Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 14)

06:00 | 02/07/2014

1,539 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) -Đây là một “chiến dịch” thi công lớn, khẩn trương đầy ý nghĩa. Đổ xong bê tông phần ngầm coi như đã hoàn thành cơ bản công tác bê tông. Có làm xong phần ngầm mới thi công được phần nổi và mới làm các việc khác như trang trí, hoàn thiện, lắp máy, v.v... Nếu như toàn bộ công việc xây Lăng là một trận đánh thì đây là điểm đột phá có tính quyết định.

Năng lượng Mới số 334

>> Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 13)

Nhận nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ hai đoàn Hùng Vương và Bắc Sơn suy tính mọi khả năng, mọi biện pháp và các tình huống để bảo đảm chắc thắng. Căn cứ vào kết cấu công trình chia thành từng khối đổ bê tông hợp lý.

Khi bộ đội nêu quyết tâm thực hiện những chỉ tiêu này, dư luận chung rất hoan nghênh. Song cũng không ít người cho rằng, đây chỉ là mong ước tốt đẹp chứ khó có thể thực hiện được. Có người quả quyết: ở công trường Thác Bà chỉ 560m3 bê tông năm. “Ở đây điều kiện có khác, nhưng cũng không thể vượt quá mức 200m3/ngày”. Những người chín chắn hơn thì nói: “Hãy chờ kết quả tuần đầu xem sao đã”.

8 giờ sáng ngày 15 tháng 3 năm 1974, đợt thi công bắt đầu. Công việc cùng một lúc được triển khai ào ạt nhưng vẫn rất nhịp nhàng. Nhiều khối đổ bê tông cũng được đổ đầy trong một thời gian ngắn, máy trộn bê tông làm việc hối hả. Vận chuyển bê tông từ máy trộn tới chỗ đổ là những chiếc xe ben liên tục nối đuôi nhau. Cần cẩu tháp như những cánh tay khổng lồ với từ nơi tập kết, đưa bê tông tới từng khối đổ. Kết hợp với cần cẩu là những mũi thủ công dùng xe cải tiến, sẵn sàng thay thế những vị trí mà cần cẩu không với tới. Những chiếc “cầu” làm bằng những phương tiện sẵn có của công trường như giàn giáo, dầm thép, ván gỗ đã được bắc từ nơi tập kết vữa bê tông tới các khối đổ đón các xe cải tiến rầm rập lăn bánh qua lại.

Vận dụng kinh nghiệm “đưa pháo vào sát lô cốt địch, ngắm bắn trực tiếp”, cán bộ chiến sĩ đã đưa cần cẩu bánh lốp đặt lên nắp hầm đặc biệt để phục vụ đổ bê tông nóc phần ngầm khu giữa. Mặc cho nóng nắng chói chang, mùi vữa bê tông ngột ngạt, tiếng máy, tiếng xe, tiếng những bước chân rầm rập vẫn không lúc nào ngừng nghỉ. Những tấm lưng gù xuống, những bắp cơ vồng lên, những gương mặt nhễ nhại mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ và công nhân viên như là sự thách thức với thời tiết khắc nghiệt và thời gian ngặt nghèo...

Lễ đón nhận lẵng hoa của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng CBCNV, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Lăng

Kết hợp với công đoạn đổ bê tông cốt thép, cán bộ và chiến sĩ đảm nhiệm công việc lắp ráp thuộc đoàn Ba Đình đã lắp ráp hàng chục tấn chi tiết cần đặt trước trong bê tông. Tại khu hầm đặc biệt trong 12 ngày thi công liên tục, toàn hệ thống “cửa nặng” đã được lắp ráp vào vị trí đúng tiến độ và đạt yêu cầu kỹ thuật. Đây cũng là một công việc vừa nặng nhọc vừa đòi hỏi độ chính xác cao. Sau đó họ lại tiếp tục lắp và hoàn thành các hệ thống “cửa nhẹ” khác.

Đợt thi công đổ móng bè thắng lợi đã tạo tiền đề thuận lợi cho đợt thi công tường tiếp theo. Thi công phần tường có nhiều phức tạp hơn. Kết cấu mỏng, cao diện thi công hẹp rất khó đổ bê tông. Phấn khởi với kết quả đợt đầu, cán bộ, chiến sĩ đã triển khai công việc trên toàn tuyến, thi công liên tục, thận trọng, tỉ mỉ, an toàn.

Giai đoạn cuối cùng của chiến dịch bao giờ cũng có nhiều khó khăn, cuộc chạy đua về cuối thường sức lực không còn dồi dào; lại phải hết sức khẩn trương. Khẩu hiệu của cán bộ chiến sĩ trên công trường là “tất cả cho đợt tổng công kích cuối cùng hoàn thành đúng ngày sinh nhật Bác”.

Cán bộ, chiến sĩ ta đã tận dụng tối đa thi công cơ giới. Sáng kiến làm cầu cho các xe thô sơ chạy theo hành trình ngắn nhất được áp dụng rộng rãi. Bộ đội cũng đưa cần cẩu bánh lốp đặt trên sàn của các khối đổ trước để đổ bê tông ở các khối xa mà cần cẩu tháp không với tới được.

Cuộc vật lộn trong đợt cuối cùng này diễn ra quyết liệt. Bộ phận phục vụ mang cơm, nước ra tận bờ hố móng. Điều quan trọng đối với mọi người lúc này là kết thúc công việc đúng ngày giờ quy định. Và nguyện vọng của họ đã được hoàn thành mỹ mãn. Đúng 24 giờ ngày 19 tháng 5 năm 1974, các đơn vị đã thực hiện xong 7 khối đổ lớn.

Trong cả ba đợt của chiến dịch, cán bộ, chiến sĩ ta đã thực hiện đúng kế hoạch trên giao, hoàn thành nhiệm vụ đúng ngày giờ quy định. Cốt thép đặt đúng, đẹp được chuyên gia khen ngợi. Bê tông đảm bảo độ bền chắc vĩnh cửu. Từ khối lớn đến khối nhỏ, từ tấm dày hàng mét tới tấm mỏng vài trăm ly, trong điều kiện thi công khẩn trương, phối hợp hiệp đồng rất phức tạp, tư thế làm việc khó khăn... nhưng tất cả đều đạt yêu cầu một cách tốt đẹp.

Thành công của chiến dịch đổ bê tông phần ngầm khu trung tâm có rất nhiều ý nghĩa, nhưng ý nghĩa sâu xa nhất là ở chỗ con đường dẫn tới việc hoàn thành công trình Lăng Bác để khánh thành vào ngày 2 tháng 9 năm 1975 đã mở ra.

Ngày 18 tháng 5 năm 1974, Bác Tôn đến thăm công trường, Bác đi mọi nơi, xem xét công việc, Bác dừng lại ở những nơi cán bộ, chiến sĩ đang hoàn tất những công việc cuối cùng của chiến dịch. Đôi mắt hiền từ của Bác âu yếm nhìn cán bộ, chiến sĩ. Bác xúc động hỏi thăm, khen ngợi và khích lệ mọi người. Bác mong cán bộ, chiến sĩ và công nhân viên toàn công trường sẽ làm việc hăng say hơn nữa, chất lượng hơn nữa, hoàn thành Lăng đúng thời hạn để đồng bào trong nước và bầu bạn năm châu đến viếng Bác Hồ. Ngày 19 tháng 5, Bác Tôn dành thời gian nghe báo cáo tình hình toàn diện ở công trường. Bác rất vui. Bác ra lệnh thưởng cho toàn công trường được đi thăm nhà sàn của Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch.

8. Cán bộ, chiến sĩ hai đơn vị Hùng Vương và Bắc Sơn rút quân khi công trường xây dựng Lăng Bác đã hoàn thành một phần công việc khá quan trọng và nặng nề: Đổ xong bê tông phần ngầm.

Riêng Tiểu đoàn 2, Đoàn Hùng Vương ở lại theo yêu cầu của Ban phụ trách để tiếp tục chi viện cho công trường, đảm nhiệm đặt cốt thép phần nổi của công trình.

Nếu như đổ bê tông phần ngầm có một khối lượng lớn, cần tốc độ và sức mạnh thi công, thì phần nổi không thể triển khai lực lượng rầm rộ như trước. Diện thi công lúc này chật hẹp và ở trên cao, yêu cầu mỹ thuật cũng rất nghiêm ngặt. Những tường ngang tường dọc, chồng chéo lên nhau và trong mỗi bức tường đường nét kiến trúc lại rất phức tạp, vì vậy không thể áp dụng phương pháp thủ công. Song họ rất lạc quan bước vào đợt thi công mới với những kinh nghiệm phong phú qua đợt thi công trước. Chín mươi ngày đêm lao động tiếp theo, họ đã cùng với cán bộ, công nhân công trường xây Lăng hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ được giao. Ngày 30 tháng 10 năm 1974, một trong những ngày vui đáng ghi nhớ: Công trường xây dựng đốt pháo mừng hoàn thành mẻ bê tông cuối cùng ở nóc Lăng Bác.

Lăng Bác là một công trình văn hóa, nghệ thuật, phần công việc trang trí và hoàn thiện chiếm hơn một nửa thời gian xây dựng. Hơn bất cứ một công đoạn nào, phần công tác này đòi hỏi trình độ kỹ thuật và mỹ thuật rất cao.

Ngay việc trát vữa, quét sơn đã không giống nhiều công trình xây dựng khác, đòi hỏi thực hiện những quy trình công nghệ phức tạp, nhưng cán bộ, công nhân vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nên đã hoàn thành tốt đẹp.

Nhìn từ ngoài Lăng cũng như đi sâu vào bên trong, người xem dễ nhận thấy toàn bộ khối Lăng chủ yếu được kết cấu, trang trí bằng đá. Quả thật, việc gia công đá, làm đá cho công trình Lăng đã vượt quá khả năng mà cán bộ, chiến sĩ công nhân viên trong công trường suy tính. Lúc đầu ta tưởng có thể tự lực cánh sinh đảm nhiệm phần làm đá. Đất nước ta vốn có nhiều núi đá và không thiếu những đá quý. Nhưng khi gia công, mới biết có được những viên đá vuông thành sắc cạnh có kích thước lớn và bóng bẩy như vậy không dễ dàng gì.

Sản xuất một khối lượng đá như thế vừa tốn không ít thời gian, vừa phải có máy móc ở trình độ nào đó mới kham nổi. Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đã hết sức thông cảm với ta. Hai vạn miếng đá hoa cương và cẩm thạch mài nhẵn đã đi vòng quanh nửa trái đất để đến với công trình Lăng Bác.

Nhưng số lượng ấy cũng mới chỉ là một phần. Cán bộ, công nhân viên Nhà máy Gia công đá An Dương phối hợp với Tổng cục Địa chất và Bộ Xây dựng, các địa phương đã cử cán bộ đi các vùng khác nhau của đất nước tìm nguồn đá quý. Những loại đá quý này được nhân dân các địa phương khai thác và chuyển về Nhà máy An Dương. Tại nhà máy, việc cắt và mài đá là công việc cũng rất mới mẻ, Liên Xô đã cử người sang đào tạo thợ cho ta tại chỗ.

Ngày 1 tháng 11 năm 1974, lễ ốp viên đá đầu tiên ở phòng khách B2 đã được tiến hành. Đồng chí Đỗ Mười trực tiếp chủ trì. Tất cả mọi người trong phòng chăm chú nhìn viên đá màu đầu tiên được trân trọng đặt vào tường. Điều quan trọng trong việc ốp đá không phải chỉ làm cho viên đá phẳng, ngay ngắn, mà còn làm sao cho khe nối giữa viên đá này với viên kia phải rất khít, gây cảm giác không có vữa liên kết mà chỉ có viên này và viên kia tự kết dính với nhau. Sau viên đá đầu tiên được ốp ở phòng khách, hàng loạt bức tường khác đã được ốp đá, mỗi phòng, mỗi tường có những quy cách khác nhau tạo dáng phong phú đa dạng, phù hợp với ánh sáng, màu sắc, hài hòa với bố cục chung. Mặt ngoài của Lăng được ốp bằng đá hoa cương, một loại đá cứng vào loại thứ ba, thứ tư sau kim cương huyền vũ. Đá này chịu đựng thử thách của thời gian, của nắng mưa và của nhiệt độ khắc nghiệt của vùng nhiệt đới. Những tấm đá màu xám đậm có những nét vân hoa ốp rất quy cách, tạo vẻ tôn nghiêm thành kính của Lăng. Chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh” trên nóc Lăng được ghép bằng đá ngọc Cao Bằng. Cửa chính của Lăng được ốp bằng đá đen bóng. Người đi qua lấp loáng hình mình như có tấm gương phản sáng bên trong.

Hai phòng khách và lối đi ra lễ đài, các nền và các bậc cầu thang cũng lát bằng đá hoa cương. Tất cả các tường và cột ốp bằng đá cẩm thạch, một loại đá mềm hơn nhưng mịn hơn, đẹp hơn. Riêng tường chính tiền sảnh ốp đá hoa cương vân đỏ hồng tươi, làm nền cho dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và chữ ký của Bác, dòng chữ và chữ ký được mạ vàng rực rỡ.

Phòng Bác nằm vẫn là đá cẩm thạch Hà Tây, nhưng những viên đá có hình chữ nhật xếp hình thẳng đứng kế tiếp nhau nối từ chân tường đến đỉnh trần làm ta liên tưởng tới những thanh gỗ lát nhà sàn của Bác. Có cảm giác căn phòng thật ấm cúng, thật yên tĩnh. Và như có một phép nhiệm mầu từ đâu đó, mỗi lần ta có dịp đến viếng Bác, tự trong tiềm thức sâu xa mách bảo ta: “Hãy nhẹ chân - Bác đang yên ngủ. Hãy giữ yên giấc ngủ của Người”. Đầu Bác hướng về bức tường có hai lá cờ rất lớn - Cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Nhân dân Bá Thước, Thanh Hóa đã cất công đi tìm loại đá hồng ngọc này trên những triền núi trùng điệp của mình gửi về Lăng. 4.000 miếng đá này đã được ghép lại thành hai lá cờ màu đỏ thắm. Búa liềm và sao năm cánh ghép bằng đá cẩm vân vàng sáng.

Phần trang trí và hoàn thiện Lăng Bác còn phải kể đến việc hoàn thành 200 bộ cửa và tất cả các loại gỗ trong Lăng. Để không lãng phí một chút gỗ nào của đồng bào, chiến sĩ miền Nam gửi ra, các súc gỗ đều được xẻ tay. Ban chỉ huy công trường đã giao cho 20 cặp thợ xẻ Nam Hà. Nhà máy gỗ Bạch Đằng chịu trách nhiệm ngâm tẩm chống mối mọt. Gỗ được sấy bằng các lò sấy hiện đại. Các thợ mộc giỏi của Nam Hà, Hà Bắc, Nghệ An đã tụ hội thi thố tay nghề. Có hai bố con bác thợ mộc làng Gia Hòa nổi tiếng về nghề đóng cửa đã tới đây. Hai bố con bác là đời thứ sáu làm nghề mộc. Cánh cửa vào phòng thi hài là do hai bố con bác đóng. Cửa chốt theo kiểu mộng mòi. Có khóa cài cả hai chiều, không cần ke không cần đóng chốt, khó phân biệt mối ghép. Những cánh cửa với kỹ xảo điêu luyện này đã biểu hiện tài hoa của những người thợ mộc Việt Nam, được các chuyên gia Liên Xô thừa nhận là “Đôi tay vàng”. Cửa ra lễ đài được ốp đá, những cửa tiếp giáp với nắng được quét nhựa chống nứt. Ngoài đồ gỗ, trong Lăng còn dùng các thứ kim loại để trang trí như trần nhôm, lan can mạ kền, lưới gió, cửa trang trí, rào chắn, tay vịn bằng đồng...

Công tác trang trí được Ban phụ trách Lăng, Ban chỉ huy công trường và các chuyên gia đánh giá cao. Chất lượng vật liệu được kiểm tra thử nghiệm chu đáo. Trước khi thi công chính thức, đều có mẫu hình thông qua Hội đồng kỹ thuật. Một số mẫu đã được Bộ Chính trị trực tiếp duyệt. Sự thận trọng, chu đáo, cùng với nỗ lực cố gắng của cán bộ, công nhân viên phụ trách phần này đã góp phần làm cho Lăng Bác có một vẻ đẹp hoàn thiện.

9. Trong lúc công trường xây khởi công và thi công dồn dập, công trường lắp do quân đội đảm nhiệm cũng ráo riết chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng bước vào cuộc “chiến đấu” của mình. Đây là một công trình có nhiều hệ thống máy móc hiện đại nhằm phục vụ việc giữ gìn nguyên vẹn lâu dài thi hài Bác. Các đồng chí lãnh đạo quân đội luôn luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ: “Hết sức thận trọng, tỉ mỉ, chu đáo, không cho phép sai sót một ly”. Những người trực tiếp tham gia lắp máy đã ý thức được trách nhiệm nặng nề của mình, chuẩn bị chu đáo mọi mặt để “đã ra quân là chiến thắng”.

Từ tháng 9 năm 1973, Ban phụ trách đã cử một đoàn cán bộ kỹ thuật điện, cấp thoát nước, thông hơi, điều hòa, cơ khí sang Liên Xô tham gia thiết kế thi công phần lắp, nắm trước thiết kế, nắm trước các biện pháp thi công để sau này về nước chỉ đạo lắp đặt máy móc.

