Gỡ vướng cho đường dây 500kV Bắc - Nam

11:30 | 03/05/2013

724 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Với việc không có nguồn điện mới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận định: Tình hình cung ứng điện cho các tỉnh phía nam trong giai đoạn từ nay đến 2015 là hết sức khó khăn. Vì vậy, EVN xác định: Việc đầu tư mở rộng đường dây 500kV đưa điện từ Bắc vào Nam là vô cùng cấp thiết. Tuy nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ này, EVN rất cần sự vào cuộc, chung tay giúp sức của các bộ, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng.

Mặt bằng “giam” tiến độ

Theo tính toán của EVN, tính chung cả năm 2013, tổng nguồn điện của miền Nam là 55,615 tỉ kWh, riêng mùa khô là 29,414 tỉ kWh. Trong khi đó, phụ tải điện miền Nam ước cả năm là 64,793 tỉ kWh, mùa khô là 31,719 tỉ kWh. Như vậy, lượng điện “tự chủ” ở nguồn miền Nam cả năm thiếu tới 9,178 tỉ kWh và riêng mùa khô là thiếu 2,305 tỉ kWh. Và để giải quyết nhu cầu điện cho miền Nam, đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu, EVN đã yêu cầu Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) phải tập trung đưa vào vận hành các công trình trọng điểm lưới điện cho khu vực miền Nam, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng, hoàn thành các đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, Phú Mỹ - Sông Mây, Sông Mây - Tân Định… Và đây cũng là những dự án trọng điểm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch Điện VII.

Được biết, đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông có nhiệm vụ tăng cường truyền tải Bắc - Nam, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải khu vực miền Nam giai đoạn 2014-2015, đặc biệt là góp phần đảm bảo cấp điện an toàn cho TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, đường dây còn tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam và liên kết lưới điện ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia giai đoạn sau năm 2015. Còn đối với hai đường dây 500kV Phú Mỹ - Sông Mây và Sông Mây - Tân Định, đây là những công trình nhằm truyền tải công suất các nhà máy điện trong cụm Phú Mỹ, Bà Rịa và Nhơn Trạch vào hệ thống điện quốc gia hiện đang được Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia gấp giúp thi công, triển khai nhằm giảm tình trạng quá tải cho lưới điện khu vực Đông Nam Bộ, cũng như tăng cường đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận.

Công nhân điện lực thường xuyên kiểm tra hệ thống truyền tải ở từng trạm

Sự cấp bách của các đường dây 500kV như vậy đã rõ nhưng theo ông Lưu Việt Tiến - Trưởng ban Quản lý đầu tư, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, trong quá trình thực hiện dự án còn gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu các hộ dân không chấp nhận đơn giá bồi thường, hỗ trợ đất, cây trồng bị ảnh hưởng trong hành lang tuyến.

Còn theo ông Lê Đức Ngọc - Phó trưởng phòng Đền bù Ban Quản lý các công trình lưới điện miền Trung (AMT), người trực tiếp phụ trách cung đoạn Bình Phước - Bình Dương và TP Hồ Chí Minh, tiến trình giải phóng mặt bằng chậm đang ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Với tổng số 354 vị trí cột, hiện đoạn đường dây này còn vướng đền bù 90 vị trí; trong đó, Bình Phước còn 20 vị trí, Bình Dương còn 29 vị trí và TP Hồ Chí Minh còn 41 vị trí. Hiện nay, AMT đang làm việc với UBND huyện để hoàn tất thủ tục cưỡng chế các vị trí móng còn lại trong tháng 4 này. Riêng huyện Củ Chi đang phê duyệt phương án chi tiết đền bù giải phóng mặt bằng và làm quyết định thu hồi đất; đồng thời tích cực vận động các hộ dân nhận tiền đền bù.

