Giúp việc nhà "đắt giá" ngày Tết

09:00 | 04/02/2013

880 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Muốn người giúp việc ở lại giúp việc trong dịp tết là tâm lý chung của các gia đình thành phố. Ai ai cũng muốn thảnh thơi, tận hưởng tối đa thời gian nghỉ ngơi nên gia chủ dùng đủ chiêu để giữ chân người giúp việc ngày tết...

Trước đây, mỗi khi Tết đến các gia đình chỉ thưởng Tết cho giúp việc giỏ quà Tết 300-500 nghìn hay cho thêm 100 nghìn tiền tàu xe đi lại. Nhưng những năm gần đây, chuyện thưởng Tết cho giúp việc luôn khiến nhiều gia đình khá đau đầu.

Muôn kiểu vòi vĩnh

Chuyện nhiều gia đình thưởng Tết cho người giúp việc cao hơn thưởng ở cơ quan đã không còn hiếm. Thế nhưng, trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều công ty cắt giảm thưởng Tết hoặc chỉ là có chút ít cho có lệ. Trong khi đó, giá thuê người giúp việc tăng lên từng ngày, đồng nghĩa với việc tiền thưởng Tết người giúp việc cũng phải nhiều lên thì mới mong giữ được chân người giúp việc sau Tết.

Lợi dụng điều đó, ngay từ bây giờ nhiều người giúp việc làm cao và sẵn sàng ra giá… tiền thưởng cho mình hoặc có những kiểu "vòi" thưởng Tết rất oái oăm khiến nhiều chị em phải nóng mặt đối phó.

Nhiều người giúp việc sẵn sàng ra giá, vòi vĩnh dịp gần Tết. 

Chị Nguyễn Thị Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) có 2 con nhỏ, đứa lớn 6 tuổi và đứa bé 2 tuổi. Chị làm kế toán cho 1 công ty nước ngoài, vì công việc quá áp lực và đòi hỏi sự nghiêm ngặt về thời gian, vì vậy, mọi việc trong nhà từ lớn đến nhỏ chị đều phải trông cậy vào người giúp việc.

Năm ngoái, kinh tế gia đình khó khăn nên dù cố gắng lắm, chị cũng chỉ thưởng Tết cho người giúp việc được 2 triệu đồng. Thế là cô giúp việc nói ngay: “Tôi sợ, với tình hình này sang năm tôi không thể tiếp tục trông coi nhà cửa cho anh chị”. Nói là làm, mấy hôm sau ra bắt xe về luôn, ra Tết cũng mất hút khiến vợ chồng chị vật vã xoay xở với hai đứa con nhỏ.

Osin nhà chị Trần Thúy Lan (Trung Hòa, Cầu Giấy) còn thẳng thắn đề nghị: "Tết này cô có thưởng Tết thì làm cho tôi quyển sổ tiết kiệm nhé, tôi muốn tích một ít làm vốn sau này". Mặc dù công ty chị chưa đả động gì đến tiền thưởng nhưng để giữ chân osin chị đã phải chi ra 6 triệu đồng, tương đương với hai tháng lương để thưởng Tết osin.

Đồng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thanh Huế (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Người giúp việc bây giờ làm cao lắm, tự đề nghị luôn mức thưởng Tết cho mình chứ phải tùy tâm gia chủ như hồi trước. Tết này osin nhà em đòi mức thưởng Tết ít nhất phải 5 triệu, còn bảo là cháu trích ra 2 triệu mua cho cô cái áo lông vũ giống của cháu mua tháng trước. Còn lại cô xin nhận trước để gửi về quê sắm Tết".

Gia chủ cố chiều lòng ôsin...

Với tâm lý “nhịn một tí nhưng được việc”, nên nhiều chị em sẵn sàng chi bạo tay để thưởng Tết cho giúp việc, thậm chí có không ít người sẵn sàng săn hàng độc để làm giúp việc vừa lòng và “gắn bó” với gia đình hơn.

Có được người giúp việc thành thạo, chăm chỉ và yêu trẻ con nên càng gần tết, chị Nguyễn Quỳnh Trâm (Cầu Giấy, Hà Nội) càng lo lắng "hối lộ" để giữ chân chị giúp việc : "Mình phải đi mua quần áo và cả đồ thờ cho cô ấy vì gia đình họ mới xây nhà. Sau đó, mỗi thành viên trong gia đình mừng tuổi sớm cho 2 con nhỏ của cô ấy".

Để giữ chân người giúp việc, nhiều người đã phải bấm bụng để chi tiền thưởng.

Cũng chỉ vì muốn giữ chân bác giúp việc ở lại đến tận ngày 30 mà chị Phạm Mai Anh (Khâm Thiên, Hà Nội) phải “bấm bụng”, ngậm bồ hòn mua quà làm thân. Chả là trót hứa mua tặng bác giúp việc tấm áo mới diện tết, nhân ngày cuối tuần nghỉ làm, chị Kiều Anh dẫn bác ra siêu thị mua đồ. Lựa chọn cho mình được tấm áo ưng ý, bác giúp việc “hồn nhiên tâm sự” rằng muốn chọn thêm cái áo nữa cho con gái, một cái váy đẹp đẹp cho đứa cháu ngoại ở quê.

Chị Kiều Anh ngao ngán: “Lúc thanh toán, chả lẽ để bác ấy tự giả tiền, thôi thì đành mua thêm hai cái áo phát sinh…cốt sao bác ấy vui vẻ ở lại nhà tôi đến khi vợ chồng tôi được nghỉ tết”.

Năm nay, tuy công việc làm ăn không được như mọi năm nhưng chị Trần Hoài Anh (nhân viên văn phòng ở Hà Nội) cũng dự định thưởng cho chị giúp việc một tháng lương 3,5 triệu đồng, cộng thêm ít quà như nước mắm, bánh kẹo, áo quần... Chị giải thích: “Cố gắng o bế người giúp việc. Chứ nếu họ bỏ việc đầu năm thì mọi công việc đảo lộn, coi như mình chẳng làm được việc gì”. Sự lo lắng ấy của chị Hoài Anh cũng là lý do chung mà nhiều chị em đang bấm bụng o bế, lấy lòng người giúp việc trong những ngày giáp tết này.

Tết của các gia đình thành phố dường như không chỉ được cảm nhận bằng sắc vàng của chậu quất cảnh bày bán trên đường phố, sự sầm uất của chợ phố thị… mà còn được cảm nhận bằng “nỗi lo mang tên người giúp việc” thoáng hiện trên gương mặt các chị, các mẹ.

Xưa kia, giúp việc có khi chỉ được thưởng Tết đôi ba gói kẹo, vài chục nghìn tiền tàu xe đã thấy xúc động lắm, nhưng nay, chuyện thưởng Tết cho giúp việc ngày càng phình to. Chuyện người giúp việc đỏng đảnh, ăn vạ đòi thưởng Tết hay tự đề nghị những khoản tiền thưởng cho mình... đã xảy ra từ nhiều năm trước đó. Thậm chí, có những osin chê thưởng Tết ít, giận dỗi gia chủ rồi không quay lại làm sau Tết. Để tránh tình trạng đó, nhiều chị em đã phải tìm đủ mọi cách xoay xở để lấy lòng osin, mong sẽ giữ được chân họ ở thời điểm cận Tết và sau Tết.

Nhã Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc