Greenland: Tranh cãi về đất hiếm và vị thế mới ở Bắc Cực

19:34 | 18/04/2021

|
Đảo Greenland đang trở thành tâm điểm mới trên trường quốc tế, khi các nước lớn đều muốn tăng cường hiện diện tại đây, và xa hơn nữa là Bắc Cực.
Cuộc bầu cử tại Greenland thu hút sự chú ý của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: AFP)
Cuộc bầu cử tại Greenland thu hút sự chú ý của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Ngày 6/4, Greenland bắt đầu bầu cử sớm. Điều kỳ lạ là, một hòn đảo nhỏ thuộc Đan Mạch ở Bắc Cực, với dân số chỉ hơn 56.000 người, lại được giới quan sát theo dõi chặt chẽ tình hình chính trị nơi đây.

Lý do là, trong những tháng gần đây, một công ty của Australia và nhà đầu tư Trung Quốc đã khởi xướng dự án khai thác mỏ Kvanefjeld, nằm cách thị trấn phía Nam Narsaq khoảng 10 km. Kvanefjeld được miêu tả là “dự án khai thác đất hiếm lớn thứ hai và khai thác uranium lớn thứ năm trên thế giới”, với 10 triệu tấn đất hiếm và 260.000 tấn uranium.

Dự án thuộc sở hữu của công ty Greenland Minerals từ Australia, đồng thời nhận được nguồn đầu tư từ Shenghe Resources, một “đại gia” đất hiếm tại Trung Quốc. Dự án này đã gây ra nhiều tranh cãi trong chính giới ở Greenland, khiến chính quyền liên minh sụp đổ và mở đường cho cuộc bầu cử lần này.

Tranh cãi về đất hiếm

Cuộc bầu cử ban đầu dự kiến được tổ chức vào tháng 6/2021, tuy nhiên, vào tháng Hai, tranh cãi liên quan tới dự án mỏ Kvanefjeld đã khiến khủng hoảng chính trị nổ ra. Một đảng nhỏ quyết định từ bỏ chính phủ liên minh, do đó cuộc bầu cử buộc phải đẩy lên ngày ngày 6/4.

Đợt bầu cử này là cuộc chạy đua giữa hai đảng lớn nhất là đảng cầm quyền Dân chủ xã hội Siumut và đảng đối lập Inuit Ataqatigiit (IA).

Quan điểm của hai đảng về dự án mỏ Kvanefjeld hoàn toàn trái ngược nhau. Lãnh đạo đảng Siumut, ông Erik Jensen, nhận định dự án này sẽ “vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế của Greenland”.

Đảng Siumut cho rằng việc khai thác sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm và hàng trăm triệu USD mỗi năm, giúp Greenland có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào “mẫu quốc” Đan Mạch trong nỗ lực tiến tới tự trị.

Mặc dù không phản đối hoàn toàn việc khai thác, tuy nhiên đảng IA có mối quan tâm đặc biệt về môi trường. IA đã kêu gọi tạm dừng dự án Kvanefjeld do lo ngại về tình trạng ô nhiễm phóng xạ hoặc chất thải độc hại. Dự án được cho là có thể làm tăng 45% lượng khí CO2 ở Greenland.

Trong các cuộc thăm dò gần ngày bầu cử, đảng Siumut - tổ chức chính trị lớn nhất trên hòn đảo, cầm quyền từ khi Greenland giành được quyền tự trị vào năm 1979 bị tụt lại phía sau đảng đối lập IA.

Theo kết quả công bố hôm 7/4, đảng cánh tả IA đã chiến thắng với 37% số phiếu bầu, so với chỉ 29% của đảng Siumut. Như vậy, chiến thắng này sẽ mở đường cho lãnh đạo đảng IA Mute Egede thành lập chính phủ liên minh.

Tầm quan trọng chiến lược

Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới với diện tích khoảng hơn 2,1 triệu km², 80% bị băng tuyết bao phủ.

Về vị trí địa lý, Greenland gần châu Mỹ hơn, nhưng lịch sử và chính trị quốc gia này lại chịu ảnh hưởng bởi châu Âu. Hòn đảo này còn nổi tiếng với nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận như than và uranium.

Trung Quốc bắt đầu sự hiện diện chiến lược của mình tại Greenland sau khi thông qua Đạo luật tự trị năm 2008. Đạo luật này mang lại cho Greenland một mức độ tự chủ ngày càng tăng, bao gồm khả năng ký kết các thỏa thuận với nước ngoài.

Đối với Trung Quốc, mục đích hiện diện ở Greenland là nghiên cứu địa cực, tài nguyên thiên nhiên và cơ sở hạ tầng, cũng như để đẩy mạnh Chiến lược Bắc Cực được công bố lần đầu năm 2018.

Ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, tầm quan trọng chiến lược của Greenland đã được công nhận một cách mạnh mẽ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Năm 2019, ông Trump từng ngỏ ý muốn mua lại vùng lãnh thổ này từ phía Đan Mạch, tuy nhiên kế hoạch thất bại và ông bị dư luận chỉ trích là “thiếu tinh tế”.

Tháng 6/2020, Mỹ chính thức mở lại Lãnh sứ quán ở Greenland, như một phần trong nỗ lực của Nhà Trắng nhằm mở rộng sự hiện diện của Mỹ ở Bắc Cực nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc. Động thái này nhận được sự ủng hộ từ người kế nhiệm, Tổng thống Joe Biden.

Trên thực tế, Trung Quốc đã có các hợp đồng khai thác mỏ với Greenland, trong khi Mỹ - quốc gia có căn cứ không quân Thule nằm trong hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo tại Greenland - đã viện trợ hàng triệu USD cho hòn đảo này.

Bản thân “mẫu quốc” Đan Mạch cũng thừa nhận tầm quan trọng của vùng lãnh thổ tự trị này khi lần đầu tiên vào năm 2019, chính phủ nước này đặt Greenland lên vị trí ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự về an ninh quốc gia.

Một ngày sau khi kết quả bầu cử ở Greenland được công bố, ông Huo Jianguo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Tổ chức Thương mại Thế giới của Trung Quốc cho rằng Greenland đang bị “dư luận phương Tây dẫn dắt”, và họ nên tin tưởng vào kinh nghiệm khai thác đất hiếm của Trung Quốc sẽ không làm nguy hại đến môi trường.

Bắc Kinh hiện là nhà khai thác đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm đến 90% sản lượng toàn cầu.

Theo Học viện Clingendael (Hà Lan), các mỏ khoáng sản đã biến Greenland “từ bị bỏ rơi bỗng trở thành tâm điểm”.

Với vị thế chiến lược và tài nguyên phong phú, Greenland đang trở thành chiến trường nóng bỏng giữa các “ông lớn” muốn khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng ở Bắc Cực, trong đó không thể thiếu vắng bộ đôi Mỹ và Trung Quốc.

Theo Duyên Thảo Nhi

Thế giới & Việt Nam