“Theo tiến độ, tháng 12 năm nay, đường dây này sẽ đóng điện, vì vậy trong tháng 4 này phải thi công xong phần móng còn lại. Tuy nhiên, đến gần giữa tháng 4, người dân vẫn chưa bàn giao hết mặt bằng, kế hoạch đóng điện toàn bộ tuyến đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông như trên theo chỉ đạo của Chính phủ là khó thực hiện” - ông Tiến nói.

Cùng chia sẻ những lo lắng trên, ông Nguyễn Hải Đăng - Phó phòng Đền bù Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam cho biết: Đường dây 500kV Sông Mây - Tân Định triển khai từ tháng 8/2009 đến nay nhưng chưa kéo được dây do vướng giải phóng mặt bằng. Trạm biến áp 500kV Sông Mây cũng hoàn tất chuẩn bị đóng điện nhưng hiện nay chưa có đường dây nào kết nối, trong khi theo tiến độ, đường dây này sẽ đóng điện trong tháng 5 tới.

Để miền Nam không “khát” điện

Như đã đề cập ở trên, các tuyến đường dây 500kV Bắc - Nam chính là “huyết mạch” của ngành điện nhằm đưa điện vào miền Nam, giải quyết nguy cơ thiếu điện phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng điện của các tỉnh phía nam. Chính vì tính chất quan trọng đặc biệt này, mới đây Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố liên quan đến dự án phải tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đảm bảo đủ quỹ đất để thực hiện các dự án.

Nói như vậy để thấy rằng, vấn đề còn lại, quyết định sự thành bại của các đường dây 500kV Bắc - Nam trong việc giải quyết bài toán điện cho miền Nam hiện phụ thuộc rất nhiều vào sự tích cực của chính quyền địa phương. Nếu các địa phương không trực tiếp và tích cực phối hợp với các ban quản lý dự án sớm tháo gỡ nút thắt trong giải phóng mặt bằng thì câu chuyện chậm tiến độ chắc chắn còn kéo dài, hệ thống truyền tải điện quốc gia cũng sẽ phải đối diện với nguy cơ rã lưới trầm trọng khi các đường dây cao áp 500kV Bắc - Nam hiện hữu luôn trong tình trạng vận hành quá tải.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, mới đây, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã có văn bản yêu cầu UBND hai huyện Bến Cát và Phú Giáo đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt phương án bồi thường và hồ trợ; đồng thời phối hợp với AMT vận động các hộ dân nhận tiền và chi trả kịp thời theo phương án đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Tân Uyên khẩn trương phối hợp cùng AMN thực hiện bồi thường, hỗ trợ đối với các trường hợp còn tồn đọng theo phương án đã phê duyệt của tỉnh.

Và theo ông Trần Văn Nam - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thì, với những trường hợp đã vận dụng đầy đủ các chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định và giải quyết hết các vướng mắc nhưng các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân vẫn cố tình kéo dài thời gian, không chịu bàn giao mặt bằng thì tiến hành củng cố hồ sơ pháp lý, triển khai các biện pháp bảo vệ thi công theo quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ đưa các công trình điện vào khai thác, phục vụ sự phát triển của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Còn theo đại diện của EVN thì, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là địa phương và ngành điện cùng vận động người dân giải phóng mặt bằng chứ pháp luật chưa có chính sách hỗ trợ ngành điện, nhất là sau khi có Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2009. Ngoài chính sách chung, bản thân địa phương cũng muốn ngành điện tự thỏa thuận với người dân.

Tuy nhiên, EVN cũng nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng các dự án, các ban quản lý phải đảm bảo nguyên tắc: Dân chủ - công khai - đúng luật và minh bạch. Thông tin đầy đủ về dự án, phương án đền bù; đối tượng, thời gian đền bù đến tất cả các hộ bị ảnh hưởng và thực sự gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, qua đó làm tốt công tác dân vận, kịp thời giải đáp thắc mắc của người dân cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với tinh thần: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm” như Bác Hồ đã dạy.

Thanh Ngọc