Hà Nội:

Giúp người khuyết tật hòa nhập tốt hơn

10:39 | 09/03/2021

191 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Luật Người khuyết tật số 51/2010/QH12 ngày 17/6/2010 của Quốc hội nêu rõ, các nhà chung cư, công trình công cộng, giao thông… phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Tuy vậy, trong thực tế vẫn có một bộ phận người khuyết tật chưa được hưởng đầy đủ các điều kiện kể trên khiến họ gặp khó khăn trong quá trình sinh sống, làm việc. Hiện các cơ quan chức năng đang rà soát những vấn đề này để tiếp tục có điều chỉnh, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng tốt hơn.
Giúp người khuyết tật hòa nhập tốt hơn
Vỉa hè phố Nguyễn Cơ Thạch (quận Nam Từ Liêm) đã thiết kế lối đi (có gờ sọc) cho người khuyết tật.

Vẫn còn một số bất cập

Khảo sát thực tế về các công trình dành cho người khuyết tật tiếp cận trên địa bàn Thủ đô, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận vẫn còn một số bất cập. Cụ thể, tại các cầu vượt đi bộ ở đường Hồ Tùng Mậu, đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy); trước cổng Bệnh viện Bạch Mai (quận Đống Đa); đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân)… đều không có lối đi dành cho người khuyết tật. Tương tự, tại một số nhà chờ xe buýt ở các khu vực Bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai), Bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), đường 32 (quận Bắc Từ Liêm)… cũng không có lối lên xuống dành cho người khuyết tật.

Anh Nguyễn Văn Tuấn - một người khuyết tật nhà ở đường Kim Đồng (quận Hoàng Mai) cho biết: "Tôi thường đón xe buýt ở điểm trước cửa Bến xe Giáp Bát. Do ở đây chưa có lối dành riêng cho người khuyết tật nên gây một số bất tiện cho tôi khi chờ và lên xe buýt".

Cũng về vấn đề này, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thị xã Sơn Tây Trần Quốc Nam phản ánh, tại các điểm nhà chờ xe buýt trên địa bàn thị xã Sơn Tây đều không có lối đi cho người khuyết tật. Ngoài ra, một số tuyến buýt chưa có hướng dẫn bằng âm thanh hoặc chữ nổi nên người khiếm thính hoặc khiếm thị rất khó nắm bắt được tuyến đến và tuyến đi.

Trong khi đó, khảo sát tại các trụ sở cơ quan, tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại… cho thấy, không ít nơi vẫn thiếu những điều kiện cần thiết để người khuyết tật tiếp cận. Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Ba Đình Đoàn Thị Ngọc Lan thông tin, một số trụ sở cơ quan khi xây dựng đã làm lối lên xuống dành cho người khuyết tật, nhưng lại làm sai so với tiêu chuẩn về độ dốc. Thông thường, độ dốc là 12-15% nhưng có nơi 30%, thậm chí tới 45%. Đáng nói, một số trụ sở UBND cấp phường có lối lên xuống dành cho người khuyết tật nhưng do ít người sử dụng nên đã biến lối đi này thành nơi để xe máy và đồ đạc. Thêm nữa, không ít trụ sở làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, hạ tầng xã hội là công trình xây dựng cũ nên không bảo đảm các điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật...

Sớm bảo đảm các điều kiện tiếp cận

Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội Dương Thị Vân cho biết, trong những năm qua, nhiều công trình xây dựng mới trên địa bàn Thủ đô đã quan tâm xây dựng các hạng mục dành riêng cho người khuyết tật. Có thể thấy là những công trình lát đá vỉa hè ở phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng), hoặc tại các tuyến phố Ngô Quyền, Tràng Thi, Quang Trung (quận Hoàn Kiếm), đường Nguyễn Cơ Thạch (quận Nam Từ Liêm)… đều có lối dành riêng cho người khuyết tật.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Chi cục Trưởng phụ trách Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Quang Huy khẳng định, đối với các công trình xây dựng, hè phố hiện nay, các đơn vị đều phải tuân thủ đúng quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng. Cụ thể, các dự án lát vỉa hè đã và đang triển khai trên địa bàn Hà Nội đều đã thiết kế hạng mục dành cho người khuyết tật tiếp cận, sử dụng theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 10:2014/BXD ban hành ngày 24/12/2014 của Bộ Xây dựng. Trong đó, các hè phố đều thi công hạng mục tấm lát hướng dẫn (có gờ sọc) và tấm lát dừng bước (ô tròn nổi) để người khuyết tật dễ nhận biết và bảo đảm an toàn.

Tương tự, Giám đốc Ban Quản lý dự án quận Nam Từ Liêm Phùng Ngọc Sơn cho biết, hiện các công trình mới xây dựng của địa phương đều được kiểm tra ngay từ khâu thẩm định thiết kế phải có hạng mục phục vụ người khuyết tật. Với các công trình đã xây dựng từ nhiều năm trước, đơn vị sẽ rà soát và đưa vào kế hoạch bổ sung các hạng mục dành riêng cho người khuyết tật khi có dự án sửa chữa, cải tạo...

Còn theo Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Dương Tuyết Nhung, Sở đang phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, rà soát điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật tại toàn bộ công trình xây dựng, đường, hè phố… Mới đây nhất, tại Công văn số 560/UBND-ĐT ngày 25/2/2021 về việc tăng cường thực hiện tiếp cận các công trình xây dựng, đường và hè phố đối với người khuyết tật, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, trên cơ sở rà soát, các đơn vị phải có kế hoạch, giải pháp khắc phục ngay để bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.

Với sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của các cấp, ngành chức năng, tin tưởng những người khuyết tật ở Thủ đô sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn để hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.

Theo Báo Hànộimới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan