cải thiện tình hình quản trị DN. Nguyên nhân khiến DN Trung Quốc cảm thấy ít áp lực hơn về việc cải thiện trị quản trị DN không phải vì họ không biết cách làm, mà bởi họ nhận định nó không quá cần thiết trong việc thu hút nguồn vốn nước ngoài. Khi bạn đã dự trữ được nhiều tiền, bạn không cần phải trấn an nhà đầu tư nào cả. Nhưng hiện nay, Trung Quốc đang theo đuổi quá trình phát triển nhân tài theo cách quản lý của các công ty đa quốc gia Phương Tây. Sẽ hình thành nhiều phòng ban trong DN với một số giám đốc độc lập, và sẽ có sự cạnh tranh giữa thế hệ tân tiến và những lãnh đạo có tư tưởng cũ.

Nói về những lo ngại xung quanh vấn đề “lợi ích nhóm” trong quá trình tái cấu trúc DN Nhà nước tại Việt Nam mà báo chí đề cập tới khá nhiều thời gian gần đây, GS Douglas cho biết, lợi ích nhóm bắt nguồn từ việc cổ phần của Nhà nước tại các DN Nhà nước rất lớn, thường ở mức 39% ngay cả sau khi đã thực hiện cổ phần hóa. DN nhà nước thường được đặt dưới sự quản lý của các bộ ban ngành khác nhau. Việc phân chia trách nhiệm sở hữu và nghĩa vụ điều hành không rõ ràng, “một cổ” mà có tới “hai ba tròng”. Giải pháp là Việt Nam nên xem xét cho phép nhiều nhà đầu tư chiến lược bên ngoài tham gia vào DN nhà nước. Nhà đầu tư bên ngoài phải có tiếng nói, quyền giám sát, kiểm tra và tác động tới quản lý của DNNN sau cổ phần hóa. Việt Nam nên cân nhắc về tự do hóa việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài, cho phép tăng sở hữu nước ngoài tại các DN nhà nước. Động thái này có thể khiến hiệu suất hoạt động của DN nhà nước được cải thiện tốt hơn so với DN tư nhân trong nước thuần túy.

Chia sẻ quan điểm trên, TS Lê Đăng Doanh đã ví von quá trình tái cấu trúc DN giống như con rắn, “nếu không lột xác sẽ chết” và là mệnh lệnh của cuộc sống để phát triển. Ở cấp vĩ mô, để thành công người lãnh đạo phải trung thực trước lợi ích đất nước, dân tộc, nền kinh tế, tránh tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm và phải xác định là cải cách mạnh mẽ để nền kinh tế hướng tới hiệu quả trong thực tế chứ không chỉ ứng phó trong ngắn hạn. Với DN, cần theo dõi và chấp nhận sự thay đổi, tìm ra chỗ yếu nhất của mình như vấn đề quá phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Về lâu dài, DN cần đổi mới khoa học, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thanh Ngọc