Mặc dù các chuyên gia Việt Nam và Liên Xô bố trí sát sao giờ giấc làm việc và mỗi người đều mang hết sức lực, trí tuệ suy nghĩ nghiên cứu, nhưng tới tháng 3 năm 1974, bản thiết kế thi công điện nước mới xong. Và tới tháng 4, phần thiết kế thi công thông hơi, điều hòa mới kết thúc.

Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười (đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng các cán bộ, chiến sĩ tham gia xây dựng Lăng

Làm bản thiết kế thi công này so với thời gian dự định có chậm, nhất là hệ điều hòa không khí do đặt làm tại một nước khác nên phải chờ nhà máy của họ thông báo các thông số kỹ thuật, mới thiết kế được.

Công trường lắp bước vào cuộc chiến đấu muộn hơn công trường xây, cán bộ công nhân viên nóng lòng được bắt tay vào công việc. Cơ sở vật chất, hiện trường bước đầu được ổn định, các đơn vị trực tiếp thi công đến các đơn vị hỗ trợ, các cơ quan chức năng đều đã có chương trình hành động của mình.

Theo hiệp định các phương tiện thi công cho công trường lắp do ta tự đảm nhận. Vì thế, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên phải tự chuẩn bị. Một mặt đi mượn ở các nơi, mặt khác phải tự sản xuất những phần làm được.

Hệ ống hơi, bạn thiết kế định tuyến và quy định kích thước ống, muốn gia công đúng yêu cầu, công trường phải thiết kế toàn bộ bản vẽ gia công chi tiết. Trong gia công ống hơi, khâu hàn có ý nghĩa rất quan trọng. Công trường đã bố trí thợ hàn đi học chuyển loại chu đáo.

Đang những ngày đầu hè nóng nực, nắng chói chang từ sáng đến tận chiều, nhưng cán bộ, chiến sĩ các đội quân hầu như ngày nào cũng đạt 100 phần trăm quân số. Tiếng máy rộn ràng, người đi lại làm việc trên hiện trường tấp nập. Những chớp hàn lóe sáng, khói hàn bốc mờ mịt. Các đội thi đua với nhau, người này thi đua với người khác, không những tự răn mình phải làm sao sản xuất được sản phẩm tốt nhất, mà còn có năng suất cao nhất.

Lại Văn Cường, thợ hàn bậc 3/7, sau khi đi học chuyển loại về đã nâng năng suất hàn từ 16m/công lên 47m/công. Công trường lắp trở nên sôi động về những con số tăng năng suất, những tấm gương lao động mỗi ngày một xuất hiện thêm nhiều. Song song với việc sản xuất ống hơi, bảo ôn các đoạn ống cần thiết, công trường lắp còn phải sản xuất chi tiết lắp điện. Các chi tiết như hộp chia dây, móc giá... đều ghi theo tiêu chuẩn của Liên Xô, ở nước ta chưa sản xuất mặt hàng này, đơn vị lắp phải thiết kế và tổ chức gia công toàn bộ chi tiết này.

Chất lượng đặt “sắt chờ” quyết định độ chính xác vị trí lắp các thiết bị, đồng thời cũng ảnh hưởng nhiều tới tốc độ thi công cả xây và lắp. Việc đặt các chi tiết “sắt chờ” vào bê tông để sau này cố định các ống dây điện vào tường và trần rất phức tạp. Có tới 10.000 đoạn “sắt chờ” như vậy với sự tải trọng khác nhau. Trong thiết kế chưa tính toán trước được hết nên “sắt chờ” đặt trước không đủ, đội thi công lắp điện đã nghĩ cách hàn sắt chờ vào hệ thống lưới sắt của bên xây. Sáng kiến này đã khắc phục được tình trạng đục bê tông, công việc nhanh hơn, đảm bảo chắc chắn mà vẫn không thương tổn đến vẻ đẹp công trình.

Cán bộ kỹ thuật chia nhau xuống từng đội, trực tiếp sản xuất với công nhân. Công trường lắp đã tổ chức một bộ phận kỹ thuật tổng hợp gồm các đồng chí kỹ sư, cán bộ kỹ thuật thông hơi, điều hòa, điện, cơ khí, cấp thoát nước và trắc đạc... Bộ phận này không những nghiên cứu thiết kế mà còn nghiên cứu cả thiết kế cả phần xây để có phương án thi công hợp lý nhất.

(Xem tiếp kỳ sau)

Theo Giữ yên giấc ngủ của Người

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc